Hội thảo tham vấn cho chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam thời kỳ 2011 - 2020 do Bộ Kế hoạch - Đầu tư và UNDP đồng tổ chức diễn ra ngày 31.3 tại Hà Nội có sự tham gia của đông đảo các nhà tài trợ, các nhà hoạch định chính sách, nhà tư vấn, các chuyên gia và học giả trong và ngoài nước.
Một trong những hướng đi của Việt Nam trong việc xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2011 - 2020 là phải tiếp tục tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Theo khuyến cáo của chương trình phát triển LHQ, để tối đa hoá các lợi ích của việc tham gia vào thị trường vốn và hàng hoá toàn cầu, Việt Nam cần tiến tới chuỗi giá trị quốc tế, thúc đẩy tính cạnh tranh của các công ty, tăng năng suất nông nghiệp, thúc đẩy hiệu quả đầu tư...
Đóng góp ý kiến cho tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam trong thập kỷ tới, nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển cho rằng, cần nghiên cứu sâu hơn tác động của việc hội nhập với Việt Nam để có những lựa chọn và phản ứng chính sách đúng đắn. “Việt Nam đang chạy theo xu thế khu vực thương mại tự do, điều đó dẫn tới thiếu chất lượng khi hội nhập” - ông Tuyển nói.
Tương tự với ý kiến này, chuyên gia kinh tế cao cấp - tiến sĩ Lê Đăng Doanh nêu con số, năm 2015 khi Hiệp định tự do thương mại ASEAN - Trung Quốc có hiệu lực với Việt Nam, 900 mặt hàng của Trung Quốc có thuế suất bằng 0% sẽ có tác động không thể xem thường đến nền kinh tế, đó là điều mà chiến lược cần xem xét.
Ông Doanh lấy ví dụ, Indonesia sau khi thực hiện Hiệp định tự do thương mại ASEAN - Trung Quốc đã đề nghị hoãn thực hiện hoặc đàm phán lại. Tương tự, Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng sâu sắc đến cán cân thương mại.
Ông John Hendra - đại diện thường trú của LHQ tại Việt Nam - đã đánh giá cao sự công khai thẳng thắn và mở rộng tham gia đóng góp cho việc xây dựng chiến lược.
Ông Hendra lưu ý, chiến lược cần đặt ra những mục tiêu hợp lý, các cải cách lâu dài để tránh “bẫy thu nhập trung bình”, vượt xa mức thu nhập bình quân 1.000USD để trở thành một nước công nghiệp hiện đại.
(LĐ)