Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Cận cảnh bức tranh kinh tế thế giới 2010

ĐCSVN) - Nền kinh tế toàn cầu trong năm 2010 đã trải qua một năm đầy thăng trầm. Tuy đã qua cơn sóng gió và đang trên đà phục hồi, nhưng “dư vị” của cuộc khủng hoảng kinh tế vẫn chưa chấm dứt. Sau đây là những mảng sáng tối đan xen của bức tranh kinh tế thế giới 2010 qua tiếp cận của phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam.

Kinh tế thế giới đang trên đà phục hồi

 

 Kinh tế thế giới đang phục hồi (Ảnh:Tầm nhìn.net)

Theo Báo cáo “Tình hình và triển vọng kinh tế thế giới năm 2011” công bố vào cuối tháng 11-2010 của Liên hợp quốc, sau suy thoái những năm trước, bước vào năm 2010, hầu hết các nền kinh tế lớn đang bắt đầu phục hồi và phát triển khá mạnh. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo kinh tế của 33 nước thành viên OECD tăng trưởng bình quân 2,8% trong năm 2010. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng của Trung Quốc ở gần mức 10% trong năm 2010 và 2011, tại Ấn Độ mức tăng trưởng là 8,4%, Nga 4,3% và Brazil 4,1%. Bốn nước thuộc nhóm BRIC này sẽ đóng góp đáng kể cho sự phục hồi kinh tế thế giới. Cũng theo OECD, thương mại toàn cầu phục hồi, tăng 12,3% năm 2010. Tăng trưởng thương mại sẽ đặc biệt mạnh tại nhiều nước châu Á và Brazil. Tại Mỹ, kinh tế tăng trưởng chậm, vào khoảng 2,4%-2,5% trong năm 2010. Tại Pháp, nền kinh tế lớn thứ hai châu Âu, con số này còn thấp hơn, vào khoảng 1,6% trong hai năm 2010 và 2011.

Tại Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone), Ủy ban châu Âu (EC) đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của 16 nước thành viên Eurozone bất chấp khủng hoảng nợ. Trong báo cáo mới nhất cuối tháng 11 - 2010, EC cho biết tăng trưởng kinh tế của Eurozone năm 2010 sẽ là 1,7%. Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, có mức tăng trưởng 3,7%. Kinh tế Trung Ðông và Bắc Phi sẽ vẫn tãng trưởng mạnh. Dự báo tăng trưởng của khu vực này sẽ là 4,1% năm 2010 và 5,1% năm 2011. Còn theo LHQ, tại khu vực Mỹ Latinh và vùng Caribe, hoạt động xuất khẩu mạnh và giá hàng hóa cao đang "tiếp sức" cho tăng trưởng kinh tế nhanh hơn mong đợi. Năm 2010, mức tăng trưởng đạt 5,6%. Brazil, "đầu tàu" tăng trưởng của khu vực, sẽ tiếp tục duy trì nhu cầu mạnh mẽ ở trong nước để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu của các nước láng giềng. Khu vực này cũng được lợi nhờ các mối quan hệ kinh tế ngày càng mạnh mẽ với các nền kinh tế đang nổi lên ở châu Á.

"Hiệu ứng Đô mi nô” trong lĩnh vực công nợ

Từ tháng 4 – 2010, các tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế đã cảnh báo về việc Hy Lạp có dấu hiệu cho thấy mất khả năng thanh toán, dẫn đến các nhà đầu tư có thể thiệt hại tới từ 30 - 50% giá trị các khoản đầu tư tại nước này.
 
Trước thực tế trên, để ngăn chặn “hiệu ứng đô mi nô” của khủng hoảng kinh tế từ Hy Lạp tới các nước khác, tổ chức Liên minh châu Âu đã dành gói cứu trợ 110 tỷ euro cho Hy Lạp, cùng lúc kích hoạt Quỹ bình ổn Eurozone trị giá 750 tỷ euro. Nhưng việc làm trên vẫn không ngăn chặn được nạn suy giảm kinh tế lây lan trong khu vực, mà biểu hiện đầu tiên là Ireland cũng bắt đầu chìm ngập trong công nợ. Bên cạnh đó có nhiều dấu hiệu cho thấy việc lây lan công nợ không dừng lại mà còn có thể tiếp tục đe dọa nhiều quốc gia châu Âu lân cận.

