Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Câu hỏi lớn của Thủ tướng với ngành Thép

"Chúng ta mua phôi về, cán thành thép với giá điện rẻ rồi lại xuất khẩu, có nên khuyến khích không?" - đó là câu hỏi của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ 2012 của ngành Công Thương, chiều 3/1 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia.

Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, năm nay xuất khẩu thép gia nhập “Câu lạc bộ 1 tỉ USD” (26 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỉ USD).

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đặt câu hỏi: Chúng ta mua phôi về, cán thành thép với giá điện rẻ rồi lại xuất khẩu, có nên khuyến khích không? Hiện nay, giá điện ở Việt Nam thấp hơn các nước khác, các doanh nghiệp đã tận dụng lợi thế này để cán thép xuất khẩu. Về mặt giá trị, ngành xuất khẩu có lợi phần nào nhưng liên quan đến chiến lược phát triển ngành điện và công cuộc tiết kiệm điện, cán phôi thép rồi xuất khẩu là việc cần tính toán kỹ.

Dự án Nhà máy Thép Lào Cai khởi công ngày 17/4/2011.

Năm 2011, các doanh nghiệp trong ngành sản xuất cầm chừng, tránh tồn kho cũng như ứ đọng vốn. Sản lượng thép trong nước các loại đạt 7 triệu tấn, trong đó thép tròn là 3,773 triệu tấn, phôi thép đạt 1,145 triệu tấn.

Xuất khẩu thép đã tăng mạnh cả về lượng và giá trị; đạt 1,8 triệu tấn, kim ngạch đạt 1,64 tỉ USD tăng 56,2% so với cùng kỳ. Trong khi, ngành thép nhập khẩu 7,197 triệu tấn, phôi thép nhập 827.000 tấn.

Dự báo năm 2012, nhiều doanh nghiệp sản xuất thép vẫn gặp phải rất nhiều khó khăn. Việc hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới khiến hàng rào thuế quan của Việt Nam phải giảm dần theo lộ trình cam kết WTO và AFTA, thép nhập khẩu từ Trung Quốc và các nước trong khu vực ASEAN với ưu thế giá rẻ sẽ tạo thêm áp lực cho các doanh nghiệp trong nước. Trong khi việc xuất khẩu, ngành thép phải đối mặt với các vụ kiện chống phá giá tại một số quốc gia.

Bộ Công Thương yêu cầu ngành Thép cần đẩy mạnh đầu tư nghiên cứu, xây dựng kế hoạch đổi mới công nghệ sản xuất, giảm dần công nghệ cũ “ăn” điện. Đồng thời, ngành Thép phải tích cực tìm kiếm thị trường xuất nhập khẩu.

Hiện tại, một số dự án thép lớn như dự án cải tạo Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2; dự án nhà máy gang thép Lào Cai; Nhà máy Thép Hà Tĩnh… đang được đẩy mạnh tiến độ.

Ở dự án cải tạo Gang thép Thái Nguyên giai đoạn II, công suất 500 nghìn tấn phôi thép, tổng mức đầu tư 3.843 tỉ đồng đã hoàn thành 98% khối lượng thiết kế, các nhà thầu đang tiến hành hoàn thiện công tác lắp đặt thiết bị xưởng luyện gang, tiến độ triển khai đến nay đủ điều kiện đưa nhà máy hoàn thành và đi vào hoạt động theo kế hoạch.

Dự án Nhà máy Thép Lào Cai có công suất 1 triệu tấn/năm, tổng mức đầu tư hơn 337 triệu USD. Sau khi tiến hành khởi công ngày 17/4/2011, đến ngày 7/12/2011 nhà thầu đã hoàn thành cơ bản phần thi công xây dựng, lắp đặt kết cấu thép công trình nhà xưởng và công trình phụ trợ như Xưởng luyện thép, Xưởng Thiêu kết, Bãi nguyên liệu. Dự kiến, nhà máy sẽ chạy thử vào giữa năm nay.

Lớn nhất là dự án Nhà máy Thép Liên hợp – Hà Tĩnh công suất 4,5 triệu tấn thép/năm, tổng mức đầu tư là 5 tỉ USD. Hiện chủ đầu tư cùng Tập đoàn TATA (Ấn Độ) tiến hành làm việc với tỉnh Hà Tĩnh để cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án. Tuy nhiên, tiến độ chưa đạt được do Tập đoàn TATA chưa đạt được thỏa thuận về kinh phí giải phóng mặt bằng và xây dựng hệ thống nước.

Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo xem xét giải quyết nhanh, các bên liên quan đang tiến hành gấp rút đẩy nhanh tiến độ.

Nguồn tin: (Petrotimes)

ĐỌC THÊM