Với mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến 18 - 20%/năm, tính ra lãi suất hiện nay tương đương với mặt bằng lãi suất năm 2008, thời điểm Việt Nam chịu tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới. Khi lượng tín dụng cho vay giảm mạnh, tiền mặt trở nên khan hiếm. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) than, họ đang gặp nhiều khó khăn với mức lãi suất đi vay cao như vậy.
Phía các ngân hàng thì "phản ứng" rằng họ cũng cần được mọi người cảm thông vì chính họ cũng đang phải đi vay với lãi suất cao. Thực tế, nhiều ngân hàng đã phải vay vốn của các ngân hàng lớn để cho khách hàng vay, có thời điểm lãi suất cho vay giữa các ngân hàng lên đến 40%/năm trong khi nếu huy động từ người dân (kể cả có thêm thưởng) lãi suất cũng chỉ có 15-17%/năm, vẫn lời hơn nhiều.
Ngoài ra, một yếu tố khách quan tác động mạnh đến các ngân hàng đó là CPI, khi CPI có xu hướng "phi mã" thì lãi suất huy động không thể thấp được. Do đó, bất chấp việc Ngân hàng Nhà nước quy định lãi suất huy động không được quá 14%/năm, các ngân hàng thương mại vẫn tìm cách lách để đẩy lãi suất lên cao. Đại diện một ngân hàng thương mại tiết lộ, mức huy động lãi suất thực tế sau khi cộng các khoản thưởng đã lên đến gần 17%/năm. Vì lãi suất đầu vào cao nên lãi suất cho vay của ngân hàng này cũng ngất ngưởng 20%/năm. Ông Lê Đức Sơn - Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng MB (Phùng Hưng, Hà Đông, HN) thừa nhận, lãi suất cho vay quá cao khiến lượng khách đi vay của ngân hàng giảm đáng kể từ sau Tết Nguyên đán, ngay cả các DN có nhu cầu nhập khẩu cũng e dè không dám vay USD vào thời điểm này.
Từ góc nhìn chuyên gia, ông Bùi Kiến Thành cho rằng, lý do DN đang phải chịu lãi suất cao như hiện nay là vì ngân hàng thắt chặt tín dụng. Trong vòng một năm, lãi suất đã tăng gần gấp đôi, làm cho nhiều DN không yên tâm sản xuất, kinh doanh. Cũng theo chuyên gia tài chính này, chính các ngân hàng nhỏ đã khơi mào cho cuộc đua huy động tiền gửi. Vì phải dựa vào nguồn vốn từ thị trường tự do để tăng thanh khoản nên họ đẩy lãi suất tiền gửi lên cao để thu hút nguồn tiền nhàn rỗi của dân. Điều này khiến lãi suất cho vay buộc phải đẩy lên theo, gây ra làn sóng tăng lãi suất giữa các ngân hàng, và "kẻ chịu trận" cuối cùng là người dân và DN đi vay. Để hạ lãi suất, ông Bùi Kiến Thành cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần tăng cường cho các ngân hàng nhỏ vay tiền, lưu ý "bơm tiền" đúng nơi đúng chỗ và chủ động ấn định lãi suất.
Không đồng tình với quan điểm của một số ngân hàng cho rằng CPI giảm thì lãi suất mới giảm, ông Thành khẳng định, phải dùng lãi suất để kéo giá cả xuống chứ không thể nhìn giá cả để ấn định lãi suất, có như vậy mới trị tận gốc lạm phát.
Hơn nữa, nếu các ngân hàng cứ khăng khăng không chịu giảm lãi suất trước thì e rằng sản xuất trong nước sẽ bị đình trệ, xuất khẩu sụt giảm, nhiều lao động mất việc. Theo ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam, khi DN không dám làm ăn sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy cho nền kinh tế, hàng hóa khan hiếm, giá cao, hàng sản xuất ra không tiêu thụ được, kinh tế tăng trưởng chậm lại. "Ngay như May 10 có quy mô và tài chính vững còn thấy "khó ở" với mức lãi suất như hiện nay thì những DNNVV khác sao đủ sức chịu đựng!?" - ông Thân Đức Việt, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần May 10 tâm sự. Do đó, điều tất yếu phải làm là các ngân hàng cần giảm lãi suất để cứu DN, cứu nền sản xuất. Mức lãi suất được các DN cho là hợp lý để kích thích sản xuất kinh doanh là 10 - 12%/năm.
Nguồn: KTĐT