Thép hợp kim được hưởng thuế suất 0%. Do vậy để “lách luật”, các nhà sản xuất thép nước ngoài đã dùng “tiểu xảo” thêm thành phần Bo có chứa hàm lượng rất nhỏ (0.0008%). Đối với mặt hàng tôn mạ kẽm cũng có tình trạng chuyển kê khai mã HS để được hưởng thuế suất thấp hơn...
Chỉ cần bỏ thêm một lượng nhỏ thành phần vi lượng Boron (Bo), thép nhập khẩu “đột nhiên” được hưởng thuế suất 0%, điều đang tạo bất lợi cho nhiều DN trong ngành thép nội địa. Về vấn đề này, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho hay, việc sản phẩm thép nhập khẩu chứa vi lượng Bo ồ ạt vào Việt Nam đã bắt đầu có sự gia tăng từ năm 2009. Theo quy định của biểu thuế nhập khẩu Việt Nam thì thép xây dựng không phải thép hợp kim chịu mức thuế suất từ 12 - 15%.
Thép xây dựng Việt lép vế sản phẩm nhập khẩu
Trong khi đó, thép hợp kim được hưởng thuế suất 0%. Do vậy để “lách luật”, các nhà sản xuất thép nước ngoài đã dùng “tiểu xảo” thêm thành phần Bo có chứa hàm lượng rất nhỏ (0.0008%), nhưng vẫn được coi là thép hợp kim để trà trộn với thép xây dựng nhập khẩu vào Việt Nam, hưởng thuế suất ưu đãi.
Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trong lượng sắt thép nhập khẩu vào thị trường Việt Nam hàng năm, riêng sắt thép Trung Quốc chiếm khoảng 25%. Nếu chỉ tính riêng thép cuộn nhập khẩu có thành phần Bo trong năm qua, con số này đã lên đến gần 541 nghìn tấn, trị giá gần 300 triệu USD.
Đó là chưa kể ngay cả đối với mặt hàng tôn mạ kẽm cũng có tình trạng chuyển kê khai mã HS để được hưởng thuế suất thấp hơn. Chính sự gian lận này dẫn đến việc DN sản xuất thép trong nước gánh chịu hậu quả, bên cạnh đó còn ảnh hưởng trực tiếp đến thuế nhập khẩu bị thu không đúng, khiến cho ngân sách hàng năm bị thất thu đáng kể.
“Với mặt hàng thép xây dựng hiện nay trong nước đang rất dư thừa, phần lớn các DN đều đang phải sản xuất cầm chừng với 50 - 60% công suất. Trong khi đó, mặt hàng này vẫn được cho phép nhập khẩu tràn lan, tạo sức ép với sản xuất trong nước”, ông Đỗ Duy Thái, Chủ tịch HĐQT Công ty Thép Việt cho biết.
Phải chịu rất nhiều chi phí đầu vào sản xuất, giá bán sản phẩm cao khiến cho việc cạnh tranh trực tiếp về giá cả rất khó khăn, nhiều DN ngành thép tại khu vực phía Nam đang điêu đứng trước mức độ phủ sóng cũng như mức độ cạnh tranh gay gắt về giá với các mặt hàng thép xây dựng nhập khẩu, mà chủ yếu từ một số quốc gia, vùng lãnh thổ lân cận như Trung Quốc, Malaysia, Đài Loan…
Nhiều DN tỏ ra bức xúc, nếu DN nước ngoài sử dụng các “tiểu xảo” để được hưởng thuế suất ưu đãi, dẫn đến sự cạnh tranh mạnh về giá, đè bẹp nền sản xuất của quốc gia khác phải được coi là sự cạnh tranh thiếu công bằng, cần được chấn chỉnh và ngăn chặn kịp thời. Song thực tế hiện nay, các hàng rào kỹ thuật tại Việt Nam chưa phát huy được tác dụng, dẫn đến không chỉ các DN sản xuất thép trong nước gánh chịu thiệt hại mà nền kinh tế cũng bị ảnh hưởng.
Một chuyên gia trong lĩnh vực thuế cho biết, tổng số thuế nộp ngân sách của các DN sản xuất thép trong năm 2013 ước đạt 4.000 tỷ đồng thì quá nửa đầu năm 2014 mới thu được khoảng gần 2.000 tỷ đồng. Con số này tăng trưởng hay giảm sút phụ thuộc rất lớn vào chính sách bảo hộ đối với mặt hàng này.
Đó là chưa nói đến việc cho thêm hợp chất Bo để hưởng thuế suất 0%, điều này có thể khiến cho ngân sách bị thất thu hàng trăm tỷ đồng. Đáng lo lắng hơn, nếu không giải quyết triệt để vấn đề này, khi Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc có hiệu lực (tháng 1/2015) thì nguy cơ bị “đè bẹp” của ngành thép Việt Nam là thấy rõ.
Vì vậy, với phương châm phòng còn hơn chữa, nhiều DN sản xuất thép trong nước cho rằng, đối với thép chứa vi lượng Bo, nên áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật, đồng thời tăng cường khâu kiểm định Hải quan để ngăn chặn hành vi gian lận chuyển mã. Đặc biệt, việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số mặt hàng có khối lượng nhập khẩu lớn vào thị trường nội địa, gây thiệt hại cho nền sản xuất trong nước cũng là một trong những biện pháp hữu hiệu ngăn chặn sự lấn sân ồ ạt của hàng ngoại nhập.
Nguồn tin: Ngân hàng