Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Cắt giảm sản lượng quặng sắt - Bước đi khôn ngoan của các công ty khai mỏ Ôxtrâylia

Giới phân tích ngày 11/11 cho rằng quyết định cắt giảm sản lượng quặng sắt là một bước đi hết sức đúng đắn của các công ty khai khoáng Ôxtrâylia hiện đang phải đối phó với việc nhu cầu của Trung Quốc suy giảm, trong bối cảnh sắp diễn ra các cuộc thương lượng về giá cả hợp đồng với các đối tác Bắc Kinh.

Tập đoàn khai khoáng Rio Tinto (Anh-Ôxtrâylian) ngày 10/11 đã cắt giảm 10% sản lượng khai thác tại các mỏ ở phía tây Ôxtrâylia, nhằm đưa sản lượng phù hợp với yêu cầu mới của khách hàng, theo sau sự suy giảm nhu cầu tại Trung Quốc. Rio cho biết họ đã điều chỉnh giảm lượng quặng sắt chuyển giao trong năm 2008 từ 190-195 triệu tấn xuống 170-175 triệu tấn. Tổng giám đốc Rio, Tom Albanese, tin rằng sự suy giảm mạnh trong nhu cầu tại Trung Quốc chỉ diễn ra trong thời gian ngắn và sẽ phục hồi trở lại trong năm 2009, do các điều kiện cơ bản cho sự phát triển kinh tế của Trung Quốc vẫn rất tốt.

Công ty khai thác quặng sắt Fortescue Metals cũng cho biết sẽ giảm 100% sản lượng khi họ thực hiện kế hoạch đóng cửa để nâng cấp cầu cảng và các cơ sở khai khoáng. Bước đi này được đưa ra theo sau thông báo hồi đầu tháng này của tập đoàn khai thác quặng sắt lớn nhất thế giới Vale (Braxin) cho biết sẽ giảm sản lượng tới 10% nhằm thích ứng với việc nhu cầu suy giảm do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Theo Giám đốc quản lý danh mục đầu tư của Pengana Capital, Tim Schroeders, tình hình đối với ngành khai khoáng sẽ vẫn khó khăn trong vòng ít nhất 6 tháng tới hoặc thậm chí còn lâu hơn, do đó việc điều chỉnh lại sản lượng trong bối cảnh nhu cầu của các khách hàng đang thay đổi chóng mặt là một bước đi hết sức khôn ngoan.

Paul Adams, đứng đầu bộ phận nghiên cứu thuộc DJ Carmichael ở Perth, cho rằng các công ty khai khoáng cần phải giảm lượng hàng tồn, do các điều kiện thay đổi đồng nghĩa với việc Trung Quốc có lợi thế trong các cuộc thương lượng hợp đồng quặng sắt, dự kiến sẽ diễn ra trong tháng này. Giá quặng sắt đã liên tục gia tăng trong 6 năm qua do nhu cầu đối với nguyên liệu sản xuất thép này tăng vọt, theo sau sự tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế Trung Quốc và các nước đang phát triển khác. Theo ông Adams, giá cả các hợp đồng ký kết trong thời gian tới dự kiến sẽ giảm 15% và các cuộc thương lượng trong năm nay thậm chí sẽ còn gay gắt hơn năm ngoái do sức ép của cả hai bên. Ông Schroeders cũng đồng ý rằng giá quặng sắt sẽ giảm bất chấp kế hoạch thúc đẩy kinh tế trị giá 4.000 tỷ NDT (586 tỷ USD) nhằm bảo vệ nền kinh tế trước cuộc khủng hoảng toàn cầu.

Tập đoàn khai khoáng lớn nhất thế giới BHP Billiton cho biết cho đến nay họ vẫn chưa có kế hoạch cắt giảm sản lượng. Tuy nhiên, Mark Pervan, Trưởng bộ phận nghiên cứu hàng hoá thuộc ngân hàng ANZ, cho rằng đây chỉ là vấn đề thời gian để BHP -hiện vẫn tiếp tục bán hàng trên thị trường giao ngay bất chấp việc giá cả giảm- thực hiện việc cắt giảm sản lượng, đồng thời cho rằng nếu BHP tiếp tục bán hàng trên thị trường giao ngay, giá cả hợp đồng sẽ bị kéo xuống.

 

(Vinanet)

ĐỌC THÊM