Ngân hàng trung ương một số nước ở châu Á bắt đầu ngừng áp dụng chính sách nới lỏng tiền tệ trong bối cảnh nền kinh tế các nước này đã phục hồi, trong khi rủi ro lạm phát ngày càng tăng.
Mới đây, Malaisia và Ấn Độ đã tăng tỷ lệ lãi suất chính sách lần đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, còn Ôxtrâylia đã tăng lãi suất 4 lần liên tiếp. Malaisia là nước đầu tiên ở châu Á, không kể Ôxtrâylia, tăng lãi suất trong một phần nỗ lực nhằm chấm dứt các biện pháp đối phó khủng hoảng khi Ngân hàng trung ương nước này đã tăng 0,25% lãi suất lên 2,25% vào tháng trước. Ấn Độ đã tăng lãi suất vào giữa tháng 3, trong khi Trung Quốc được dự đoán sẽ làm như vậy vào quý II năm nay. Các nước khác trong khu vực dự kiến cũng hành động tương tự, nhưng thời điểm còn tuỳ thuộc vào giá cả tăng mạnh ở mức độ nào.
Ngày 19/3, Ngân hàng Trung ương Ấn Độ (RBI) đã tăng lãi suất tái chiết khấu từ 4,75% lên 5%. RBI cho rằng, sự tăng giá nhanh chóng của các mặt hàng không phải là lương thực cũng như các mặt hàng nhiên liệu trong những tháng gần đây đã trở thành mối lo ngại thực sự. Còn Malaisia nâng lãi suất trong bối cảnh nhu cầu nội địa ở nước này đã tăng nhờ các biện pháp kích thích kinh tế của Chính phủ và kim ngạch xuất khẩu hồi phục. Ngân hàng Trung ương Malaisia (BNM) đã quyết định tăng lãi suất chính sách từ 2% lên mức 2,25%. Đây là lần đầu tiên BNM tăng lãi suất này trong vòng 4 năm qua.
Trước đó, vào đầu năm 2010, cả Ấn Độ và Trung Quốc đều tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Tuy nhiên, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc vẫn chưa tăng lãi suất cơ bản.
Mặc dù Ấn Độ là nước đi đầu châu Á trong việc thắt chặt tiền tệ nhưng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Ôxtrâylia mới là nước đầu tiên bắt đầu thực thi chiến lược lối thoát nhằm chuyển hướng chính sách tiền tệ. Ngày 2/3, Ngân hàng Dự trữ Ôxtrâylia (RBA) đã quyết định tăng lãi suất chính sách lên 4%, khi nền kinh tế nước này bắt đầu hồi phục. Đây là lần thứ 3 kể từ tháng 10/2009, RBA tăng lãi suất này.
DDDN