Nội ngoại sẵn sàng
Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép (VSA), khẳng định VN tham gia vào TPP thì ngành thép hoàn toàn có lợi, tiêu thụ sản phẩm làm ra được nhiều hơn và nhập khẩu được sản phẩm tốt hơn. Bởi sản phẩm thép của VN hiện chỉ ở mức trung bình.Nếu được giảm thuế khi vào TPP sẽ bán ra các nước ở phân khúc thép trung bình được nhiều hơn.Đổi lại, các nước trong TPP lại là các nước công nghệ làm thép cao cấp tốt hơn, đây cũng là cơ hội để người tiêu dùng trong nước mua được sản phẩm thép tốt với giá tốt. “Chúng ta sẽ không bị chèn ép như khi mua thép Trung Quốc, hoặc không bị qua mặt, dùng các tiểu xảo trộn lẫn thép tốt xấu như thép Trung Quốc mà người tiêu dùng Việt đang gặp phải”, ông Cường nói.
Tôn Hoa Sen (HSG) chiếm 40% thị phần tôn thép nội địa và xuất khẩu đến 30 quốc gia trên thế giới, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT HSG cho biết: “Doanh nghiệp (DN) thép Việt do lợi thế về ưu đãi thuế nhập khẩu 0% cho các nước thành viên ASEAN, nên xuất khẩu chủ yếu tập trung ở các thị trường này. Khi TPP có hiệu lực, có cơ hội để khai thác các thị trường lớn và tiềm năng như Chile, New Zealand, Mỹ, Úc, Mexico”. Được biết, Nhà máy Tôn Hoa Sen Phú Mỹ áp dụng công nghệ NOF tiên tiến của thế giới với công suất hàng trăm ngàn tấn/năm sẽ làm tốt việc đón đầu cơ hội này.
Cũng chỉ xuất sang các nước ASEAN, ông Nguyễn Thành Trung, Chủ tịch HĐQT kiêm CEO Công ty CP Tôn Đông Á, cho biết tương lai đang hướng đến thị trường Mỹ. Công ty đang đầu tư nhà máy rộng 12 ha với tổng đầu tư dự kiến 120 triệu USD, có công suất 350.000 tấn để đón đầu cơ hội TPP.
Một chuyên gia về thép cho rằng, trong số các nước tham gia TPP chỉ có Nhật Bản là nước mạnh về sản xuất tôn và ống thép.Tuy nhiên các sản phẩm của Nhật Bản ở phân khúc giá cao nên không ảnh hưởng lớn đến việc nhập khẩu mặt hàng tôn và ống thép vào VN.
Ở góc nhìn khác, ông Lê Phước Vũ cho rằng: đến nay đã có nhiều tập đoàn tôn thép hàng đầu thế giới hoạt động tại VN đã nhiều năm qua. Nhưng theo số liệu thống kê của VSA, thị phần của họ qua các năm không có sự tăng trưởng, và chỉ ở mức dưới 10%.
Đối mặt với các vụ kiện phá giá
Trước những lo ngại về hàng rào kỹ thuật mà các nước sẽ dựng lên khi thuế giảm xuống, đặc biệt là việc đối mặt với các vụ kiện bán phá giá, ông Phạm Chí Cường tỏ ra khá tự tin: “Chúng tôi đã kinh qua các trường hợp này rồi. Năm 2012, ngành sắt thép Việt chứng kiến vài vụ kiện bán phá giá, đề nghị biện pháp tự vệ hoặc điều chỉnh thuế đối với một số mặt hàng sắt thép Việt sang các nước trong khu vực. Cụ thể, theo thông tin từ VSA, Liên đoàn Công nghiệp sắt thép Malaysia (MISIF) từng gửi thư cho VSA cảnh báo tôn phủ kim loại và sơn phủ màu của VN nằm trong nguy cơ bán phá giá. Và chính MISIF và một số DN thép của nước này, trong đó có Bluescope Steel (là công ty đa quốc gia) đến làm việc với VSA.
Chưa hết, cũng theo VSA, Hiệp hội Tôn mạ kim loại và sơn phủ màu Thái Lan từng gửi thư cho VSA bày tỏ quan ngại có sự bán phá giá một số sản phẩm tôn của VN. Cuối năm 2012, cũng chính Bluescope Steel và Công ty Sunrise Steel (Indonesia) đã gửi đơn lên Ủy ban Tự vệ thương mại Indonesia (KPPI) tuyên bố rằng họ bị tổn hại hoặc bị đe dọa nghiêm trọng do một sản phẩm của HSG nhập vào và còn đề nghị chính phủ Indonesia áp dụng biện pháp tự vệ thương mại.
Một chuyên gia ngành thép cho rằng một số tập đoàn đa quốc gia, công ty lớn muốn làm chủ thị trường, không muốn sản phẩm của VN có thị phần tốt tại nước họ.Thứ nữa, vì là những tập đoàn lớn, nên họ có tiềm lực tài chính tốt, đây cũng là điểm yếu của VN.Trong thế giới phẳng, mọi quan hệ kinh doanh minh bạch dựa trên tinh thần tôn trọng cạnh tranh lành mạnh.Nhưng mỗi khi "anh" có âm mưu muốn thao túng thị trường nào đó thì minh bạch chỉ có tính tương đối”, chuyên gia này chia sẻ.
Ông Phạm Chí Cường khẳng định chúng ta có đầy đủ cơ sở pháp lý đến từng chi tiết để bác lại những yêu cầu vô lý của họ.Tuy nhiên, bất luận thế nào, với DN thép, cẩn trọng vẫn hơn.“Khó khăn lúc này của DN là làm thế nào để vực dậy thị trường tiêu thụ đang trên đà giảm, vấn đề này liên quan đến chính sách, tình hình kinh tế của cả nước. Chỉ trong vòng 3 tháng trở lại đây, mức tiêu thụ sắt thép của thị trường nội địa giảm từ 400.000 tấn/tháng, xuống 350.000 tấn và vừa rồi là 300.000 tấn/tháng. Đó là điều đáng lo ngại ở ngắn hạn”, ông Cường chia sẻ.
Phòng vệ
Tháng 6 vừa qua Bộ Công thương VN cũng quyết định điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với mặt hàng thép không gỉ cán nguội, nhập khẩu vào VN từ Trung Quốc, Malaysia, Indonesia và Đài Loan. Quyết định này xuất phát từ yêu cầu của Posco VST và Hòa Bình Inox, hai DN đang chiếm khoảng 80% thị phần inox tại Việt Nam đưa ra. Theo 2 DN này, giá inox nhập từ các nước trên đều thấp hơn khoảng 25% so với giá các sản phẩm cùng loại được sản xuất trong nước, thậm chí thấp hơn giá thành tại chính thị trường của họ. Và mức thuế được kiến nghị áp cho hành vi chống bán phá giá khoảng 20% đối với các sản phẩm inox được nhập từ các quốc gia trên.
|
Nguồn: Thanh niên