Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Căng thẳng tỷ giá USD/VND hiện hữu

Sau loạt tăng 14 lần liên tiếp của Ngân hàng Nhà nước, căng thẳng tỷ giá USD/VND chuyển sang thể hiện ở trạng thái kịch trần giá mua tại nhiều ngân hàng thương mại.

Ngày 1/11, nhóm phóng viên theo dõi lĩnh vực ngân hàng - tài chính nhận được email của một lãnh đạo cấp vụ thuộc bộ nọ, đề cập đến quyết định tăng phí quản lý chuyển đổi chi tiêu ngoại tệ áp dụng cho mọi loại thẻ quốc tế do Techcombank phát hành.

Email trên dẫn thông báo từ Techcombank với quyết định tăng phí quản lý chuyển đổi chi tiêu ngoại tệ từ 3% lên 3,49%/giá trị giao dịch. Thông báo từ Techcombank cho biết, hiện nay tỷ giá hối đoái trên thị trường đang biến động và “việc thay đổi biểu phí/lãi suất cũng như sản phẩm dịch vụ là một trong các tiêu chí quan trọng”.

Techcombank không phải là ngân hàng duy nhất, việc tăng phí đó cũng không phải là hệ quả duy nhất khi tỷ giá USD/VND có dấu hiệu căng thẳng từ tháng 10 vừa qua.

Cụ thể, trong tháng 10/2011, Ngân hàng Nhà nước liên tiếp có 14 lần tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa VND với USD. Sau chuỗi điều chỉnh này, mức tăng của tỷ giá bình quân liên ngân hàng đã lên tới 0,85% so với thời điểm cơ quan này đưa ra cam kết nếu điều chỉnh không quá 1% đến cuối năm.

Với 0,15% giới hạn còn lại theo cam kết, từ đầu tháng 11 đến nay, Ngân hàng Nhà nước trở lại trạng thái cố định tỷ giá bình quân liên ngân hàng ở mốc 20.803 VND. Biến động tỷ giá USD/VND tạm thời không thể hiện ở đây, thay vào đó là trạng thái căng thẳng trên biểu niêm yết của các ngân hàng thương mại.

Những ngày qua, một loạt ngân hàng thương mại đồng loạt duy trì trạng thái giá mua vào USD san bằng giá bán và cùng kịch trần biên độ cho phép. Tại những thành viên như Southern Bank, SeABank, Navibank, Gia Dinh Bank, HDBank…, giá USD mua vào đều kịch trần ở mức 21.011 VND; thậm chí áp cho cả ngoại tệ mua tiền mặt, với các loại tiền lẻ mệnh giá từ 1 - 5 USD.

Tại các ngân hàng lớn như Vietcombank, Eximbank, ACB…, dù chưa có trạng thái trên nhưng giá USD mua vào chuyển khoản cũng đã áp sát trần biên độ, như Vietcombank cách 6 VND, ACB chỉ còn cách 1 VND…

Phía sau diễn biến đó, thực tế các nhu cầu chi tiêu ngoại tệ cá nhân qua thẻ đã phải chịu thêm chi phí gia tăng. Còn với các nhu cầu ngoại tệ thanh toán xuất nhập khẩu của doanh nghiệp, với mức giá mua vào như vậy, chắc chắn các ngân hàng không dễ bán ra đúng như giá niêm yết theo quy định. Bởi không có chênh lệch hoặc chênh lệch quá thấp, bán ra giá đó đồng nghĩa với lỗ khi ngân hàng phải chịu những chi phí liên quan.

Về lý thuyết và theo quy định hiện hành, các doanh nghiệp vẫn mua được USD theo đúng giá trên biểu niêm yết, nhưng việc “bù đắp” cho ngân hàng có thể phải “lách” qua các sản phẩm đi kèm, hoặc qua các loại phí dịch vụ khác…

Trong khi đó, ngày 25/10 vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã có công văn số 8373 yêu cầu các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện nghiêm Nghị định 95 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng vừa được ban hành, trong đó ngoại hối là một mảng trọng tâm. Vi phạm trong lĩnh vực này có thể bị phạt tới 500 triệu đồng.

Nguồn tin: vneconomy

ĐỌC THÊM