Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Châu Á có nên lập đồng tiền chung?

Năm 2009, euro kỷ niệm 10 năm lưu hành, khi ấy đã có ý kiến cho rằng một ngày nào đó, đồng tiền này sẽ thay thế đôla Mỹ làm kênh dự trữ trên toàn thế giới.

Thực tế là một năm trước, đồng đôla trượt dốc thảm hại so với euro vì cuộc khủng hoảng cho vay dưới chuẩn. Tuy nhiên, gần đây, euro lại trượt giá do cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp.

Những người hoài nghi thì chỉ ra cuộc khủng hoảng cấu trúc và chính trị của đồng euro, đồng thời tập trung vào nhu cầu phải có những nguyên tắc tài chính mạnh mẽ hơn. Hiệp ước Masstricht – hiệp ước thành lập Liên minh châu Âu - cũng không thể bắt các nước thành viên tuân theo nguyên tắc tài chính do chính họ đặt ra. Nếu ngay đến cả nước có nguồn tài chính dồi dào như Đức cũng không thể giữ được mức giới hạn thâm hụt ngân sách dưới 3% GDP thì làm sao các nước nhỏ hơn có thể tuân thủ hiệp ước này?

Sai lầm trong cấu trúc của các nước eurozone chính là: Mặc dù họ có Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và hệ thống giám sát tài chính châu Âu, nhưng họ lại không có một hệ thống tài chính thống nhất. Chính vì vậy, khi một nước thành viên phải chịu mức thâm hụt ngân sách lớn, thì lại không có một cơ quan nào có thể đứng ra điều tiết các chính sách tài khóa một cách hiệu quả.

Ảnh: Forbes
Câu chuyện đồng euro là bài học cho châu Á. Ảnh: Forbes

Những người ủng hộ việc cho ra đời đồng tiền chung châu Á chỉ ra rằng việc tăng trưởng trong hợp nhất thương mại chính là điều kiện tiên quyết cho việc hợp nhất tài chính. Nhưng những người phản đối thì lại biện luận ngay đến cả chính trị còn chẳng thống nhất được, thì nói gì đến chuyện có cùng một đồng tiền, một chính sách tiền tệ hay thậm chí là cùng một chính sách giám sát. Hơn nữa, các nước châu Á cũng hiếm khi bàn thảo với nhau về các chính sách tài khóa chung.

Những vấn đề của đồng euro chính là tín hiệu cảnh báo cho châu Á về những việc nên và không nên làm. Bài học đầu tiên là không nên vội vàng, vì đây là một quá trình mất rất nhiều thời gian, nhất là đối với một cộng đồng có những lợi ích và văn hóa khác nhau. Nếu hỏi 10 nhà kinh tế học của châu Á xem họ nghĩ thế nào về khả năng hợp nhất châu Á, thì chắn chắn sẽ nhận được nhiều hơn 10 ý kiến. Việc thống nhất về thể chế của Liên minh châu Âu cũng phải mất đến hơn 50 năm bàn thảo tại 3 trung tâm quyền lực lớn là Brussels, Basel và Frankfurt thì mới có thể quyết định được.

Thứ hai, cuộc thảo luận về việc hợp nhất đơn vị tiền tệ châu Á sẽ luôn ở thế phòng thủ hơn là tấn công. Xét về mặt nào đó, một vài quỹ như Quỹ Tiền tệ châu Á có thể sẽ bảo vệ các đơn vị tiền tệ yếu hơn khỏi việc đầu cơ tích trữ hay bất ổn định. Lý do tại sao việc đa phương hóa Sáng kiến Chiang Mai mất rất nhiều thời gian để thống nhất là các mối đe dọa về sự bất ổn của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á không đến ngay lập tức. Do vậy việc đạt được thỏa thuận không phải là điều gấp gáp. Tuy nhiên, những vấn đề của đồng euro đã làm cho việc hợp nhất châu Á trở nên cần thiết hơn.

Thứ ba, vào thập kỷ trước, sự khác biệt về thu nhập giữa các nước đã bắt đầu thu hẹp lại. Sự chững lại của Nhật Bản, cùng với đà đi lên của Trung Quốc, Ấn Độ, các nước vùng vịnh và một số nước Đông Á khác, các quốc gia châu Á đang ngày một đồng đều hơn. Nếu như 10 năm trước, Nhật Bản là quốc gia tiên tiến duy nhất ở châu Á, thì ngày nay, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc cũng đã là thành viên của G-20. 7 trên tổng số 15 trung tâm tài chính lớn nhất thế giới nằm ở châu Á- Thái Bình Dương.

Thứ tư, tỷ giá đồng nhân dân tệ được điều chỉnh theo hướng linh hoạt và sự tăng giá của các đơn vị tiền tệ châu Á trong những tháng gần đây chỉ ra rằng thị trường tài chính đang chuyển trọng tâm kinh tế sang các nước phương Đông. Châu Á cũng sẽ nhận được nhiều dòng tiền nóng và sẽ phải đối mặt với sức ép như những gì đã diễn ra với Đông Á đầu những năm 90, ngay trước cuộc khủng hoảng tài chính châu Á.

Tuy nhiên, không một dấu hiệu tích cực nào nói trên sẽ tạo nên động cơ thúc đẩy mạnh mẽ quá trình hợp nhất châu Á. Quá trình này phụ thuộc rất lớn vào những động thái của Trung Quốc trong tương lai. Thượng Hải đã được chỉ định làm trung tâm tài chính quốc tế cho Trung Quốc và đồng nhân dân tệ cũng đang dần trở thành một đơn vị tiền tệ quan trọng, đặc biệt là với các nước lân cận.

Có lẽ giai đoạn tiếp theo của việc hợp nhất tài chính châu Á sẽ được thúc đẩy một cách ít chính thức hơn và hướng đến thị trường nhiều hơn thông qua việc gỡ bỏ các rào cản đối với việc hợp nhất các thể chế tài chính trong khu vực. Cho phép nhiều thể chế cùng tham gia vào thị trường nội địa của nhau cũng sẽ là một bước tiến vững chắc hướng đến việc hợp nhất khu vực.

VnE

ĐỌC THÊM