Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Cần những cú hích mạnh mẽ

 Trên thực tế cũng như qua các báo cáo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội từ đầu năm đến nay, chúng ta đã và vẫn tiếp tục đạt được những chỉ số, chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế vượt trội, khả quan.

Kinh tế Việt Nam thời gian qua tăng trưởng khá ổn định.

Báo cáo giám sát của các cơ quan chức năng, tổ chức kinh tế quốc tế tại Việt Nam vẫn luôn ghi nhận, đánh giá đúng mức về mục tiêu tăng trưởng của nền kinh tế nước ta cũng như những thành tựu đạt được. Tuy nhiên, để đạt được mức độ tăng trưởng mang tính bền vững, rõ ràng chúng ta “chưa thể vội vàng”… lạc quan!

Theo một số chuyên gia kinh tế: Tăng trưởng kinh tế nước ta hiện tại có thể vượt mức về số học nhưng chất lượng cần mổ xẻ. Con số tăng trưởng thể hiện qua việc xuất khẩu được bao nhiêu hàng hóa, bao nhiêu hàng hóa được làm ra nhưng ai là người hưởng lợi qua việc sản xuất kinh doanh đó. Chỉ có một số ít doanh nghiệp lớn được hưởng lợi, cùng với một số nhóm người được tác động tích cực. Còn 90% doanh nghiệp nhỏ và vừa, 90% người có thu nhập trung bình, thấp vẫn ở trong tình trạng khó khăn…

Và thực tế còn có không ít doanh nghiệp cả lớn lẫn nhỏ, vẫn đang loay hoay với nhiều bài toán trong phát triển sản xuất kinh doanh.

Chuyên gia kinh tế độc lập, TS Nguyễn Chí Hiếu khi nói về tăng trưởng kinh tế hiện tại, vẫn khẳng định còn nhiều vấn đề phải bàn, trong đó các yếu tố vĩ mô cần được mổ xẻ kỹ hơn.

Như chúng ta đã biết, tăng trưởng GDP trong quý I/2018 đạt 7,3%, là mức tăng trưởng xét ở góc độ số học là cao. Quý II chưa kết thúc nhưng có lẽ theo dự báo cũng là khá tốt so với năm ngoái. Như vậy nhìn về con số tăng trưởng là tốt, song còn tiềm ẩn rủi ro. Đó là nền kinh tế tăng trưởng dựa vào xuất khẩu nhưng nguồn xuất khẩu lại lệ thuộc vào khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Các công ty FDI vào Việt Nam giúp Việt Nam sản xuất hàng hóa, bán ra nước ngoài làm tăng ngoại hối, tạo việc làm cho lao động song gắn liền rủi ro vì tỷ trọng xuất khẩu của khối này chiếm đến 2/3. Khi họ thay đổi chiến lược đầu tư, hoặc có biến động sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Thực tế những năm qua, trên thế giới cũng đã có những bài học đắt giá về tình trạng này.

Thêm nữa, chúng ta phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài (FDI) trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực nhiều biến động.

Điều quan trọng là con số tăng trưởng thể hiện qua hàng hóa, nhưng ai là người hưởng lợi qua sản xuất kinh doanh đó. DN lớn họ được tác động tích cực, vậy còn 90% nhỏ và vừa ở tình trạng kinh doanh khó khăn thì sao? Hiện tượng này vẫn đang tồn tại ở nền kinh tế nước ta như một thách thức, tức lượng người giàu tăng lên nhưng đại bộ phận dân chúng vẫn rất khó khăn. Chính phủ dù đã có hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp một cách tích cực và hiệu quả, nhưng thực tế họ vẫn cần nhiều cú hích mạnh mẽ.

Một “chỉ số” thị trường quan trọng nữa là bất động sản. Phân khúc đất nền đang rất nóng và có dấu hiệu “bong bóng” bởi sự mua đi bán lại của chính các “cò mồi”, đặc biệt là ở những địa điểm, địa phương đang có cơ hội tăng tốc phát triển, đồng thời cũng có vai trò “dẫn dắt” thị trường bất động sản trong các “cơn nóng – lạnh” khó ngờ.

Tình trạng “sốt đất” là có và chính nó đang là khởi đầu “bong bóng bất động sản”. Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong khẳng định với Đại Đoàn kết rằng: Việc tăng giá đất, hay sốt giá đất là hiện tượng ảo. Đó là lượng tiền ảo vì chỉ qua tay một số người mua đi bán lại. Trong khi đó vấn đề tăng trưởng kinh tế GDP cần đặt ở vấn đề rộng hơn, tổng thể hơn.Hiện nay vấn đề sốt đất, sốt bất động sản đặc biệt tại một số thành phố lớn cũng đã được cơ quan quản lý siết chặt nên giá nhà đất ở chìm đi và không nóng như trước nữa. Song cũng cần đưa tiền thật vào sản xuất kinh doanh, kiềm chế lạm phát để doanh nghiệp an tâm sản xuất nhằm tăng trưởng kinh tế thực chất, bền vững – TS Phong nhấn mạnh.

Các chỉ số tăng trưởng kinh tế từ đầu năm đến nay, đều là những tín hiệu vui, những chỉ số tích cực, lạc quan. Đó là sự nỗ lực của tất cả cộng đồng, của Chính phủ, các bộ ngành hữu quan và các địa phương … Nhưng để hoàn thành các mục tiêu và đặc biệt để tăng trưởng “không chỉ là ở các con số”, chúng ta cần nỗ lực nhiều hơn. Đặc biệt, cần nhận diện và đối diện với những khó khăn, thách thức để có những giải pháp đột phá.

Nguồn tin: Đại đoàn kết

ĐỌC THÊM