Hai hội nghị thượng đỉnh (G20 và APEC) vừa qua vạch rõ lập trường của nhiều nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương: tích cực hợp tác kinh tế với Bắc Kinh nhưng mong muốn Washington bảo vệ an ninh cho mình.
Kinh tế là sân chơi của Trung Quốc
Ở lĩnh vực kinh tế, sau một thời gian khủng hoảng, Mỹ không còn đủ sức "làm mưa làm gió" như trước. Cộng với việc Trung Quốc tiếp tục phát triển nhanh, là đầu tàu kinh tế của cả thế giới, sân chơi kinh tế giờ rơi vào tay Bắc Kinh.
Ông Obama không gặt hái được gì nhiều ở hội nghị G20 và APEC.
Thậm chí, Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Thủ đô Seoul, Hàn Quốc tuần trước còn đánh dấu bước tiến của Trung Quốc và bước thụt lùi trong vai trò lãnh đạo của Mỹ ở lĩnh vực kinh tế.
Có nhiều bằng chứng cho thấy điều này. Thứ nhất là việc Mỹ chưa thể ký Hiệp định thương mại tự do(FTA) Mỹ - Hàn như dự định bởi Seoul còn nhiều bất đồng với Washington. Hậu quả kéo theo là ông Obama bước vào bàn đàm phán G20, APEC với bảng thành tích nghèo nàn.
Giải thích rõ hơn, chuyên gia tại Trung tâm an ninh Mỹ ông Patrick M. Cronin khẳng định: “Theo dự kiến, hiệp định thương mại Mỹ-Hàn là hình mẫu cho sự điều chỉnh cán cân thương mại giữa phương Tây và các nước châu Á. Có trong tay thỏa thuận FTA quan trọng này, tiếng nói của ông Obama tại hội nghị G20 sẽ có trọng lượng hơn”.
“Đau hơn nữa”, Tổng thống Mỹ còn bị khu vực, kể cả một số đồng minh "trở mặt" mà bênh Trung Quốc. Chưa dừng lại, khi ông Obama cáo buộc Bắc Kinh can thiệp mạnh bạo nhằm duy trì nhân dân tệ dưới mức giá thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu thì ông chẳng nhận được tiếng vỗ tay nào.
Thay vào đó là việc hầu hết các nước thành viên G20 quay sang chỉ trích kế hoạch bơm 600 tỷ USD vào nền kinh tế của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), đồng thời cũng phản đối các đề xuất của Mỹ nhằm giảm mất cân bằng thương mại.
Ông Obama cô đơn khi lên án chính sách kinh tế của Trung Quốc.An ninh trong tay Mỹ
Ngược với tình trạng bị cô lập trong vấn đề kinh tế, ông Obama được chào đón nồng nhiệt khi nói về vấn đề an ninh, chính trị...
Tại hội nghị thượng đỉnh APEC tại Nhật, Thủ tướng nước chủ nhà Naoto Kan nói lên nguyện vọng không chỉ của nước mình mà còn của cả khu vực bằng việc nhấn mạnh tầm quan trọng ngày càng tăng của Mỹ đối với an ninh Nhật nói riêng và khu vực nói chung.
Ông Kan tuyên bố: “Tôi bày tỏ sự biết ơn với những sự giúp đỡ, hỗ trợ không ngừng nghỉ của Mỹ trong hàng loạt khó khăn của Nhật với Trung Quốc, Nga. Tôi và nhiều người Nhật, cũng như nhiều quốc gia láng giềng thừa nhận vai trò ngày càng tăng của Mỹ trong việc đảm bảo an ninh, hòa bình trong khu vực”.
Và trong lúc ông Kan đưa ra tuyên bố trên ở Nhật, thì cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton, người có công lớn trong việc bình thường hóa quan hệ Mỹ - Việt, bay tới Hà Nội. Tại đây, ông được chào đón nồng nhiệt... không chỉ của Chính phủ mà còn của rất nhiều người dân.
Theo nhà nghiên cứu Greg Torode, việc Mỹ - Việt Nam tăng cường quan hệ chỉ là một trong nhiều ví dụ khẳng định sự lo ngại của cả khu vực trước sự lớn mạnh của Trung Quốc, quốc gia có nhiều động thái gây quan ngại như tăng cường sức mạnh quân sự, cứng rắn trong tranh chấp biển đảo, có tham vọng kiểm soát biển Đông…
Nhật (phải) cảm ơn Mỹ. Ảnh minh họa.Trâu bò đánh nhau ruồi muỗi chết?
Giám đốc Trung tâm Trung Quốc của Viện Brookings là Kenneth Lieberthal cho biết: “Chắc chắn là trong tương lai, Trung Quốc sẽ mở rộng ảnh hưởng kinh tế ra toàn khu vực. Cùng với tiến trình đó, mọi người (trừ Trung Quốc) sẽ quay sang Mỹ mà kêu gọi chúng tôi tăng cường hiện diện ở châu Á” .
Đây là viễn cảnh mà Mỹ không muốn bởi Trung Quốc kiểm soát được kinh tế, Mỹ kiểm soát an ninh cũng giống như việc Bắc Kinh kiếm lời từ khu vực, còn Washington thì chẳng thu được gì mà chỉ mất công sức bảo vệ suông mà thôi.
Do đó, để tránh tình trạng trên, hiện có nhiều dự đoán cho rằng Mỹ đang tích cực bao vây, khống chế Trung Quốc bằng việc xây dựng thêm các liên minh, các căn cứ quân sự xung quanh con rồng châu Á…
Nhà nghiên cứu chính sách đối ngoại của ĐH Indonesia là Bantarto Bandoro khẳng định: “Mục đích của Mỹ là nếu không thể chấm dứt thì cũng ngăn chặn việc Trung Quốc đang gia tăng ảnh hưởng tại Đông Nam Á”.
Sau đó, ông Bantarto nhấn mạnh, Mỹ muốn thành lập liên minh với những quốc gia như Ấn Độ và Indonesia, hai nền dân chủ lớn nhất châu Á để chống Trung Quốc. Giải thích rõ hơn, ông Bantarto khẳng định: “Mỹ cho rằng việc thiết lập quan hệ đối tác với các nước là gián tiếp chống lại Trung Quốc. Do đó, Washington đang nỗ lực thiết lập càng nhiều quan hệ trong khu vực Đông Nam Á càng tốt”.
Hiện chưa biết việc Trung Quốc lớn mạnh và Mỹ tăng cường can dự vào khu vực gây ra tác động gì nhưng Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono cảnh báo: “Nếu có gì xảy ra trong quan hệ Mỹ - Trung, nó sẽ tác động mạnh không chỉ tới các nước trong khu vực mà toàn thế giới”.
Hiện Mỹ là cường quốc số một thế giới về kinh tế, quân sự nhưng chưa thoát khỏi hoàn toàn khủng hoảng kinh tế. Trong khi đó, Trung Quốc tiếp tục phát triển rất nhanh, trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và đang tích cực đầu tư cho quân sự.
Nguồn: Baodatviet