Kinh doanh thua lỗ, con số nợ vẫn chưa ngừng tăng, tình cảnh không mấy sáng sủa đang xảy ra tại Công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên. Điều đáng nói, phương án thoái vốn của Bộ Công Thương tại doanh nghiệp này dường như vẫn chưa thực sự quyết liệt, dù Chính phủ đã có chỉ đạo phải xong từ quý I.2018.
Trong gần 3 năm qua, kể từ sau quyết định áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời ngày 7.3.2016 và áp dụng chính thức ngày 18.7.2016 của Bộ Công Thương đối với một số chủng loại thép trong bối cảnh nền kinh tế vĩ mô phục hồi, thị trường thép đã có sự phát triển tốt. Ngành thép Việt Nam cũng đã thu hút được nhiều sự chú ý của các Nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, ngành thép Việt Nam sẽ gặp sức ép lớn sau năm 2020 khi các biện pháp tự vệ sẽ dần hết hiệu lực, một số Hiệp định ưu đãi mới được ký kết, hay lộ trình giảm thuế theo các Hiệp định đang thực hiện. Đồng thời một số dự án lớn bắt đầu đi vào sản xuất như Dự án Formosa Hà Tĩnh (4,5 triệu tấn/năm); Hòa Phát Dung Quất (4 triệu tấn/năm); Nghi Sơn (2 triệu tấn/năm); một số tập đoàn nước ngoài khác đầu tư mở rộng sản xuất như: Tập đoàn Kyoei – Japan; Posco – Korea; TungHo - Taiwan.... Các dự án (DA) này đều có chi phí đầu tư thấp, cơ chế hoạt động linh hoạt, áp lực dư thừa sản lượng đang là quá xa so với nhu cầu. Như vậy, các DN Nhà nước như Công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên (TISCO), thậm chí cả Tổng công ty thép Việt Nam (VNS) liệu còn giá trị hấp dẫn khi thoái vốn?
Những nỗi đau "mang tên" TISCO
Thực tế theo thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), năng lực cạnh tranh, thị phần của VNS đã giảm nghiêm trọng trước khi các Tập đoàn trên kết thúc đầu tư và đi vào sản xuất từ năm 2018, chẳng hạn thị phần của cả khối VNS năm 2016 đạt 21,1% thép dài Việt Nam, nhưng đến năm 2017 chỉ còn 17,8%, những năm tới chắc chắn giảm còn nhiều hơn? Hay TISCO năm 2016 thị phần chiếm 10%, năm 2017 chỉ còn 8,2%.
Phân tích trên để thấy rằng càng kéo dài thời gian thoái vốn tại TISCO thì sức hấp dẫn trong việc thoái vốn, giá trị thoái vốn càng khó khăn chồng chất khó khăn; trong khí đó gánh nặng nợ nần càng trở nên khủng khiếp đối với TISCO.
Một trong những nguyên nhân chính dẫn tới tình cảnh TISCO đang đứng trước bờ "sụp đổ" là bởi những sai lầm, sai phạm trong việc đầu tư Dự án gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2. Với những bế tắc trong việc đàm phán với các Nhà thầu EPC, đặc biệt là Nhà thầu MCC, các ngân hàng, nhiều năm nay dự án đã nằm "đắp chiếu" cùng gần 10.000 tỷ đồng đã rót vào. Hệ quả tất yếu, con tàu TISCO, từ một niềm tự hào của ngành thép cũng sa lầy và lay lắt theo.
Năm 2017, tổng doanh thu của Gang thép Thái Nguyên đạt hơn 9.800 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm dự án này bước đầu có chút ít hiệu vui với con số doanh thu ước đạt hơn 6.000 tỷ đồng. Thế nhưng, những con số lãi lũy kế không đủ giúp doanh nghiệp giảm số nợ khủng đang đến hạn phải trả cho các tổ chức tín dụng.
“Hiện tại, tình hình tài chính của TISCO hết sức khó khăn, mất cân đối tài chính dài hạn 744 tỷ đồng, toàn bộ vốn lưu động cho sản xuất kinh doanh phải vay ngân hàng và chiếm dụng của nhà cung cấp”, phía TISCO từng cho biết.
Một góc Nhà máy Gang thép Thái Nguyên
Riêng đối với dự án giai đoạn 2, theo báo cáo của lãnh đạo TISCO gửi cho các cơ quan, lãi suất phải trả hàng tháng phát sinh khoảng 30 tỷ đồng/tháng; trong khi bắt đầu từ ngày 1.1.2017 TISCO bắt đầu phải trả nợ gốc và lãi các khoản vay giai đoạn 2, bình quân cho riêng 2 ngân hàng cả gốc và lãi là 47,5 tỷ đồng/tháng. Nếu cứ tiếp tục kéo dài dự án thì lãi vay sẽ lên đến hàng ngàn tỷ đồng.
Theo phân tích báo cáo tài chính của TISCO cho thấy lợi nhuận mang lại là của hoạt động sản xuất kinh doanh Giai đoạn 1 hiện hữu. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, bên cạnh việc TISCO đang sản xuất và tiêu thụ các loại thép sản xuất; TISCO còn đang bán một phần lớn quặng sắt mà lượng quặng bán lại chính là lấy từ mỏ sắt Tiến Bộ đang khai thác nằm một phần trong dự án giai đoạn 2. Điều này có nghĩa là TISCO đang tự bán máu mình đi để trang trải chi phí và để có lãi.
