Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Canada điều tra chống bán phá giá thép Việt Nam

Sau khi bị kiện và điều tra chống bán phá giá tại Mỹ, sản phẩm ống thép dẫn dầu của Việt Nam mới đây lại bị điều tra kép (chống bán phá giá và chống trợ cấp) tại Canada. Đây là lần đầu tiên Canada điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam.

Theo Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), cơ quan Biên phòng Canada (CBSA) hôm 21-7 thông báo khởi xướng điều tra chống bán phá giá (CBPG) và chống trợ cấp (CTC) đối với một số sản phẩm ống thép dẫn dầu (oil country tubular goods – OCTG) nhập khẩu từ 8 nước, gồm Ấn Độ, Indonesia, Philippines, Hàn Quốc, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine và Việt Nam. Riêng ống thép dẫn dầu nhập khẩu từ Đài Loan sang Canada chỉ bị điều tra CBPG.

Vụ điều tra được khởi xướng sau khi trước đó, vào tháng 4-2014, công ty Tenaris Canada (Calgary, Alberta) và Evraz North America Inc. (Regina, Saskatchewan) gửi đơn kiện lên CBSA.

Trước đó, vào ngày 11-7, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố kết luận cuối cùng khẳng định sự tồn tại của hành vi bán phá giá một số sản phẩm OCTG nhập khẩu từ 9 nước và vùng lãnh thổ, gồm Việt Nam, Ấn Độ, Hàn Quốc, Philippines, Ả-Rập Sau-đi, Đài Loan, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine. Cơ quan này cũng khẳng định có sự tồn tại của trợ cấp đối với sản phẩm nhập khẩu từ Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ.

Đối với vụ việc tại Mỹ, Công ty thép SeAH VINA, bị đơn bắt buộc bên phía Việt Nam trong vụ điều tra, nhận biên độ phá giá cuối cùng là 24,22%. Công ty Hot Rolling Pipe, một bị đơn bắt buộc khác, phải nhận biên độ phá giá bằng với biên độ phá giá toàn quốc của Việt Nam là 111,47% do từ chối trả lời bản câu hỏi điều tra của DOC. Theo Cục Quản lý cạnh tranh, mức 111,47% là biên độ phá giá cao nhất theo cáo buộc của nguyên đơn.

Dự kiến, đến ngày 25-8, Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (ITC) sẽ đưa ra kết luận cuối cùng về việc liệu ngành công nghiệp nội địa của Mỹ có chịu thiệt hại do sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam và một số nước gây ra hay không. Nếu ITC kết luận là có thiệt hại, dự kiến DOC sẽ ban hành lệnh áp thuế CBPG, CTC vào ngày 2-9-2014. Nếu không, cuộc điều tra sẽ chấm dứt và sản phẩm trên không bị áp thuế phạt.

Nguồn tin: KTSG

ĐỌC THÊM