Theo báo cáo mới nhất của Cơ quan Môi trường Châu Âu, cuộc khủng hoảng kinh tế đã dẫn tới việc sụt giảm gần 7% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong năm 2009, tại khu vực Liên minh châu Âu (EU). EU hiện nay đã tiến gần tới mục tiêu đặt ra cho năm 2020.
Thế giới đang nỗ lực cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trước thềm hội nghị thượng đỉnh Cancun (Ảnh minh hoạ: Internet)
Báo cáo của Cơ quan Môi trường châu Âu lưu ý: “Dựa trên cơ sở các đánh giá này, lượng khí thải của 27 quốc gia thành viên EU ở mức thấp dưới 17,3% so với mức của năm 1990 và vì vậy rất gần với mục tiêu mà Liên minh châu Âu đặt ra về cắt giảm khí thải xuống 20% trong giai đoạn từ nay đến năm 2020”. Điều này đạt được là nhờ sự sụt giảm khối lượng tiêu thụ than đá, nhân tố chiếm phần lớn trong tổng lượng sụt giảm khí thải ô nhiễm. Tổng lượng tiêu thụ nguồn nhiên liệu này đã giảm xuống 12,7% trong năm 2009 so với năm 2008, trong khi tất cả các nguồn năng lượng rắn khác (than đá, dầu mỏ, khí đốt tự nhiên) chỉ sụt giảm 5,5% theo như ghi nhận của Cơ quan Môi trường châu Âu.
Cơ quan Môi trường châu Âu lưu ý rằng sự phục hồi các hoạt động kinh tế trong năm 2010 sẽ có thể “khiến lượng khí thải tăng cao hơn trong năm 2010 so với năm 2009 hay ít nhất là mức độ sụt giảm không còn được nhiều và mạnh như trước”.
Được hình thành năm 2004, Liên minh châu Âu với 27 quốc gia thành viên không có mục tiêu cắt giảm khí thải CO2 trong khuôn khổ Nghị định thư Kyoto. Nghị định thư đã được ký khi EU vẫn còn 15 thành viên. Tuy vậy, tại Hội nghị thượng đỉnh Copenhagen, các quốc gia thành viên EU đã cam kết cắt giảm 20% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 so với mức của năm 1990.
Nguồn: Maxisciences, AFP