Trong những năm qua, ngành thép nước ta tuy được đầu tư mạnh và đạt được tốc độ tăng trưởng cao nhưng đang phải đối mặt nhiều thách thức. Sự phát triển của ngành đang bị coi là "ngược quy luật", công nghiệp cán có trước công nghiệp luyện.
Các doanh nghiệp chủ yếu mới chỉ sản xuất thép xây dựng, năng lực sản xuất phôi còn yếu, bỏ trống một khoảng lớn các sản phẩm "đặc chủng" khác. Do mất cân đối trong cơ cấu, nên ngành thép gặp nhiều khó khăn trong điều tiết thị trường. Cần phải có những giải pháp cân đối cơ cấu lại ngành thép đáp ứng nhu cầu trong nước, tiến tới xuất khẩu.
Thiếu thép "đặc chủng"
Ðầu những năm 90 của thế kỷ trước, sự ra đời của Tổng công ty Thép Việt Nam góp phần quan trọng vào sự phát triển và bình ổn của ngành thép. Trước đó, ngành thép phát triển rất chậm chạp, nguồn thép tiêu thụ trong nước hầu như nhập khẩu. Năm 1996 đánh dấu sự chuyển mình mới của ngành thép, với sự ra đời của năm công ty thép liên doanh, tổng công suất khoảng 800 nghìn tấn/năm. Nhiều chuyên gia ngành thép cũng phải thừa nhận, ngành thép đang phát triển "không nền móng" vì sản xuất phải nhập đến 80% phôi mỗi năm, cơ cấu ngành thép không cân đối, chủ yếu làm cán thép. Nguyên nhân chủ yếu do khó khăn về vốn đầu tư. Một nhà máy thép đi từ nguồn (sản xuất quặng đến cán ra thép) đòi hỏi vốn rất lớn.
Ðể có thể có sức cạnh tranh cần đầu tư dây chuyền công nghệ tiên tiến, tiêu hao năng lượng thấp và ít tác động tiêu cực đến môi trường. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp thép chỉ sản xuất thép xây dựng do quy trình và công nghệ sản xuất đơn giản. Lợi thế của loại thép này là nhu cầu tiêu thụ cao, vốn nhỏ, thời gian xây dựng nhà máy ngắn và quản lý dễ, hiệu quả đầu tư khá cao và không chịu sức ép cạnh tranh từ bên ngoài.
Sản phẩm thép được chia thành hai nhóm chính: thép xây dựng (thép dài) và thép dẹt (gồm thép tấm, thép lá, cán nóng và cán nguội). Nước ta chủ yếu mới chỉ sản xuất được thép xây dựng, còn các sản phẩm thép dẹt hầu hết vẫn phải nhập khẩu. Thép xây dựng chiếm phần lớn tổng tiêu thụ toàn ngành, nhưng dự báo thời gian tới, sẽ có sự chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu tiêu thụ sản phẩm giữa thép xây dựng và thép dẹt, do nhu cầu phát triển các ngành công nghiệp nặng tăng cao. Ðối với sản phẩm thép dẹt, mặc dù thị trường tiêu thụ lớn nhưng các doanh nghiệp trong ngành không đủ nguồn lực để tập trung phát triển thị trường này. Năng lực sản xuất trong nước chỉ đáp ứng khoảng 20% nhu cầu tiêu thụ cả nước, trong khi nhu cầu tiêu thụ thép dẹt ngày càng tăng cao trong vài năm trở lại đây, chiếm tới gần một nửa tổng nhu cầu hằng năm. Năm 2007, trong khi tiêu thụ thép xây dựng chỉ tăng 17,1% so với năm trước thì nhu cầu về thép dẹt các loại tăng 70% và nhu cầu tiêu thụ thép tấm lá cán nguội tăng 83%. Trừ một số nhà máy thép cán nóng, cán nguội như Nhà máy thép tấm lá Phú Mỹ, Tôn Hoa Sen, Nhà máy cán tấm nóng Cửu Long Vinashin và Công ty sản xuất thép cán nguội Sunsco, còn lại tất cả các sản phẩm cán nóng, cán nguội và tấm lá khác đều phải nhập khẩu. Ngay ở Nhà máy cán nguội Phú Mỹ thì nguyên liệu chính là cuộn cán nóng cũng phải nhập khẩu toàn bộ. Ðiều này cho thấy, trong cơ cấu sản xuất sản phẩm giữa thép dài và thép dẹt có sự mất cân đối nghiêm trọng.
Quy mô, công nghệ của ngành thép được xem là "thước đo" đánh giá khả năng tự chủ, trình độ phát triển của nền kinh tế nói chung và nền công nghiệp nói riêng của mỗi quốc gia. Trong đó, khả năng luyện phôi và sản xuất các loại thép "đặc chủng" như thép hình, thép tấm, thép chế tạo cường độ cao... là điều kiện tiên quyết để phát triển các ngành công nghiệp khác. Ngành sản xuất thép chưa trở thành ngành công nghiệp cơ bản thúc đẩy phát triển của các ngành công nghiệp khác. Ðiều này cho thấy sự thiếu hụt lớn trong phát triển công nghiệp của nước ta.