Trước các mối đe dọa trên, Tổ chức Liên minh Châu Âu đã phải khẩn trương tiếp tục cứu trợ cho nền kinh tế của Ireland một gói cứu trợ lớn, có giá trị khoảng 85 tỷ euro. Các quốc gia châu Âu lân cận với Hy Lạp, Ireland cũng phải tiến hành nhiều biện pháp kinh tế, nhằm "cách ly" không để "cơn lũ công nợ" lây lan sang nước mình. Tuy nhiên, hiện nay, nguy cơ lây lan khủng hoảng nợ vẫn hiện diện và là mối đe dọa tiềm tàng đối với nhiều quốc gia Châu Âu.

Hiện hữu một “cuộc chiến” tiền tệ

 

 Nhiều nước hạ lãi suất cơ bản đồng nội tệ (Ảnh: Gety)

Năm 2010 cũng là năm ghi nhận những diễn biến bất thường về tỷ giá tiền của một số nước lớn như đồng USD, euro, nhân dân tệ, đồng yên Nhật ...

Dấu ấn đầu tiên là Nhật Bản đã mạnh tay can thiệp vào thị trường tiền tệ quốc tế. Ngày 15/9, Nhật Bản tự ý bán ra khoảng 1.000 tỷ yên (trị giá khoảng 20 tỷ USD), với ý đồ nhằm giảm tỷ giá đồng yên đối với USD. Tiếp đó ngày 5/10, Ngân hàng trung ương Nhật Bản quyết định hạ lãi suất cơ bản từ mức 0,1% xuống 0,01%, tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ.

Để đối phó với việc Nhật Bản hạ lãi suất như trên, đầu tháng 11 – 2010, Ủy ban thị trường mở liên bang (FOMC) của Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ (FED) quyết định tiếp sức số tiền 600 tỷ USD cho nền kinh tế của Mỹ. Các động thái này cũng đã gây ra hiệu ứng Đô mi nô, với việc nhiều nước khác đã tiến hành nhiều biện pháp hạ giá đồng nội tệ, nhằm tăng khả năng cạnh tranh, đẩy mạnh lĩnh vực xuất khẩu để thu hút ngoại tệ.

Hậu quả của các sự kiện trên là nguy cơ hiện diện của việc các đồng tiền thi nhau trở nên mất giá, có thể dẫn đến suy thoái nền thương mại thế giới như đã từng xảy ra.

Giá vàng, lương thực và nhiều mặt hàng leo thang.

Trước hết là sự leo thang của giá vàng. Trong năm 2010, lo ngại về tiền mất giá, giới đầu tư chỉ đã tìm đến chỗ dựa vững chắc là vàng, một thước đo giá trị về kinh tế vẫn tương đối ổn định lâu nay. Vì vậy, giá vàng không ngừng leo thang. Vào thời gian gần cuối tháng 11 - 2010 so với đầu năm, giá vàng đã tăng khoảng 30%, tạo nên một kỷ lục chưa từng thấy về giá vàng trên thế giới. Và dù hiện nay, giá vàng có chững lại và đã có xu hướng giảm giá nhẹ, nhưng vẫn giữ ở mức kỷ lục từ trước tới nay.

Còn về nguyên nhân tăng giá lương thực, theo các nhà nghiên cứu, chính hậu quả của biến đổi khí hậu toàn cầu đã gây nên các thảm họa sinh thái, hệ lụy của nó đã dẫn đến các trận hạn hán lớn tại nước Nga. Hạn hán cùng nạn cháy rừng tại Nga làm ảnh hưởng tới trên 1/5 diện tích trồng lúa mì của nước Nga, vựa lúa mì lớn nhất thế giới. Trong năm 2010, cũng xảy ra nhiều trận hạn hán, lũ lụt khắp nơi như: Trung Quốc, Pakistan, Ấn Độ, các nước Đông Nam Á…đã làm mùa màng thất bát, góp phần đẩy giá lương thực thế giới tăng mạnh. Theo các nhà nghiên cứu thuộc Viện nghiên cứu chính sách lương thực quốc tế (IFPRI), đến năm 2050, giá lương thực có thể tăng gấp đôi, do biến đổi khí hậu đang tiếp tục thu hẹp diện tích đất nông nghiệp trên thế giới và giảm năng suất cây trồng một cách rõ rệt, hệ lụy của nó là sẽ làm giá lương thực tiếp tục tăng mạnh. 

