Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Cần sớm tái cấu trúc hệ thống doanh nghiệp

 Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết tháng 9/2011, cả nước có gần 49.000 doanh nghiệp (DN) đã giải thể, phá sản, ngừng hoạt động, ngừng nộp thuế. Con số này tăng đột biến so với số lượng 5.000 DN bị phá sản trong năm 2010, đồng thời cũng phản ánh đúng tình hình đáng báo động về "sức khỏe" của hệ thống DN trong bối cảnh hiện nay. Đáng chú ý là danh sách các DN bị phá sản và giải thể trong năm 2011 đã có sự góp mặt của cả những DN có quy mô và "thâm niên" khá lớn trong chuyên ngành.

"Đại gia" cũng… giải thể, phá sản?!

Thông tin Công ty cổ phần Thép Vạn Lợi- một DN lớn ở Hải Phòng có vốn điều lệ trên 500 tỷ đồng, đầu tư quy mô rất lớn với 2 nhà máy luyện thép và 1 nhà máy sản xuất phôi phải ngừng sản xuất và đang bán tài sản để trả nợ trong tháng 10/2011 đã khiến không ít người bất ngờ. Không chỉ nợ lương công nhân, công ty này hiện đang nợ tiền điện hơn 11 tỷ đồng và nợ Bảo hiểm xã hội TP Hải Phòng gần 7 tỷ đồng.

Ngoài ra, DN này đang là "con nợ" của 6 tổ chức tín dụng, với nhiều món nợ xấu, giá trị lớn, dự kiến có thể lên tới hơn 1.000 tỷ đồng. Câu chuyện thất bại của Thép Vạn Lợi có nguyên nhân bắt nguồn từ sự đầu tư dàn trải, chủ đầu tư vốn ít, song lại đầu tư quá lớn, vượt quá năng lực và lệ thuộc nhiều vào vốn vay ngân hàng với lãi suất cao. Bằng chứng là Thép Vạn Lợi đầu tư vào 3 nhà máy. Tuy nhiên, chỉ có nhà máy luyện phôi hoạt động cầm chừng, còn 2 nhà máy cán thép tại Hải Phòng và Nghệ An có vốn đầu tư hàng ngàn tỷ đồng (vay ngân hàng với lãi suất cao) thì lại chưa đi vào hoạt động kể từ ngày đầu tư đến nay.

Trước đó, vào đầu quý II/2011, vụ phá sản của Công ty Dược Viễn Đông (TP Hồ Chí Minh), một doanh nghiệp có quy mô và "thâm niên" trong ngành cũng đã khiến không ít người  sững sờ. Ngay sau khi lãnh đạo của Công ty Dược Viễn Đông bị cơ quan chức năng bắt vì tội làm giá cổ phiếu, hoạt động kinh doanh của Công ty Dược Viễn Đông rơi vào đình đốn, nợ đầm đìa với tổng các khoản vay nợ là 918 tỷ đồng (trong đó có 913 tỷ đồng là nợ ngắn hạn), gấp 8 lần vốn điều lệ.

Ngoài hai trường hợp trên, hiện vẫn còn không ít DN Việt Nam có quy mô vừa và lớn đang gặp khó khăn, trong đó có những DN đang phải trả giá cho việc đầu tư dàn trải ra ngoài ngành kém hiệu quả. Trong số này có thể kể đến Công ty Viễn thông EVN Telecom - công ty trực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Với việc kinh doanh viễn thông thua lỗ, dự kiến có thể lên tới hàng ngàn tỷ đồng, hiện EVN Telecom đang đứng trước khả năng phải sáp nhập vào một mạng di động lớn khác làm ăn hiệu quả và có khả năng "gánh gồng" những "hậu quả" mà EVN để lại.

Theo dự đoán của giới chuyên gia, đơn vị phải "gồng gánh" EVN Telecom nhiều khả năng sẽ là Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel.

Nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn do hàng tồn nhiều, lãi suất cao. Ảnh minh họa.

"Tái cấu trúc" chính là lựa chọn sống còn của doanh nghiệp

Trao đổi với PV Báo CAND, ông Phạm Đình Đoàn, Tổng Giám đốc Tập đoàn Phú Thái, Phó Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam cho biết: Trong nền kinh tế thị trường, việc DN bị phá sản hay ngừng hoạt động hoàn toàn là điều bình thường. Đây cũng có thể xem là sự thanh lọc nghiệt ngã của thương trường. Trong đó, DN có vốn sở hữu ít, năng lực cạnh tranh yếu, quản trị kém và trang thiết bị lạc hậu sẽ khó có thể tồn tạị. Tuy nhiên, con số gần 49.000 DN phá sản, ngừng hoạt động chỉ trong vòng 9 tháng đầu năm là quá lớn.

Ngoài những nguyên nhân chủ quan thuộc về nội tại của DN thì việc lãi suất quá cao (từ 19-24%/năm), sức mua kém, hàng tồn kho nhiều chính là những nguyên nhân khách quan khiến DN gặp khó. Rất nhiều DN trong Hiệp hội đang phải thu hẹp sản xuất vì trong điều kiện hiện nay, DN làm ăn hiệu quả nhất cũng chỉ có lợi nhuận tối đa khoảng trên 20%, trong khi lãi suất ngân hàng là 19-24% nên càng sản xuất nhiều DN sẽ càng lỗ lớn.

Ở một góc độ khác, TS.Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng: DN nên học cách để thích ứng với các cú sốc kinh tế hiện nay; học cách cạnh tranh và kết nối theo cụm giá trị từ sản xuất đến dịch vụ và đặc biệt là tái cơ cấu DN. Việc tái cơ cấu DN bao gồm tái cơ cấu sản xuất, cơ cấu đầu tư, cơ cấu sản phẩm ngành nghề, sắp xếp và cấu trúc lại nhân sự theo hướng tập trung vào các lĩnh vực mũi nhọn, tránh đầu tư dàn trải, kém hiệu quả ra ngoài ngành.

Việc tái cơ cấu DN đã được đặt ra từ nhiều năm nay nhưng dường như phải đợi đến thời điểm này, DN trong nước nhận thức được tác động của nó đối với sự sống, còn của mình. Trên thực tế, đã có nhiều DN bứt phá đi lên mạnh mẽ sau quá trình tái cấu trúc lại sản phẩm và lĩnh vực đầu tư kịp thời và đúng hướng; thay vì đặt mục tiêu tăng trưởng về doanh số, số lượng lao động, họ đã đặt ra các chỉ tiêu về chất lượng hoạt động và hiệu quả kinh doanh. Ngược lại, các DN chỉ chú trọng phát triển về quy mô, số lượng thông qua việc đầu tư ào ạt ra ngoài ngành với hệ số vốn lớn, hiệu quả kinh doanh thấp cũng đều phải trả giá.

Nguồn tin:CAND

ĐỌC THÊM