- Theo thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam, nhu cầu sử dụng thép trong nước năm 2020 sẽ đạt khoảng 20 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, thời gian gần đây đã có sự bùng nổ hàng loạt các dự án thép của các đơn vị, cá nhân trong và ngoài nước.
Nếu các dự án này được thực thi, đến năm 2020 công suất thép trong nước sẽ là 60 triệu tấn, gấp 3 lần so với nhu cầu sử dụng.
Theo ông Phạm Chí Cường- Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam: Hiện cả nước có 32 dự án không thuộc danh mục quy hoạch đã được các địa phương cấp giấy chứng nhận đầu tư, tập trung ở các tỉnh: Bà Rịa -Vũng Tàu; Hải Phòng; Thanh Hóa; Hải Dương; Hà Tĩnh; Cao Bằng; Bắc Kạn, … Số lượng dự án ngoài danh mục quy hoạch hiện đang lớn hơn cả số lượng dự án trong quy hoạch (23 dự án).
Điều gì dẫn đến sự bùng nổ các dự án thép thời gian qua?
Ông Cường cho rằng: Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là nhiều chủ dự án đã cùng địa phương “lách luật” Luật Đầu tư, bởi theo luật này các dự án luyện kim có vốn đầu tư dưới 1.500 tỷ đồng không có trong quy hoạch thì khi cấp giấy chứng nhận đầu tư không phải xin ý kiến thỏa thuận của cơ quan quản lý ngành.
Nhờ đó, nhiều chủ dự án đã cùng địa phương “xé nhỏ” các dự án ra thành nhiều giai đoạn, mỗi giai đoạn có vốn đầu tư dưới 1.500 tỷ đồng để được tự phép cấp giấy chứng nhận đầu tư mà không phải thông qua các cơ quan quản lý ngành. Hơn nữa, trong quá trình làm dự án, các đơn vị đầu tư thường cam kết hướng đến thị trường xuất khẩu (lên tới 80% sản lượng), tuy nhiên, điều này hoàn toàn không khả thi vì trên thực tế Trung Quốc- một nước xuất khẩu thép lớn trên thế giới mỗi năm sản xuất khoảng 500 triệu tấn thép, nhưng xuất khẩu cũng mới chỉ đạt được 50 triệu tấn, tương đương 10% sản lượng. Đặc biệt, hiện nay thị trường xuất khẩu thép trên thế giới cũng đang gặp nhiều khó khăn vì nhu cầu thép trên thế giới giảm thấp. Mức tiêu thụ thép trong nước tháng 1/2009 cũng chỉ đạt 175,121 tấn, so với tháng 12/2008 giảm 42,7%, so với cùng kỳ giảm 43,8%.
Hơn nữa, việc quá nhiều dự án thép ở hầu hết các địa phương sẽ làm mất cân đối những tính toán trong quy hoạch như: Cân đối năng lượng (điện); nguyên liệu (quặng sắt), vận tải, đặc biệt là vấn đề môi trường. Vì so với các ngành công nghiệp khác, ngành thép có mức độ ô nhiễm nặng hơn rất nhiều, do đó nếu không có giải pháp xử lý kịp thời sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân địa phương.
Điều đáng nói nữa là, nhiều dự án đầu tư liên hiệp thép hiện nay chỉ hình thành dựa trên nguồn nguyên liệu quặng sắt là các mỏ nhỏ của địa phương, nhưng hầu hết các mỏ này đều chưa được điều tra kỹ lưỡng nên không có cơ sở để đảm bảo nguồn nguyên liệu chắc chắn cho lâu dài. Đó là chưa kể, khi các dự án này được triển khai và chính thức đi vào hoạt động sẽ gây ra rất nhiều khó khăn cho tình hình sản xuất và tiêu thụ thép của các doanh nghiệp thép trong nước. Vì thế, Hiệp hội Thép cho rằng, rà soát lại các dự án ngành thép là cần thiết.
Hiệp hội Thép Việt Nam cũng đồng ý với kiến nghị của Bộ Công Thương cần ban hành sớm tiêu chuẩn kỹ thuật và công nghệ cho các dự án luyện kim đầu tư mới ở Việt Nam.
Mặt khác, Hiệp hội cũng đã có công văn tới Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị rà soát kỹ những dự án đang xây dựng hoặc sắp xây dựng để kiểm tra cơ sở nguyên liệu có đủ cho nhà máy hoạt động lâu dài hay không? Nếu không đảm bảo thì nên cho đình chỉ sớm để tránh những thiệt hại có thể xảy ra cho nền kinh tế đất nước. Đặc biệt, không nên tiếp tục cấp thêm giấy phép cho các dự án luyện kim ngoài quy hoạch vì đã dư thừa công suất so với nhu cầu, nhất là các dự án thép xây dựng thông thường và phải nhập phôi. Đối với các dự án FDI lớn cần theo dõi sát hơn tiến độ thực hiện, không cho phép chuyển đổi chủ dự án một cách tuỳ tiện.
Hiệp hội cũng cho rằng: Không thể phó mặc cho địa phương thẩm định và cấp giấy phép cho các nhà máy liên hiệp luyện kim mà phải tuân thủ quy chế chặt chẽ có sự tham vấn của các chuyên gia nhằm đảm bảo chọn đúng đối tác có tiềm năng về tài chính và công nghệ quản lý để có đủ kinh nghiệm triển khai các dự án luyện kim lớn.
Đó cũng là mong muốn của nhiều doanh nghiệp thép trong nước hiện nay nhằm đảm bảo sản xuất, tiêu thụ và có nguồn nguyên liệu ổn định trong tương lai./.