Cán cân thương mại hàng hóa của cả nước từ đầu năm đến hết ngày 15/4/2017 thâm hụt hơn 2,56 tỷ USD, bằng 4,9% kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Cán cân thương mại tiếp tục thâm hụt
Theo số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong nửa đầu tháng 4/2017 (từ 01/04 đến 15/04/2017) đạt gần 16,37 tỷ USD giảm 13,9% (tương ứng giảm gần 2,65 tỷ USD) so với kỳ 2 tháng 03/2017.
Nửa đầu tháng 4, xuất khẩu sắt thép các loại giảm 62,8%, trong khi nhập khẩu tăng 13,2%
so với nửa cuối tháng 3/2017 (Ảnh minh họa: KT)
Trong đó, kim ngạch hàng hoá xuất khẩu đạt hơn 7,93 tỷ USD, giảm 16% (tương ứng giảm gần 1,51 tỷ USD) so với 15 ngày cuối tháng 03/2017.
Tính đến hết ngày 15/04/2017 kim ngạch xuất khẩu của cả nước đạt gần 52,51 tỷ USD, tăng 13,9% (tương ứng tăng hơn 6,42 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2016.
Còn trị giá hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam nửa đầu tháng 4/2017 đạt hơn 8,43 tỷ USD, giảm 11,9% (tương ứng giảm hơn 1,14 tỷ USD) so với 15 ngày cuối tháng 03/2017.
Tính đến hết ngày 15/04/2017 kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt hơn 55,07 tỷ USD, tăng 23,1% (tương ứng tăng gần 10,34 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2016.
Máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng là nhóm hàng có đóng góp lớn nhất vào mức tăng kim ngạch nhập khẩu của cả nước. Tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này trong 3 tháng tính từ đầu năm 2017 là 8,07 tỷ USD, tăng 35,9% về số tương đối và tăng tới 2,13 tỷ USD về số tuyệt đối so với cùng kỳ thời gian năm 2016.
Như vậy, tính đến hết ngày 15/04/2017 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước đạt hơn 107,58 tỷ USD, tăng 18,5% (tương ứng tăng gần 16,76 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2016. Cán cân thương mại hàng hóa nửa đầu tháng 4/2017 thâm hụt 501 triệu USD, đưa cán cân thương mại hàng hóa của cả nước từ đầu năm đến hết ngày 15/4 thâm hụt hơn 2,56 tỷ USD, bằng 4,9% kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Cũng trong 15 ngày đầu tháng 4, khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt kim ngạch xuất nhập khẩu gần 10,87 tỷ USD, giảm 13% tương ứng giảm hơn 1,62 tỷ USD so với nửa cuối tháng 3/2017.
Tính đến hết ngày 15/4 khối FDI đạt kim ngạch xuất nhập khẩu gần 70,05 tỷ USD, tăng 18,5%, tương ứng tăng gần 10,95 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2016, chiếm 65,1% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước. Cán cân thương mại hàng hóa của khối doanh nghiệp có vốn FDI trong nửa đầu tháng 4/2017 thặng dư 504 triệu USD, đưa mức thặng dư của khối này từ đầu năm đến hết 15/04/2017 hơn 3,92 tỷ USD.
Nhập khẩu tăng nhanh
Trước đó, tiếp tục xu hướng từ cuối năm 2016, thương mại Quý 1 phục hồi tương đối ổn định. Nhưng nhập khẩu tăng nhanh khiến cán cân thương mại thâm hụt trong Quý 1.
Cụ thể, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Quý 1 ước đạt 43,7 tỷ USD, tăng 12,8% sô với Quý 1/2015. Nhập khẩu hàng hóa Quý 1 tăng nhanh ở mức 22,7%, cao nhất kể từ 2012 trở lại đây, và đạt 45,7 tỷ USD.
Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), sự phục hồi trong xuất khẩu của Việt Nam vẫn dựa chủ yếu vào yếu tố giá chứ chưa có sự cải thiện về lượng. Trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu tăng mạnh khiến cán cân thương mại dịch chuyển theo hướng thâm hụt.
VEPR đánh giá, xét về mặt cơ cấu, thông thường tăng trưởng công nghiệp ở mức thấp trong quý 1 là điều bình thường do hiệu ứng Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, mức tăng trưởng thấp như Quý 1 năm nay là đáng lo ngại, đặc biệt, công nghiệp suy giảm ở hầu hết các ngành chính. Tăng trưởng chỉ số công nghiệp và chỉ số tiêu thụ thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây trong khi lượng hàng tồn kho tăng đáng kể.
"Nếu như một nguyên nhân chính của việc suy giảm tăng trưởng được cho là bắt nguồn từ tính thời vụ trong hoạt động sản xuất và xuất khẩu của Samsung, thì điều ấy cho thấy một khuynh hướng ngày càng rõ nét về sự lệ thuộc của nền kinh tế Việt Nam vào một số ít tập đoàn đa quốc gia và ngành hàng chính. Trong khi đó, nền công nghiệp trong nước ngày càng kém cạnh tranh và có khuynh hướng thu hẹp, thể hiện sự thất bại trong hội nhập vào thị trường thế giới"- VEPR đánh giá./.
Nguồn tin: VOV