Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Cảnh báo khủng hoảng tài chính thế giới: Việt Nam cần chủ động ứng phó thế nào

Với độ mở của nền kinh tế trong nước hiện nay, mỗi biến động về kinh tế thế giới đều tác động lớn, rộng và nhanh đối với Việt Nam. Do vậy, Việt Nam cần phải có biện pháp chủ động, tích cực và đồng bộ để ứng phó với cuộc khủng hoảng tài chính thế giới được cảnh báo có thể xảy ra.

Cảnh báo về khủng hoảng tài chính thế giới

Trong hơn một năm qua, đã có nhiều cảnh báo về cuộc khủng hoảng tài chính thế giới sẽ xảy ra trong một vài năm tới. Người đưa ra cảnh báo gồm nhiều thành phần khác nhau: nhà đầu cơ, nhà đầu tư, định chế tài chính, nguyên thủ, lãnh đạo kinh tế quốc gia..., cả trong nước và quốc tế.

Thực tế cũng cho thấy, một số khu vực trên thế giới bắt đầu xuất hiện dấu hiệu của khủng hoảng tài chính, tỷ giá nội tệ/USD tăng cao (như Indonesia, Argentina, đồng euro của khu vực EU...).

Độ mở của nền kinh tế Việt Nam hiện nay đã rộng hơn nhiều so với cách đây một vài chục năm. Trong ảnh: Nhà máy của ABB Việt Nam tại Bắc Ninh

Độ mở của nền kinh tế Việt Nam hiện nay đã rộng hơn nhiều so với cách đây một vài chục năm. Trong ảnh: Nhà máy của ABB Việt Nam tại Bắc Ninh

Cảnh báo về khủng hoảng tài chính trên thế giới không phải không có căn cứ. Chu kỳ khủng hoảng về thời gian là 10 năm xảy ra một lần: cuộc khủng hoảng tiền tệ khu vực Đông Á lần trước nữa xảy ra vào năm 1997-1998; cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu gần đây nhất xảy ra vào cuối năm 2008.

Ngoài ra, còn nhiều yếu tố khác, trong đó yếu tố có tầm quan trọng hàng đầu, có tính kỹ thuật, đó là khoa học - kỹ thuật có sự chuyển đổi quan trọng, thiết bị, máy móc có sự thay đổi về khoa học công nghệ, phải chăng vì thế mà thời gian khấu hao tài sản cố định là 2 năm, nhiều nước còn ít hơn. Trong khi đó, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra nhanh và lan rộng.

Một yếu tố quan trọng là sự nới lỏng chính sách tiền tệ của nhiều nền kinh tế có quy mô hàng đầu thế giới với mức độ lớn trong thời gian dài và trên phạm vi rộng lớn... Các gói kích thích kinh tế khổng lồ (QE), lên đến hàng chục ngàn tỷ USD, được các nước lớn liên tục đưa ra trong nhiều năm (có nước tới QE3). Lãi suất cơ bản giảm nhanh, xuống mức cực thấp (gần như bằng 0 trong thời gian khá dài, từ hơn một năm nay mới tăng dần, nhưng với mức độ thấp, hiện còn thấp xa so với trước khủng hoảng).

Giải pháp căn cơ và quan trọng nhất là ổn định kinh tế vĩ mô, bởi đây không chỉ là tiền đề của việc phòng, mà còn là giải pháp để ứng phó với biến động từ bên ngoài, kể cả khủng hoảng.

Cảnh báo về khủng hoảng tài chính thế giới còn dựa trên các yếu tố như: chính sách tiền tệ nới lỏng đã đẩy lạm phát tăng dần trở lại, chứng khoán tăng trở lại, bong bóng tài sản có dấu hiệu hình thành...; chính sách bảo hộ mậu dịch có xu hướng trở lại, thậm chí có thể dẫn đến chiến tranh thương mại...

Giải pháp ứng phó của Việt Nam

Cuộc khủng hoảng tiền tệ khu vực 1997-1998 làm nhiều người lo lắng do Việt Nam vừa mới gia nhập ASEAN. Nhưng Việt Nam khi đó, nhờ có “thùng gạo” lớn và “thùng dầu” đầy, nên không bị rơi vào vòng xoáy của cuộc khủng hoảng, tuy tăng trưởng GDP, xuất khẩu bị chậm lại, lạm phát tăng lên.

