Cả nước có hơn 349.000 doanh nghiệp
Bên lề diễn đàn “Doanh nghiệp (DN), ngân hàng (NH), chứng khoán cùng tháo gỡ khó khăn trong thời kỳ lạm phát” được tổ chức sáng 3-10, bà Dương Thu Hương, chủ tịch Hiệp hội NH Việt Nam, cho rằng NH cho các DN vay lúc này cần phải theo những tiêu chuẩn như trong thể lệ đã quy định. Đó là DN phải có đề án khả thi, đảm bảo khả năng trả được nợ. Còn nếu DN cứ yêu cầu phải cho vay dưới chuẩn thì NH sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ rủi ro, không những thế còn gây nguy hiểm cho cả nền kinh tế.
Để tháo gỡ những khó khăn về vốn cho các DN vừa và nhỏ, thời gian qua nhiều NH đã dành một khoản vốn để cho các DN này vay. Nhưng NH cũng là DN, tiền của NH là tiền đi vay của dân. Do đó khi cho vay, NH phải thận trọng.
Theo bà Hương, NH Nhà nước đã hai lần nâng lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc và cho phép “vận động” khối lượng tiền tệ khi các NH mua tín phiếu NH Nhà nước là những giải pháp “mềm”, hỗ trợ được cho DN thông qua việc giảm lãi suất cho vay của các NH thương mại. Trong điều kiện chưa thể nới lỏng chính sách tiền tệ, Hiệp hội NH mong NH Nhà nước có thêm những giải pháp “mềm” như vậy để hỗ trợ các DN vừa và nhỏ thông qua hoạt động của hệ thống NH thương mại.
* Theo Bộ Kế hoạch - đầu tư, tính đến hết tháng 8-2008, cả nước đã có 349.309 DN với vốn đăng ký lên đến 1.389.000 tỉ đồng (84,1 tỉ USD). Tỉ lệ người dân trên DN của năm 2001 là 964 người dân/DN thì năm 2008 là 243 người dân/DN. Trong số DN trên, khoảng 90% là DN vừa và nhỏ.
Cũng theo Bộ Kế hoạch - đầu tư, trong số hơn 349.000 DN, số DN có vốn dưới 1 tỉ đồng chiếm 42%, DN có vốn 1-5 tỉ chiếm 37%, vốn từ 5-10 tỉ là 3% và trên 10 tỉ là 13%.
Tuy nhiên, theo ông Cao Sỹ Kiêm - chủ tịch Hiệp hội DN vừa và nhỏ VN, có đến 20% số DN vừa và nhỏ đang gặp khó khăn, vượt xa con số 3,8% mà một cơ quan nhà nước công bố. Muốn 20% DN này gượng dậy được, theo ông Kiêm, lãi suất NH phải giảm xuống khoảng 15%/năm.
TT