Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố trả đũa Mỹ vì bị áp thuế nhôm, thép và châu Âu có thể bị vạ lây bởi sự rạn nứt giữa hai quốc gia này.
Ngày 18/5, hãng thống tấn nhà nước Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin nước này sẽ thực hiện các biện pháp trả đũa quyết định của Mỹ liên quan đến việc áp thuế nhập khẩu thép và nhôm sau khi chính quyền Ankara thất bại trong việc tìm cách miễn giảm thuế đối với các mặt hàng này.
Hãng thống tấn Anadolu trích dẫn nguồn tin từ Bộ Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ cho hay, nước này sẽ áp thuế đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ với tổng giá trị lên tới 1,8 tỷ USD.
Các mặt hàng sẽ phải chịu thuế bao gồm than đá, giấy, quả óc chó, hạnh nhân, thuốc lá, gạo chưa qua chế biến, rượu whiskey, ôtô, mỹ phẩm, máy móc, thiết bị, và các sản phẩm hóa dầu.
Cũng theo bộ này, các biện pháp như vậy sẽ mang lại khoảng 266,5 triệu USD tiền thuế cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Sản phẩm thép của Thổ Nhĩ Kỳ.
Hồi tháng 3 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định tăng thuế lần lượt 10% và 25% đối với các mặt hàng nhôm và thép nhập khẩu, làm dấy lên làn sóng phản đối mạnh mẽ từ các đối tác thương mại trên toàn cầu.
Thổ Nhĩ Kỳ, nước xuất khẩu thép lớn thứ 6 sang Mỹ, cho rằng đây là một quyết định "không thể chấp nhận được".
Trước đó, Bộ trưởng Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ Nihat Zeybekci đe dọa sẽ đối phó bằng nhiều hình thức khác nhau với những động thái của chính quyền Washington.
Quyết định áp thuế nói trên của Mỹ như giọt nước làm tràn ly trong quan hệ vốn đã căng thẳng của Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ. Từng là một trong những đồng minh quan trọng nhất của Mỹ ở khu vực Trung Đông, Thổ Nhĩ Kỳ rạn nứt quan hệ với Mỹ khi Washington công khai dành cho người Kurd sự ủng hộ mạnh mẽ.
Washington cung cấp tài chính, vũ khí cho các phong trào của người Kurd, trong đó có đảng Công nhân Kurdistan PKK, các lực lượng dân chủ người Kurd SDF, đứng đầu là các đơn vị bảo vệ nhân dân YPG ở Syria và phong trào li khai của người Kurd ở miền Bắc Iraq... chống lại Ankara và được Thổ Nhĩ Kỳ liệt vào danh sách các nhóm khủng bố.
Việc cung cấp vũ khí cho các lực lượng người Kurd được Ankara coi là đe dọa tới an ninh quốc gia của Thổ Nhĩ Kỳ và là ranh giới đỏ trong quan hệ giữa hai nước. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cho rằng những việc làm này của chính quyền Mỹ là không thể chấp nhận được.
Bên cạnh đó, quan hệ Mỹ-Thổ càng trở nên căng thẳng hơn khi chính quyền của Tổng thống Erdogan dần xa rời Mỹ và phương Tây, xích lại gần với Nga và Iran.
Khi quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ đe dọa đổ vỡ, châu Âu hoàn toàn có thể bị vạ lây. Trong khi chính quyền Ankara thất bại trong việc tìm cách miễn giảm thuế đối với các mặt hàng thép và nhôm thì châu Âu lại được Mỹ hoãn áp đặt thuế này đến ngày 1/6.
Sẵn mối căng thẳng với các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu, Ankara hoàn toàn có thể 'ra tay' với châu Âu bằng cách sẽ không tiếp tục giúp đỡ EU trong giải quyết cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố, cũng như giải quyết cuộc khủng hoảng nhập cư đang gây ra nhiều “cơn đau đầu” cho lãnh đạo EU.
Còn nhớ, cách đây 2 năm, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ từng đe dọa sẽ mở cửa biên giới cho người di cư trở lại châu Âu. Giờ đây, nếu Thổ Nhĩ Kỳ nhân đòn trả đũa Mỹ lặp lại đe dọa này, châu Âu sẽ lại phải đối mặt với cơn ác mộng nhiều năm qua của mình.
Nguồn tin: Đật Việt