Theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong tháng 7 vừa qua sản xuất thép đã tiếp tục bị sụt giảm do tiêu thụ chậm, kéo lượng tồn kho ngày càng tăng cao. Nguyên nhân chủ yếu là do tác động của việc thực hiện chính sách cắt giảm đầu tư công, tạm dừng, hoãn các công trình chưa thật cần thiết.
Cụ thể, sản lượng thép các loại tính đến hết tháng 7 ước đạt gần 4,4 triệu tấn, tăng 1,6% so với cùng kỳ, trong đó, thép tròn ước đạt 2,6 triệu tấn, tăng 5,6% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, để đảm bảo cho sản xuất, sản lượng phôi thép của Tổng công ty Thép Việt Nam 7 tháng ước đạt 692 nghìn tấn, tăng 26,3% so với cùng kỳ.
Điểm nổi bật trong tháng 7 vừa qua là tình hình tiêu thụ thép trong nước đã tiếp tục bị ảnh hưởng nặng do tác động của việc thực hiện chính sách cắt giảm đầu tư công, tạm dừng, hoãn các công trình chưa thật cần thiết và một phần do bắt đầu mùa mưa bão nên nhu cầu xây dựng giảm.
Chính điều này đã đẩy lượng tồn kho thép xây dựng tăng lên khoảng gần 450 nghìn tấn, phôi thép là khoảng 470 nghìn tấn.
Bộ Công Thương nhận định, sức tiêu thụ thép trên toàn cầu từ nay đến cuối năm dự báo sẽ thấp do nền kinh tế thế giới vẫn chưa khởi sắc rõ rệt. Thông thường, quý III là giai đoạn thị trường thép trong nước xuống thấp do mùa mưa và tháng 7 âm lịch nên thời gian tới, sản xuất và tiêu thụ thép không chuyển biến.
Hiện tại, giá thép bán ra tại các nhà máy đang phổ biến ở mức 15,6- 16,8 triệu đồng/tấn (chưa bao gồm VAT). Trong khi đó, giá bán lẻ ra thị trường cũng đang dao động từ 18 triệu đồng/tấn.
Theo các doanh nghiệp kinh doanh trong nước, với trong bối cảnh khó khăn như hiện nay giá thép bán ra thời gian tới có thể sẽ tiếp tục giảm giá, do chính sách thắt chặt đầu tư công của và kìm chế lạm phát của Chính phủ.
Nguồn tin: VnMedia