28 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) vừa qua đã đồng ý trên một văn kiện cho phép EU áp đặt trừng phạt bằng cách nâng cao mức thuế hải quan trường hợp bán phá giá nguyên liệu vào thị trường châu Âu. Đây thực chất là một biện pháp chủ yếu nhắm vào hàng hóa nhập từ Trung Quốc của châu Âu.
Các bộ trưởng thương mại của các nước thành viên EU đã mất 3 năm để thống nhất ý kiến vấn đề tăng thuế trừng phạt này. Pháp, Đức, Áo tán thành, trong khi Anh và Thụy Điển phản đối. Nhưng rồi cuối cùng, văn kiện đã được thông qua. Văn bản này còn phải chờ Nghị viện (EP) và Ủy ban châu Âu (EC) chuẩn y.
Cho đến nay, châu Âu vẫn áp dụng biện pháp do Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đề xuất, tức là không áp đặt đối với một nước thứ ba một mức thuế cao hơn mức cần thiết để bảo vệ nền công nghiệp của mình trong các trường hợp bán phá giá. Tuy nhiên, hiện chỉ có châu Âu áp dụng quy tắc kể trên. Nếu so sánh thuế chống bán phá giá đánh trên thép nhập từ Trung Quốc, mức thuế Hoa Kỳ áp dụng cao hơn mức của châu Âu rất nhiều. Giữa tháng 5 vừa qua, Hoa Kỳ chính thức tăng thuế nhập khẩu thép của Trung Quốc lên 522%, đặc biệt đối với thép tấm cán nguội được sử dụng trong công nghiệp xe hơi, container và xây dựng.
EU sẽ nâng mức thuế bán phá giá nguyên liệu thép Trung Quốc vào thị trường châu Âu.
Các nhà sản xuất thép Hoa Kỳ cáo buộc Trung Quốc bóp méo thị trường thép thế giới và phá giá với sản lượng dư thừa trong nước. Theo Hoa Kỳ, cạnh tranh không bình đẳng của Trung Quốc đã khiến ngành thép Hoa Kỳ mất đi khoảng 12.000 việc làm trong năm 2015. Lượng thép nhập khẩu của Hoa Kỳ chỉ chiếm khoảng 2% lượng xuất khẩu của Trung Quốc. Tuy nhiên, do chống phá giá, các nước nhập khẩu thép của Trung Quốc sẽ phân tán hơn. Trung Quốc cho biết sẽ tiếp tục chính sách hỗ trợ thuế xuất khẩu cho các nhà xuất khẩu thép Trung Quốc trong nỗ lực vực dậy ngành này.
Nhìn tấm gương của Hoa Kỳ, nhiều nước thành viên EU đã kêu gọi EU phải điều chỉnh các biện pháp chống phá giá giống như Hoa Kỳ để tự bảo vệ trước sự cạnh tranh bất chínhh của một số công ty thép từ Trung Quốc. Các bộ trưởng Đức, Pháp, Italia, Anh, Ba Lan, Bỉ và Luxembourg hồi tháng 2 vừa qua đã gửi một bức thư lên EC bày tỏ quan ngại về nguy cơ suy sụp của ngành thép của châu Âu do sự phá giá của Trung Quốc, chủ yếu trong ngành sản xuất thép cán nóng. Ngành công nghiệp luyện thép của châu Âu hiện cung cấp trực tiếp 330.000 việc làm tại 500 cơ sở sản xuất.
Một quan chức phụ trách kinh tế Pháp từng cảnh báo thép Trung Quốc bán phá giá do sản xuất thừa, đe dọa kỹ nghệ châu Âu trong lúc ngành luyện kim đang tái cấu trúc và tăng cường đầu tư để cạnh tranh trong thời đại toàn cầu hóa. Vị này đặt câu hỏi: “Trước nạn Trung Quốc phá giá, nghĩa vụ của chúng ta hiện nay là gì? Trước tiên cần hành động nhanh chóng. Mỗi tuần lễ trôi qua là một nguy cơ đè nặng lên các doanh nghiệp”.
Và câu trả lời hiện đã có. Với sự đồng lòng của các nước thành viên EU, tình trạng thép giá rẻ của Trung Quốc tấn công châu Âu sẽ chấm dứt. Quốc vụ khanh Pháp đặc trách Ngoại thương Matthias Fekl đã hoan nghênh quyết định của EU, xem đây là một bước tiến đáng kể trong việc sửa đổi quy định chống phá giá, cho phép bảo vệ tốt hơn công nghiệp châu Âu trước nạn cạnh tranh bất chính trong mọi lĩnh vực.
Nguồn tin: ĐTTC