Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Căng thẳng ngoại tệ

Khan hiếm nguồn cung USD khiến quan hệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp trở nên căng thẳng. Trong khi nhiều ngân hàng mệt mỏi bởi chỉ cốt làm sao chạy tìm được USD cho khách, giới kinh doanh cũng đang “tố” khổ bởi không biết hạch toán vào đâu khoản chênh lệch giá mua lên tới cả tỷ đồng so với hóa đơn đầu vào.

Một điểm thu đổi ngoại tệ ở Hà Nội
Một điểm thu đổi ngoại tệ ở Hà Nội . Ảnh: Hồng Vĩnh

Những ngày này, cả giới ngân hàng và doanh nghiệp đều như sắp “bốc hỏa”. Lãnh đạo một ngân hàng thương mại kể, cả tháng nay tối nào về đến nhà, ông cũng mệt như bị tra tấn bởi các cuộc điện thoại của khách, nhân viên chỉ quanh chuyện chạy lo USD cho khách hàng ruột.

“Hôm nào cũng có cãi vã, thậm chí nhiều khách hàng còn dọa năm tới sẽ không mở tài khoản với ngân hàng. Chỉ với nhu cầu 10.000 USD, đơn vị cấp dưới cũng phải báo trước vài tiếng chúng tôi mới thu xếp được”.

Còn với những đơn hàng lớn tới một vài triệu USD, theo ông, lúc này ngân hàng gần như bó tay. Vì sao có tình trạng căng thẳng này, có phải do các doanh nghiệp đang đẩy mạnh nhập hàng? Theo vị lãnh đạo này, thời điểm hiện tại việc “cầu” cho USD nhập khẩu không còn nhiều mà rơi vào lý do chủ yếu là đã đến thời hạn doanh nghiệp phải thanh toán ngoại tệ vay ngân hàng.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có nguồn thu ngoại tệ lại e ngại biến động nên không bán hoặc có bán chỉ đồng ý khi đã thỏa thuận xấp xỉ giá thị trường tự do” - ông khẳng định.

Tổng giám đốc một ngân hàng khác mổ xẻ nguyên nhân căng thẳng dưới mấy lẽ. Về khách quan, cung - cầu ngoại tệ đang giao vụ. Bên cạnh đó, doanh nghiệp nhập khẩu hàng về phục vụ Tết, tiêu dùng đã vét một lượng lớn, còn kiều hối thì phải hơn 1 tháng nữa mới đến thời điểm chảy về nhiều. Đó là chưa kể, yếu tố tâm lý lạm phát tăng mạnh, giá vàng tăng cũng đẩy nhu cầu găm USD trong dân tăng.

Đợt USD tăng giá trên 5% vừa qua, nhiều doanh nghiệp đã bị lỗ nặng, lên tới hàng triệu USD vì phải bấm bụng mua USD cao hơn cả ngàn đồng so với giá niêm yết công khai.

Nhiều doanh nghiệp đang kêu vì không hạch toán được khoản tiền chênh lệch do phải mua USD ở chợ đen
Nhiều doanh nghiệp đang kêu vì không hạch toán được khoản tiền chênh lệch do phải mua USD ở chợ đen . Ảnh: Hồng Vĩnh

Kế toán trưởng một doanh nghiệp kể: để có tiền thanh toán ngay cho hợp đồng nhập khẩu, công ty phải chấp nhận mua USD theo giá thị trường tự do, cao hơn tỷ giá liên ngân hàng từ 1.200 - 1.300 đồng/USD.

Như vậy, cứ vay mỗi triệu USD, chiếu theo tỷ giá ngân hàng quy định thì doanh nghiệp mất 1,2 - 1,3 tỉ VND. Nhưng thiệt hại của doanh nghiệp không chỉ đơn giản vậy, vì chưa biết phải hạch toán vào đâu khoản chênh lệch giữa giá USD trong ngân hàng và USD mua ngoài chợ đen.

Theo đại diện các ngân hàng, trên thực tế rất nhiều doanh nghiệp đi nhận nợ lúc tỷ giá ở mức hơn 19.000 đồng/USD. Nay trả nợ đúng thời điểm giá lên hơn 21.000 đồng/USD. Toàn bộ hàng hóa nhập về bán hóa ra lỗ. “Chúng tôi biết doanh nghiệp khổ, nhưng ngân hàng chịu không gỡ được” - một trong hai vị lãnh đạo ngân hàng trên khẳng định.

Tình hình căng thẳng ngoại tệ và lo ngại tỷ giá tăng cũng được nhiều doanh nghiệp phản ánh. Tại cuộc họp tại Bộ Công Thương mới đây, Phó Tổng giám đốc Petrolimex Nguyễn Quang Kiên cho biết, năm 2010 dự kiến nhập khẩu 9,1 triệu tấn xăng dầu các loại. Năm 2011, nhà máy lọc dầu Dung Quất chạy hết công suất cũng chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu trong nước, nên khoảng 70% còn lại vẫn phải nhập khẩu.

So với năm 2010, nhu cầu ngoại tệ cho nhập khẩu xăng dầu của năm 2011 không giảm, mà thậm chí còn tăng lên. Riêng từ nay đến cuối năm Petrolimex cần khoảng trên 800 triệu USD để nhập khẩu xăng dầu. “Tổng công ty đã có văn bản gửi Thủ tướng và Bộ Tài chính đề nghị các ngân hàng cân đối nguồn ngoại tệ nếu không tình hình sẽ rất căng thẳng” - ông Kiên nói.

Theo ông Phạm Trường Thịnh, Tổng Giám đốc Cty Cổ phần thời trang NEM, giá nguyên liệu và tỷ giá tăng là vấn đề các doanh nghiệp ngành dệt may rất quan tâm. “Tỷ giá tăng, nguyên liệu đầu vào tăng kéo theo giá thành sản phẩm tăng. Điều này đồng nghĩa lợi nhuận từ các sản phẩm dệt may bị giảm xuống” - ông nói.

Để đảm bảo nhu cầu vốn cho các doanh nghiệp, góp phần ổn định sản xuất kinh doanh, đồng thời trước tình hình biến động tỷ giá trên thị trường vẫn còn diễn biến phức tạp gây khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu trong tháng cuối năm, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên cũng đề nghị Ngân hàng nhà nước cần quan tâm, xem xét và có chính sách điều hành hợp lý, ưu tiên tín dụng cho các lĩnh vực sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu.

Thời điểm này, Ngân hàng Nhà nước chưa có thêm thông tin nào mới ngoài quan điểm kiên trì không điều chỉnh tỷ giá, sẽ cung cấp đủ ngoại tệ cho các doanh nghiệp nhập các mặt hàng thiết yếu. Trước sự “lên tiếng” của thị trường, trao đổi với Tiền phong, TS Cao Sỹ Kiêm, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia cho biết: đã có một số giải pháp đề xuất trình Chính phủ xem xét. Theo ông, có thể cuối tuần này sẽ có phương án cụ thể.

 

 

 

 

 

Nguồn: TP

ĐỌC THÊM