Chỉ riêng trong năm 2017, TISCO đã bán đi tổng cộng 403.086 tấn quặng sắt, với tốc độ bán quặng như hiện nay, giả thiết giai đoạn 2 được khôi phục hoặc kể cả giai đoạn 1 đang chạy hiện nay, trong vòng 5-7 năm nữa thì TISCO sẽ không còn đủ quặng để sản xuất, lại phải mua ngoài hoặc nhập khẩu.
Luẩn quẩn trong Phương án thoái vốn của Bộ Công Thương
Nhiều lần báo cáo trước Quốc hội, lãnh đạo Bộ Công Thương dù lạc quan cũng chưa bao giờ đưa TISCO vào danh sách dự án có thể phục hồi mà phương án thoái vốn như Thủ tướng Chính phủ đề ra là hướng đi khả thi duy nhất.
Theo nhiều chuyên gia, con đường để đưa TISCO dần thoát khỏi vũng lầy nợ nần, thua lỗ không gì khác ngoài việc thoái vốn, tìm kiếm nhà đầu tư đủ tiêm lực bởi sau tất cả TISCO với giá trị thương hiệu và tài sản còn lại nếu có nguồn vốn mới cùng phương án quản trị tốt sẽ có nhiều điều kiện để hồi sinh.
“Nếu không thể kinh doanh hiệu quả thì Nhà nước nên tìm phương án thoái vốn, thậm chí là cho phá sản trên tinh thần “thà một lần đau” chứ không để sự thua lỗ của TISCO có thể làm yếu đi tập đoàn mẹ”, một chuyên gia nhận định.
Tuy nhiên, giải trình trước Quốc hội trong phiên chất vấn ngày 31.10.2018, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh có đưa ra Phương án thoán vốn mới phù hợp hơn song không biết phương án thoái vốn mới này ra sao, phù hợp hơn như thế nào và lại sẽ kéo dài đến bao lâu.
Trong khi theo phương án trước đó, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đã có kết luận phải thoái vốn tại quý I.2018.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề nghị lùi thoái vốn tại TISCO
Bộ trưởng cho rằng, nếu thoái vốn ngay thì Nhà nước sẽ bị “thiệt hại” và nhiều vướng mắc như kiện tụng với tổng thầu nước ngoài, cam kết bảo lãnh của Tổng công ty Thép Việt Nam đối với Công ty CP Gang thép Thái Nguyên; khoản vay hơn 1.800 tỷ của Vietinbank; giải quyết cho xong khoản giải chấp của Tổng Công ty Thép Việt Nam với khoản bảo lãnh của TISCO thì mới có thể tiến hành thoái vốn…
Trong khi đó, Thủ tướng chính phủ đã khẳng định rất nhiều lần là Nhà nước không rót thêm tiền vào để cứu các DA thua lỗ này. Trong mối quan hệ vay vốn và bảo lãnh giữa TISCO và ngân hàng Vietinbank, TISCO hay Ngân hàng Vietinbank đều là một DN và hoạt động theo Luật DN, vậy tại sao không để chính DN thỏa thuận giải pháp tháo gỡ cho nhau (trường hợp Thủy sản Phương Nam là một ví dụ) mà lại phải trông chờ vào một giải pháp mới nào đó từ Nhà nước hay lại một chính sách đặc thù nào đó ?
Tương tự như vậy, việc đàm phán với các Nhà thầu EPC, đặc biệt là Nhà thầu MCC Trung Quốc sẽ dễ dàng hơn nếu nó được tiến hành giữa hai DN, nhất là giữa DN không còn vốn Nhà nước (nếu Nhà nước đã thoái vốn).
Việc đàm phán với Nhà thầu MCC về DA2 TISCO, một lãnh đạo của TISCO cho biết đã từng đàm phán quá nhiều lần, kể cả đàm phán đến cấp Chính phủ nhưng vẫn không giải quyết được. Trong khi đó, phương án pháp lý mà Bộ trưởng đưa ra, theo tham khảo một vài văn phòng Luật sư cho biết, là vô cùng phức tạp, khó khăn, kéo dài vì có yếu tố giải quyết quốc tế; chưa kể sẽ ảnh hưởng đến tiến độ thoái vốn tại TISCO, ảnh hướng đến chi phí mà TISCO phải gánh chịu nếu giải pháp này không có lợi, mà còn ảnh hưởng cả đến môi trường đầu tư kinh doanh của VN.
Có lẽ đã đến lúc Bộ Công Thương nhìn nhận quyết liệt, khách quan hơn kiến nghị của ĐBQH và hơn 5.000 lao động, sớm hiện thực hóa các chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trong xử lý 12 đại dự án thua lỗ, không để Gang thép Thái Nguyên, một trong những đại dự án lớn nhất trở thành quả nổ thua lỗ, thất thoát nặng nề thêm.
Nguồn tin: Dân việt