Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Châu Á đang phục hồi và nổi lên từ khủng hoảng

Kinh tế châu Á đang phục hồi và nổi lên trong khủng hoảng nhờ tăng đầu tư và tiêu dùng nội địa nhưng đà tăng trưởng này có bền vững? Các chuyên gia cảnh báo sẽ còn một chặng đường dài trước khi châu Á có thể tuyên bố thoát khỏi lực hấp dẫn của phương Tây trên con đường phát triển của mình.

Trong dự báo mới nhất về hiện trạng của nền kinh tế toàn cầu, Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) dự kiến tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực của kinh tế toàn cầu sẽ tăng 3,5% trong năm 2010, sau khi giảm 2% trong năm 2009, nhờ đà phục hồi của giá hàng hoá thúc đẩy thu nhập quốc gia và nguồn thu tài chính của nhiều nước đang phát triển gia tăng. Tuy nhiên, UNCTAD vẫn nhắc lại cảnh báo rằng sự phục hồi rất mong manh và không đồng đều. Trong đó, cơ quan này nhấn mạnh các nền kinh tế mới nổi chủ yếu ở châu Á và Mỹ La tinh vẫn dẫn đầu thế giới về phục hồi kinh tế do tránh được thâm hụt buôn bán quốc tế, tích luỹ được dự trữ ngoại tệ lớn trước khủng hoảng, kiềm chế được tỷ lệ thất nghiệp trong thời gian khủng hoảng và nhu cầu nội địa phục hồi nhanh.

Tăng trưởng cất cánh

Trong khi Mỹ lo ngại khả năng xảy ra suy thoái kép và châu Âu tìm cách tránh xảy ra một cuộc khủng hoảng nợ mới, châu Á đang tăng trưởng rất tự tin. Sau khi thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính, hầu hết các nền kinh tế khu vực, trải dài từ tiểu lục địa Ấn Độ tới Australia (trừ Nhật Bản), được dự đoán sẽ tăng trưởng 8,6%, mức cao nhất trong vòng 20 năm qua.

Tăng tiêu dùng nội địa là một trong những nhân tố giúp châu Á phục hồi và nổi lên

Mặc dù gần đây đã xuất hiện những dấu hiệu chững lại, một phần do sự kìm hãm của các chính phủ lo ngại tình trạng tăng trưởng quá nóng, kinh tế châu Á vẫn tăng trên mức trước khi xảy ra khủng hoảng. Một số nước trong đó có Hàn Quốc và Indonesia, đã thoát khỏi khủng hoảng nhờ nền tảng tốt hơn thời điểm trước khủng hoảng. Tốc độ tăng trưởng của Ấn Độ, nền kinh tế mở cửa ít hơn so với các nước láng giềng và nhờ đó ít bị ảnh hưởng hơn, hầu như không giảm tốc. Nền kinh tế “khát hàng hoá” của Trung Quốc không chỉ giữ được tốc độ 9 – 10%/năm mà còn hỗ trợ các nền kinh tế khác trong đó có Australia cùng cất cánh.

Trong một phát biểu gần đây tại Singapore, nước cũng được dự đoán sẽ tăng trưởng 10% năm nay, nhà kinh tế Naoyuki Shinohara thuộc Quỹ Tiền tệ quốc tế cho biết: “Lần đầu tiên, đóng góp của châu Á cho sự hồi phục của nền kinh tế toàn cầu đã lớn hơn các khu vực khác. Thay vì phụ thuộc vào cánh cửa hẹp xuất khẩu, các nước đã biến nhu cầu nội địa, đặc biệt là tiêu dùng của các hộ gia đình, thành động lực tăng trưởng”.

Chuyên gia Prasenjit Basu tại công ty chứng khoán Daiwa Securities ví von “lực đẩy thuỷ triều ở châu Á mạnh đến nỗi nó nâng đỡ cả những con thuyền ọp ẹp như Thái Lan với những bất ổn về chính trị”.

Tuy nhiên, hai câu hỏi đặt ra hiện nay là khi nu cầu tiêu dùng ở các nền kinh tế như Mỹ và châu Âu không còn mạnh, làm thế nào các nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu ở châu Á có thể chống chọi khủng hoảng tốt như vậy? Và liệu các nền kinh tế khu vực đã bước vào một giai đoạn tăng trưởng bền vững, tự thân họ miễn dịch với các cuộc khủng hoảng kinh tế ở phương Tây trong thời gian tới hay chưa?