Năng lực sản xuất phôi yếu
Với sự phát triển nhanh chóng của ngành thép trong thời gian qua, năng lực cán thép hiện nay đạt hơn sáu triệu tấn/năm, tăng gấp ba lần năm 2001. Tổng sản lượng thép cán năm 2007 đạt gần bốn triệu tấn. Tuy nhiên, tình trạng mất cân đối giữa phát triển sản xuất phôi thép và cán thép vẫn chưa được khắc phục. Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đánh giá: Sản xuất phôi trong nước hiện đạt hơn hai triệu tấn, đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu. Do vậy, ngành thép vẫn phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu nên bị động trong việc cung cấp sản phẩm và điều tiết thị trường khi có những biến động lớn về giá và cung cầu thép trên thị trường thế giới. Nhiều ý kiến khẳng định ngành thép phát triển "ngược quy luật" khi công nghiệp cán... có trước công nghiệp luyện. Các lò luyện công suất nhỏ, công nghệ lạc hậu, sử dụng nguyên liệu thép phế liệu lại phát triển rầm rộ hơn hẳn loại công nghệ hiện đại: luyện thép từ quặng với quy mô lớn, cho sản phẩm giá thành rẻ.
Trong số rất nhiều nhà sản xuất thép hiện nay, chỉ có một số ít doanh nghiệp như Công ty cổ phần Thép Cửu Long - Vinashin là chú trọng đầu tư mạnh về chiều sâu và chiến lược dài hạn, có khả năng tự sản xuất phôi thép, sản xuất các loại thép đặc thù. Ông Ðàm Quốc Vinh, Phó Tổng giám đốc công ty cho biết: Cụm công nghiệp thép của Cửu Long - Vinashin có vốn đầu tư 1.400 tỷ đồng, gồm bốn nhà máy, tổng công suất 1,2 triệu tấn thép các loại. Công ty đang tiếp tục đầu tư một loạt dự án sản xuất các loại thép "đặc chủng" tại Yên Bái, Phú Thọ, Nam Ðịnh. Nhà máy thép ở Nam Ðịnh công suất 500 nghìn tấn/năm, cán thép hình cỡ lớn, sử dụng đóng xương tàu trọng tải lớn; nhà máy ở Yên Bái, công suất 1 triệu tấn/năm, sản xuất phôi từ quặng theo công nghệ lò cao, luyện thép xốp, sản xuất thép ray tàu. Còn nhà máy thép ở Hải Phòng sản xuất thép tấm phục vụ đóng tàu, khổ 2 m, đóng tàu trọng tải nhỏ; thép hình cường độ cao... Theo công bố, các sản phẩm thép của công ty đều áp dụng và đạt tiêu chuẩn của Hoa Kỳ và Nhật Bản. Ðây là đơn vị đầu tiên ở nước ta có khả năng sản xuất được thép tấm cán nóng. Cuối tháng 12-2007, mẻ thép tấm cán nóng đầu tiên của Việt Nam được sản xuất thành công tại cụm công nghiệp thép Cửu Long - Vinashin là một sự kiện với ngành thép Việt Nam. Ðó là thể hiện cụ thể của một doanh nghiệp trong nước trong nỗ lực giành lại thị trường các loại thép dùng trong công nghiệp, mảng thị trường đang chiếm ưu thế. Hiện nay, dây chuyền sản xuất thép tấm cán nóng của công ty đạt 60% công suất. Công ty đang tiếp tục hoàn thiện quy trình sản xuất để có thể sản xuất thép tấm khổ lớn, phi tiêu chuẩn phục vụ đóng tàu hơn 100 nghìn tấn của Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin). Việc sản xuất các loại thép "chuyên dụng" như đường ray, thép chữ H, thậm chí đầu tư một dự án đúc kim loại chế tạo chân vịt cỡ lớn, vỏ động cơ, máy công nghiệp... đang được doanh nghiệp xúc tiến đầu tư và hoàn thành trong năm 2009 tới.
Theo đánh giá của VSA, nhu cầu thép tấm và các loại thép "đặc chủng" khác sẽ chiếm 70% tổng nhu cầu thép trong thời gian tới. Ðầu tư công nghệ, nhưng thiếu vốn, đang là cản trở rất lớn đối với ngành thép. Tổng công ty Thép Việt Nam và Tập đoàn thép Essar (Ấn Ðộ) đã liên doanh thực hiện dự án sản xuất thép tấm cán nóng tại Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu), sản lượng 2 triệu tấn thép tấm/năm, vốn đầu tư 500 triệu USD. Ðó là chưa kể tới hàng loạt dự án luyện phôi, sản xuất thép với vốn đầu tư hàng tỷ USD, sản lượng hàng triệu tấn sản phẩm/năm hiện đang chuẩn bị các thủ tục đầu tư... Như vậy, hy vọng trong vài năm tới, sản lượng thép tấm và các loại thép chất lượng cao của nước ta sẽ đủ sức đáp ứng nhu cầu trong nước, thậm chí có khả năng cạnh tranh cao tiến tới xuất khẩu.
Nhân dân