Với cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới xảy ra từ cuối 2008, tuy Việt Nam không bị xoáy vào vòng xoáy của cuộc khủng hoảng, bị ảnh hưởng chậm hơn, nhưng tăng trưởng GDP chậm lại và lạm phát cao (cùng với thất nghiệp là 3 biểu hiện, cũng là 3 tác động, 3 hậu quả của khủng hoảng). Một yếu tố quan trọng là do đồng tiền Việt Nam chưa được chuyển đổi.

Tuy vậy, do độ mở của nền kinh tế hiện nay đã rộng hơn nhiều so với cách đây một vài chục năm. Ở trong nước, khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài đã chiếm tỷ trọng rất cao (gần 1/4 tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội, 1/5 GDP, 1/2 giá trị sản xuất công nghiệp, gần 3/4 kim ngạch xuất khẩu...). Tỷ lệ xuất nhập khẩu/GDP lên đến trên 200%, trong đó xuất khẩu/GDP đạt trên 100% - đó là những tỷ lệ cao hàng đầu so với các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Do vậy, mỗi biến động về kinh tế trên thế giới đều tác động lớn, rộng và nhanh đối với Việt Nam. Sự biến động ở bên ngoài nếu “cộng hưởng” với các yếu tố ở trong nước thì tác động sẽ lớn và khó lường. Do vậy, Việt Nam cần phải có biện pháp chủ động, tích cực và đồng bộ để ứng phó.

Giải pháp căn cơ và quan trọng nhất là ổn định kinh tế vĩ mô, bởi ổn định không chỉ là tiền đề của việc phòng, mà còn là giải pháp để ứng phó với biến động từ bên ngoài, kể cả khủng hoảng. Ít nhất cũng không bị rơi vào vòng xoáy của cuộc khủng hoảng, tăng trưởng bị suy giảm chứ không bị suy thoái, không gây ra lạm phát phi mã, không gây ra thất nghiệp lớn...

Về mặt tư duy, cần tránh nôn nóng chạy theo tốc độ tăng trưởng cao bằng mọi giá. Kinh nghiệm của thế giới và Việt Nam cho thấy, việc thực hiện được mục tiêu cuối cùng không phải bằng tốc độ cao trong hôm nay, mà ở sự bền vững của tốc độ tăng hợp lý trong dài hạn.
Một vấn đề quan trọng khác là cẩn trọng trong tăng trưởng tín dụng, bởi tỷ lệ dư nợ tín dụng/GDP của Việt Nam sau nhiều năm trước tăng trưởng quá cao, hiện đã vượt quá 120% - cao gấp rưỡi, gấp đôi nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Tốc độ tăng giữa dư nợ tín dụng còn thấp hơn tốc độ tăng tiền gửi để tiền ra lưu thông tăng thấp hơn tiền từ lưu thông vào ngân hàng.

Ngoài ra, phải cẩn trọng trong điều hành tỷ giá; tiếp tục thực hiện phương thức “trườn bò” thông qua tỷ giá trung tâm, không trở lại phương thức “giật cục” (định kỳ 6 tháng tăng 1 lần khá cao), bởi như thế sẽ vừa tránh đầu cơ đón lõng, vừa bảo đảm tính linh hoạt trong cơ chế thị trường.

Cần lưu ý là “cánh kéo” tỷ giá (giữa tỷ giá hối đoái và tỷ giá sức mua tương đương còn lớn, ở mức 2,8 lần), nên không quá hốt hoảng khi giá USD trên thế giới tăng. Kiên trì giữ lãi suất vay ngoại tệ bằng 0. Rà soát tỷ giá tiền tệ, kể cả giữa Việt Nam với Trung Quốc ở vùng biên, vì ở đây còn tiêu 2 đồng tiền và buôn bán tiểu ngạch lớn.

Cần rà soát đầu tư (kể cả đầu tư ra nước ngoài), kiểm soát chặt hơn việc chi ngoại tệ. Đặc biệt chú ý đến đầu tư gián tiếp (FII) vào thị trường chứng khoán (vào nhanh, nhưng rút ra nhanh và khó kiểm soát), trong khi Việt Nam nhập siêu lớn.

Năm nay được dự đoán, việc tăng trưởng của các chỉ tiêu kinh tế từ sản xuất đến tiêu thụ trong nước, xuất khẩu... sẽ bị sụt giảm trong những tháng cuối năm (thấp hơn quý I), trong khi CPI bình quân lại có xu hướng cao lên. Vì thế, vừa phải có giải pháp ngăn chặn bớt, vừa không bị hốt hoảng khi thực tế xảy ra.

Nguồn tin: Đầu tư

ĐỌC THÊM