Những lực đẩy của kinh tế châu Á

Sau khi thoát khỏi cuộc khủng hoảng khu vực 1997 – 1998, hầu hết các nền kinh tế trong khu vực đều đạt thặng dư thương mại lớn. Vào thời điểm ngân hàng Lehman Brothers sụp đổ và thị trường tín dụng đóng băng năm 2008, các nước châu Á chiếm hơn 60% dự trữ ngoại hối toàn cầu, riêng Trung Quốc đã giữ khoảng 2.000 tỷ USD.

Hầu hết các nước đã kịp vực dậy hệ thống ngân hàng yếu kém, trong đó một số ngân hàng trước đó có một thập kỷ còn đứng bên bờ sụp đổ. Thông qua các biện pháp kiểm soát thận trọng, mà trước khi xảy ra khủng hoảng vẫn thường bị phương Tây chỉ trích là làm chậm lại quá trình phát triển của các thị trường vốn, châu Á đã ngăn chặn kịp thời các ngân hàng trong nước sa vào những hoạt động mà nhiều thể chế tài chính phương Tây vì chúng sụp đổ.

Nhờ đó, các nền kinh tế châu Á có đủ tiềm lực tài chính và nền tảng vĩ mô để thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế hiệu quả. Khi nhu cầu tiêu dùng ở các nền kinh tế phương Tây giảm mạnh từ cuối năm 2008, các chính phủ châu Á đã kích hoạt được nhu cầu nội địa thông qua các dự án đầu tư hạ tầng lớn, hỗ trợ việc làm và hỗ trợ trực tiếp người tiêu dùng. Nếu tính theo tỷ trọng GDP, nhiều nền kinh tế châu Á có các gói kích thích tăng trưởng lớn hàng đầu thế giới. Hơn nữa, các ngân hàng trong khu vực, nhiều trường hợp được chính phủ theo sát hỗ trợ, đã đưa vốn vào nền kinh tế hiệu quả hơn so với các ngân hàng phương Tây. Vì thế, châu Á (không kể Nhật Bản) đã đạt được mức tăng trưởng 5,8% trong năm 2009 cho dù một số nền kinh tế vẫn bị suy thoái như Singapore, Đài Loan, Hong Kong, Malaysia và Thái Lan.

Thậm chí, theo nhà kinh tế Frederic Neumann của ngân hàng HSBC, châu Á còn vay được thêm vốn trong khi các nền kinh tế phương Tây chật vật trả nợ. “Kho dự trữ của các ngân hàng đầy ắp tiền mặt, sổ sách doanh nghiệp lành mạnh và tỷ lệ vốn ở hữu an toàn” là bức tranh chung của khu vực. Ông Neumann cho rằng sau một thập kỷ thắt lưng buộc bụng, châu Á đã có thể thoát khỏi sự lệ thuộc vào thị trường tín dụng quốc tế bằng cách cân đối sự giảm sút của nhu cầu bên ngoài bằng mở rộng thị trường trong nước.

Trên thực tế, môi trường xuất khẩu của châu Á, được sự hỗ trợ của khu vực công nghệ thông tin đang phục hồi mạnh mẽ, đã không yếu kém như nhiều người vẫn nghĩ. Do vậy, khả năng châu Á hoàn toàn thoát khỏi sự lệ thuộc vào các nền kinh tế phương Tây vẫn chưa được kiểm chứng đầy đủ. Hầu hết các nước khu vực, trong đó có Trung Quốc, đang xuất khẩu trên mức trước khủng hoảng. Các chuyến hàng xuất sang phương Tây đã tăng mạnh hơn dự báo. Xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ đã tăng 30% trong 7 tháng đầu năm 2010.

Lý do thứ hai để khẳng định sự phục hồi bền vững của châu Á là xuất khẩu của khu vực sang các nước không thuộc nhóm G3 (Mỹ, EU và Nhật Bản) cũng đang tăng lên. Một số nhà kinh tế cho rằng đây là biểu hiện của một xu hướng tăng trưởng lâu dài của thương mại NamNam. Hàn Quốc, nước xuất khẩu nhiều hàng điện tử, thiết bị máy móc và xe hơi, là một ví dụ. Hơn 40% xuất khẩu của nước này tới nhóm các nước đang nổi lên BRIC (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc). Các nhà kinh tế thuộc IMF cho rằng nếu chu kỳ kinh doanh tại các nền kinh tế đang nổi đi ngược lại các nền kinh tế phát triển, sự gia tăng xuất khẩu vào các thị trường đang phát triển, ước tính hiện chiếm gần 40% tổng sản lượng toàn cầu, so với 25% cách đây 2 thập kỷ, sẽ giúp châu Á tăng cường khả năng miễn dịch với các cuộc khủng hoảng bắt nguồn từ phương Tây.