Giá vàng, lương thực leo cao là một trong những nguyên nhân chính góp phần làm giá nhiều loại hàng hóa khác tăng theo. Và dù do nguyên nhân nào đi nữa, việc giá cả leo thang sẽ làm cho cuộc sống của đại đa số người dân, nhất là các nước nghèo trên thế giới sẽ còn khó khăn hơn.

Kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương phát triển mạnh.

 

Kinh tế Trung Quốc đang phát triển rất mạnh (Ảnh: tctc.vn)

 Năm 2010 đánh dấu sự phát triển mạnh của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Nõ nét nhất  là sự phát triển của nền kinh tế Trung Quốc. Trong quý 2 năm 2010, Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản để giành ngôi vị nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, khi GDP của Trung Quốc trong quý 2 đạt 1.337 tỷ USD, còn tại Nhật bản, con số này là 1.288 tỷ USD. Và tuy trong quý tiếp theo của năm 2010, Nhật Bản đã giành lại được vị trí thứ 2 của kinh tế thế giới, nhưng theo các nhà nghiên cứu, với đà tăng trưởng như hện nay, chỉ không lâu nữa, vị trí này sẽ là của Trung Quốc. Trong lĩnh vực đồng nội tệ, từ ngày 19/6/2010, Trung Quốc bỏ chế độ neo tỷ giá đồng nhân dân tệ vào đồng USD. Nhờ đó, đồng nhân dân tệ tăng giá mạnh. Trong những tháng cuối năm 2010, đồng tiền này tăng giá mạnh nhất so với các đồng tiền khác tại châu Á, tới mức kỷ lục 2,4%. Bên cạnh việc nâng giá đồng nhân dân tệ, Trung Quốc cũng xúc tiến các biện pháp nhằm quốc tế hóa đồng nội tệ của họ, bằng cách cho phép nhiều tỉnh, thành trong nước thực hiện các giao dịch thương mại quốc tế bằng đồng nhân dân tệ, góp phần làm cho đồng nhân dân tệ ngày càng có vai trò trên thị trường tài chính quốc tế. 

Bên cạnh Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc và Singgapore cũng phát triển khá mạnh, nhất là Ấn Độ.  Theo Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), tới khoảng những năm 2030, Ấn Độ có thể sẽ trở thành nền kinh tế đứng thứ 3 thế giới, sau Mỹ và Trung Quốc. Cũng theo ADB đánh giá, trong năm 2010, các nền kinh tế Ðông Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore - có mức tăng trưởng 8,8%. ADB dự báo một số quốc gia đang phát triển ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong một tương lai không xa, có thể đuổi kịp và vượt qua các nước phát triển hiện nay.

Sự lên ngôi của BRIC như “Thế lực kinh tế mới”.

Năm 2010 cũng ghi đậm dấu ấn sự đang lên của nhóm BRIC (Bao gồm các nước Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc), là những nền kinh tế chủ chốt đang nổi lên trên thế giới, góp phần thúc đẩy kinh tế toàn cầu tăng trưởng và đóng một vai trò quan trọng trong việc bình ổn nền kinh tế thế giới. 

Theo Goldman Sachs, một tập đoàn đầu tư chứng khoán lớn của Mỹ, nhóm BRIC đã vượt qua Mỹ về công nghiệp năng lượng, trong số 20 đại gia hàng đầu trong ngành năng lượng thế giới, nhóm BRIC chiếm tới 35% trong khi Mỹ chỉ chiếm 30%. Châu Âu hiện chiếm 35%. Điều này một lần nữa minh chứng rõ ràng sức mạnh đang lên của nhóm BRIC nói riêng cũng như các nền kinh tế mới nổi nói chung và tác động của họ với kinh tế toàn cầu. 

