Giá điện cần tính tới “khoan sức dân”
Câu chuyện giá điện tăng không phải là điều quá mới mẻ, thậm chí nằm trong kịch bản có từ trước của EVN. Ngay từ năm 2013 họ đã dự tính sẽ tăng giá khoảng 14% (cho cả năm 2014). Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu EVN không tăng giá điện để giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, không làm ảnh hưởng, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đến nay, khi lạm phát thấp nên họ cũng tính tới việc xin tăng giá.
Nhưng cùng với việc giữ mức lạm phát thấp là tránh tác động của việc thực hiện lộ trình tăng học phí và chi phí khám chữa bệnh. Vì vậy, việc tăng giá cần cân nhắc kỹ vì năm nay giá dầu giảm. Năm 2015 cũng dự kiến giá dầu thấp, giá than giảm nên phương án tăng giá của EVN cũng phải tính đến các yếu tố này và phải có lộ trình, không nên gây ra cơn sốc. Điểm nữa, đây là thời điểm sát Tết, giá cả có xu hướng tăng trong khi người dân cần dồn tiền chi tiêu, điện tăng giá thì về tâm lý người dân không chấp nhận.
Cùng đó, việc tăng giá điện cũng khiến nhiều sản phẩm trong nước khó cạnh tranh hơn trong bối cảnh thị trường ảm đạm kéo dài. Như với mặt hàng thép, với công nghệ bị đánh giá khá lạc hậu hiện nay, nhiều sản phẩm thép nội sẽ bị “tê liệt” trước thép nhập ngoại. Các số liệu từ cơ quan quản lý cho thấy, như với lò của Nga cần 150 kwh để sản xuất một tấn thép, trong khi của doanh nghiệp Việt Nam cần tới 450 kwh để sản xuất một tấn thép. Từ năm 2015 chúng ta sẽ hội nhập sâu hơn nên tăng giá điện sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức cạnh tranh của các doanh nghiệp.
Theo tôi, nếu tăng giá điện, chỉ nên tăng ở mức 3%-4%. Việc tăng giá cũng cần có lộ trình, nên rải ra làm nhiều lần và có tuyên bố trước để các ngành sản xuất chủ động tính toán chi phí đầu vào cũng như có thời gian kịp đổi mới công nghệ.
Tái cơ cấu EVN trước khi xin tăng giá
Một trong những yêu cầu bắt buộc trong Quyết định 24 của Thủ tướng Chính phủ là việc hằng năm EVN sẽ phải kiểm toán giá thành sản xuất điện để từ đó điều chỉnh giá. Tuy nhiên, đến nay mọi thứ vẫn đang tù mù?
EVN là doanh nghiệp độc quyền. Muốn biết hoạt động của EVN thế nào, cần phải có cuộc “hội chẩn” hoạt động của EVN. Để làm được, cần có một hội đồng độc lập để xem xét toàn bộ hoạt động của ngành điện. Không có hội đồng như vậy, sẽ rất khó xác định EVN đang mắc bệnh gì, năng suất lao động của họ ra sao, kém ở chỗ nào. Giờ có hiện tượng báo chí phản ánh một đằng thì EVN lại bao biện một nẻo. Người dân không biết thế nào mà lần.
Theo kinh nghiệm của Trung Quốc, họ bổ nhiệm một hội đồng gồm 3-5 người để khảo sát kỹ lưỡng hoạt động của một doanh nghiệp nhà nước nào đó. Bước tiếp theo, họ có báo cáo yêu cầu doanh nghiệp phải cải tiến, “chỉnh sửa” những yếu kém, giảm chi phí hoạt động ra sao…Cùng đó là phương án cải tiến lợi nhuận, loại bỏ những nhân lực thừa để tiết kiệm chi phí. Có làm như vậy, doanh nghiệp mới hiệu quả hơn.