Lý do thứ ba khẳng định sự phục hồi bền vững của châu Á là sự trỗi dậy thực chất của tiêu dùng nội địa, cho dù vấn đề này vẫn còn nhiều ý kiến bất đồng. Chuyên gia Basu tại công ty chứng khoán Daiwa dẫn chứng là trong khoảng một năm qua, nhập khẩu của hầu hết các nền kinh tế khu vực đã tăng mạnh hơn xuất khẩu. Nhìn vào Trung Quốc sẽ thấy, doanh số xe hơi tăng khoảng 7 lần so với cách đây 10 năm. Trung Quốc vẫn chưa phải là một nước xuất khẩu mà là nước nhập khẩu xe hơi”. Tương tự, doanh số bán điện thoại di động ở Ấn Độ đã tăng 250 lần, lên khoảng 450 triệu chiếc trong thập kỷ qua.

Tầng lớp trung lưu gia tăng thúc đẩy tiêu dùng tăng, mặt dù trong một số trường hợp, nhất là với Trung Quốc, tốc độ tăng trưởng của tiêu dùng vẫn không bằng tốc độ tăng đầu tư. Điều này đã hạn chế tốc độ tăng của tiêu dùng tính theo tỷ trọng GDP của Trung Quốc. Tuy nhiên, tính chung cả khu vực, tiêu dùng nội địa đang tạo ra một thị trường ngày càng lớn cho các công ty. Cũng như trước đây, phần lớn thương mại nội khối của châu Á là nhờ các bán thành phẩm trước khi được hoàn thiện để xuất sang phương Tây. Nhưng tỷ trọng sản phẩm hoàn thiện tiêu thụ ở châu Á đang tăng lên.

Trung Quốc, nước đã thay thế Nhật Bản trở thành động lực tăng trưởng cho cả khu vực là lý do thứ tư đằng sau sự phục hồi của châu Á. Giáo sư Eswar Prasad thuộc đại học Cornell cho rằng “Trung Quốc đang là lực đẩy cho các nền kinh tế châu Á cũng như một số nền kinh tế sản xuất hàng hoá và nền kinh tế phát triển”. Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản đang đổ xô vào Trung Quốc để khai thác một thị trường tưởng chừng không bao giờ được thoả mãn về nguyên liệu chế tạo, thiết bị công nghiệp nặng, linh phụ kiện và hàng tiêu dùng. Trong khi đó, Australia, Ấn Độ, Indonesia và một số nước khác là nhà cung cấp nguyên vật liệu thô cho Trung Quốc.

Các chuyên gia kinh tế chỉ ra rằng, tất nhiên châu Á sẽ tiếp tục phụ thuộc vào nhu cầu của Phương Tây. Nhưng yếu tố này ngày càng giảm dần.

Liệu đã bền vững?

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích khác, trong đó có cả các quan chức châu Á, tỏ ra thận trọng về khả năng tăng trưởng bền vững của khu vực. Một lý do chủ yếu được viện dẫn là nền tảng tăng trưởng của Trung Quốc. Chuyên gia Dư Vĩnh Định tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc nghi ngờ về hiệu quả lâu dài của các chương trình kích thích tăng trưởng mà theo ông sẽ làm nước này gia tăng, thay vì hạn chế sự phụ thuộc vào đầu tư và xuất khẩu trong tăng trưởng. Ông cho rằng: “Một nền kinh tế bền vững không thể chỉ được xây dựng trên sắt thép và bê tông”. Theo ông, xuất khẩu của Trung Quốc gia tăng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái sẽ “bị chặn đứng bởi một bức tường xung đột và bảo hộ thương mại”.

Trung Quốc cũng nhận thức được rằng dù tốc độ tăng trưởng ấn tượng nhưng mô hình phụ thuộc vào năng lượng như vậy sẽ không bền vững.

Các chuyên gia cũng cho rằng, còn lâu châu Á mới đạt được sự tăng trưởng cân đối. Quá trình chuyển dịch cơ cấu còn mới mẻ của châu Á hướng tới tiêu dùng tư nhân nội địa vào thời điểm này vẫn chưa đủ mạnh để bù đắp cho sự thiếu hụt tại các thị trường xuất khẩu lớn nhất ở bên ngoài là Mỹ và châu Âu. Các chuyên gia cũng cảnh báo mặc dù châu Á đã lợi dụng tốt cuộc khủng hoảng, song khu vực này vẫn chưa đủ khả năng để thực hiện được một sự chuyển dịch hoàn toàn sang tăng trưởng tư nhân. Có thể sẽ còn một chặng đường dài trước khi châu Á có thể tuyên bố thoát khỏi lực hấp dẫn của phương Tây trên con đường phát triển của mình.

Nguồn: FT

ĐỌC THÊM