Tuy cơ sở hạ tầng kinh tế khác nhau, nhưng mỗi nước BRIC có một sức mạnh đặc thù của mình. Brazil có nguyên liệu: sắt, nông nghiệp; Nga có nguồn nhiên liệu khổng lồ: dầu thô và khí đốt; Ấn Độ là nơi trao đổi và cung cấp dịch vụ thông tin, điện toán; và Trung Quốc là quốc gia sản xuất hàng hóa với nhân công rẻ. Với tổng số dân gần 3 tỉ người, bốn nước BRIC chiếm hơn 40% tổng số dân thế giới, vì vậy ngoài việc sản xuất, bốn nước này còn là một thị trường tiêu thụ khổng lồ. Vì vậy tình hình kinh tế của những nước này sẽ ảnh hưởng không ít đến nền kinh tế thế giới. Các chuyên gia nghiên cứu kinh tế toàn cầu từng dự đoán cơ cấu kinh tế thế giới sẽ thay đổi vào năm 2050 và BRIC sẽ vượt các nước phát triển phương Tây như Anh, Pháp, Italia, Đức và cùng với Mỹ, Nhật Bản trở thành 6 nền kinh tế chủ chốt trên thế giới. Nhiều công ty đa quốc gia đã đặt BRIC trong chiến lược đầu tư.

Hội nghị Thượng đỉnh APEC lần thứ 18 thúc đẩy FTAAP, TTP và ASEAN +3, +6.

Hội nghị thượng đỉnh APEC lần thứ 18 đã diễn ra ở Yokohama (từ ngày 13 đến 14/11/2010) với chủ đề “Đổi mới và hành động”. Hội nghị đã đề ra tầm nhìn cho hội nhập kinh tế khu vực trong bối cảnh có những thay đổi trong bức tranh kinh tế khu vực và toàn cầu. Trong tuyên bố chung “Tầm nhìn Yokohama”, lãnh đạo các nền kinh tế APEC đã nhất trí cho rằng Khu vực mậu dịch tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP) cần được xây dựng trên cơ sở các thỏa thuận mang tính khu vực hiện có như ASEAN+3, ASEAN+6 và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cùng với các thỏa thuận khu vực khác.

Riêng trong khu vực ASEAN, các nhà lãnh đạo ASEAN đang hướng sự chú ý vào tiến trình hợp tác khu vực cũng như trong nỗ lực xây dựng cấu trúc khu vực mới; phát triển bền vững và ứng phó với những thách thức toàn cầu. ASEAN cũng đã quyết định chính thức mời Tổng thống Nga và Mỹ tham gia Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) bắt đầu từ năm 2011.

Các sự cố tràn dầu trên biển và cú gượng dậy của hãng dầu lớn nhất thế giới BP.

 

 

Nhờ giá dầu leo thang trong năm 2010, 
BP đang lấy lại thăng bằng và bắt đầu phục hồi mạnh mẽ 
(Ảnh: tiepthi.vn)

Từ sự cố nổ giàn khoan Deeperwater Horizon vào ngày 20 - 4 - 2010 đến ngày 15 - 7, khi đóng lại được giếng bị rò rỉ, theo ước tính của các nhà nghiên cứu, đã có khoảng 4,9 triệu thùng dầu bị tràn ra tại vịnh Mexico. Sự cố này đã gây thảm họa sinh thái trên một khu vực rộng, gây hậu quả khó lường và tiêu tốn của Hãng BP, một trong những hãng dầu lớn nhất thế giới, số tiền trên 20 tỷ USD để bồi thường cho 4,9 triệu thùng dầu và chi tới 6,1 tỷ USD vào việc dọn sạch dầu trên biển. Chưa hết, vào tháng 4/2010, một giàn khoan dầu của hãng BP bỗng phát nổ, làm 12 công nhân tử nạn, đồng thời làm hàng triệu lít dầu hàng ngày cứ tiếp nhau tràn ra mặt biển. Bên cạnh việc phải đối diện với sự lên án gay gắt của người dân về sự hủy hoại môi trường, hãng còn tốn hàng tỷ USD bồi thường cho người dân, nộp phạt chính phủ, làm công tác dọn dẹp môi trường. Mặc dù là hãng dầu có nguồn tài chính khổng lồ, BP đã phải bán hàng loạt tài sản khắp nơi trên thế giới để trang trải nợ nần. Rất may cho BP là nhờ các sự cố tràn dầu, dẫn đến việc khai thác dầu gặp khó khăn nên giá dầu thế giới lại được đẩy lên cao, nhất là trong thời điểm giữa và cuối năm 2010, vì thế kết quả doanh thu của BP đã tăng trưởng rất mạnh và khả năng phục hồi của BP ngày càng trở nên khả quan hơn.

 

Nguồn: ĐCSVN

ĐỌC THÊM