Giờ cũng không quá muộn để lập hội đồng như vậy. Tiếp đến cần hoàn thiện lại chức năng, bộ máy của Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) để Cục này có khả năng giám sát hoạt động các tập đoàn có tính độc quyền. Để như hiện nay, cơ quan này không hoạt động được gì cả.
Như tôi nói, không có cơ quan giám sát độc lập giám sát thì mọi thứ lại tù mù. Theo tôi, tốt nhất nên giao cho Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật đứng ra làm việc này, do họ có các hội chuyên môn với nhiều người có kinh nghiệm nhờ từng làm ở EVN trước đây.
Ngành điện luôn cho rằng, giá điện của Việt Nam hiện vẫn thấp hơn các nước và để thu hút đầu tư, cần nâng giá điện cho ngang bằng khu vực. Theo ông, so sánh như vậy có hợp lý khi thu nhập của người dân, tiền lương của người lao động Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước khác?
Việt Nam cũng đang hội nhập nên giá điện cũng phải đáp ứng mức trung bình của khu vực. Trước khi tính tới việc nâng bằng các nước trong khu vực, cần cải tổ doanh nghiệp ngành điện cũng như các doanh nghiệp khác để đương đầu được với sự cạnh tranh này.
Hiện mới chỉ thấy các doanh nghiệp thuộc các ngành nghề khác lo lắng cho việc cạnh tranh. Còn các doanh nghiệp độc quyền, như điện, xăng dầu, thì chưa thấy. Điện là lĩnh vực độc quyền tự nhiên, không ai có thể nhảy vào cạnh tranh kiểu xây thêm đường truyền tải điện thứ hai để bán cho người dân được. Vì vậy, sắp tới, cần có những hội đồng giám sát độc lập ở nhiều lĩnh vực để đưa ra cho Quốc hội thấy bức tranh về tính cạnh tranh của các doanh nghiệp ở tất cả các ngành nghề khác nhau.
Cảm ơn ông.
Trả lời báo chí bên lề kỳ họp Quốc hội mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải cũng cho rằng, theo Quyết định 24, Bộ Công Thương phải công khai hóa kết quả kiểm toán cũng như tính giá thành của EVN để cho xã hội được biết là doanh nghiệp đó đã có cơ quan kiểm toán độc lập chưa, các bộ ngành đã xem xét chưa và giá ấy có chuẩn hay không. “Trong ngắn hạn là giá điện khó giảm. Nhưng áp lực tăng giá điện đã đỡ hơn chút vì tải được san ra. “Room” cho việc tăng giá điện không còn nhiều. Anh mà không quay về vấn đề hiệu quả, cạnh tranh là anh chết”, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải nói.
Bộ cần bảo vệ lợi ích người dân, thay vì doanh nghiệp
Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), TS Nguyễn Đình Cung, trật tự và kỷ luật của thị trường là vấn đề rất cần quan tâm trong cải cách thể chế mà mối quan hệ giữa Bộ Công Thương – EVN và giá điện là điều rất đáng suy nghĩ. Vấn đề không phải là tăng giá bao nhiêu mà là cách thức tăng giá. Vì đáng ra phải bảo vệ lợi ích người dân thì Bộ chủ quản lại đi bảo vệ đề xuất thay cho doanh nghiệp.Theo ông Cung, cách thức hợp lý trước mắt là Bộ Công Thương cần rà soát, đánh giá chi phí sản xuất điện xem đã hợp lý chưa. Cùng đó, cơ quan điều hành cần tham vấn chuyên gia, người tiêu dùng, qua đó kiểm soát giá điện. “Thế nhưng ở đây lãnh đạo Bộ lại có những tuyên bố mang tính thách đố và mặc cả như không tăng giá thì EVN sẽ phá sản, ngành điện sẽ sụp đổ. Thay vì bảo vệ lợi ích người tiêu dùng, cơ quan quản lý lại bắt người dân phải gánh chịu lợi thế độc quyền của EVN”, ông Cung nói.
Nguồn tin: Tiền phong