Ngày 8/8, Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD) cảnh báo hầu hết các nền kinh tế lớn nhất thế giới trong và ngoài câu lạc bộ 34 nước giàu nhất thế giới này đều đứng trước nguy cơ suy thoái kép.
Chỉ số kinh tế tổng hợp về hoạt động kinh tế của 34 nước thành viên OECD đều giảm từ 102,5 trong tháng Năm xuống 102,2 trong tháng Sáu, cho thấy tăng trưởng kinh tế của các nước này đã chậm lại.
Trong số các nền kinh tế phát triển, các dấu hiệu trì trệ trong tăng trưởng kinh tế đã xuất hiện ở Canada, Pháp, Đức, Italy và Anh.
Trong số các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi, các dấu hiệu tăng trưởng chậm đã xuất hiện ở Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil.
So với các chỉ số kinh tế tháng Bảy, các dấu hiệu tăng trưởng chậm lại cũng bắt đầu xuất hiện ở Mỹ, Nhật Bản và Nga.
Các chỉ số hàng đầu về tăng trưởng ở Mỹ đã giảm từ 103,3 xuống 103,1 và ở Nhật Bản giảm từ 103,8 xuống 103,6.
Các chỉ số kinh tế hàng đầu được OECD thiết kế dựa trên hàng loạt dữ liệu báo hiệu sự thay đổi trong nền kinh tế nhằm cung cấp những tín hiệu cảnh báo sớm nguy cơ chuyển từ hoạt động kinh tế tích cực sang tiêu cực của nền kinh tế.
Mốc 100 đánh dấu tốc độ tăng trưởng kinh tế có xu hướng dài hạn. Chỉ số này của các nền kinh tế Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil đều dưới mốc 100 trong tháng 6/2011.
Nghiên cứu của OECD tháng 7/2011 cho biết các nền kinh tế phát triển tăng 0,5% trong quý I/2011 và các nền kinh tế Mỹ, Anh và Trung Quốc tăng trưởng chậm lại trong quý II/2011.
Nguồn tin: (TTXVN/Vietnam+)