Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Chi phí leo thang đe dọa ngành sản xuất thép tại Anh

Ngành sản xuất thép trên khắp châu Âu đang phải đối mặt với áp lực lớn từ tình trạng giá cả leo thang và khan hiếm nguồn cung nguyên, nhiên liệu.

Trong đó, các công ty tại Anh - nơi có giá điện cao hơn so với nhiều nước châu Âu, bị coi là nhóm đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều hơn cả từ các biến động của thị trường.

Cũng giống như nhiều nhà sản xuất thép khác tại Anh, công ty của ông James Brand đã phải đối mặt với nhiều thách thức trong những năm gần đây, khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị xáo trộn vì đại dịch COVID-19. Cuộc xung đột Nga - Ukraine, càng khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn khi giá năng lượng liên tục tăng cao.

"Chúng tôi đang sử dụng khoảng 24 gigawatt điện và 21 gigawatt khí đốt mỗi năm, chủ yếu mua từ thị trường mở. Chúng tôi đã cố gắng mua những nguồn năng lượng có kỳ hạn càng xa càng tốt để đáp ứng nhu cầu. Nhưng rõ ràng vào thời điểm này, giá cả là rất cao", ông James Brand - Giám đốc điều hành Công ty thép United Cast Bar cho biết.

Không chỉ năng lượng, giá nhiều loại nguyên liệu thô cần thiết như gang cũng tăng mạnh. Điều này buộc các công ty thép như của ông James phải nâng giá bán sản phẩm thêm 70%.

Ông James Brand nói: "Chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc chuyển phần chi phí tăng cho khách hàng. Chúng tôi đã cố gắng xoay xở trong thời gian qua, bằng cách mua trước các nguyên vật liệu và bảo hiểm rủi ro. Tuy nhiên, càng ngày, giá cả càng ảnh hưởng lớn đến chi phí của chúng tôi".

Hiện số đơn đặt hàng mới từ các công ty dầu khí, ô tô và xây dựng vẫn tăng mạnh, bất chấp giá cả leo thang. Lý do là bởi các khách hàng này đều dự đoán rằng, giá cả sẽ còn tăng hơn nữa, khi xung đột Nga - Ukraine kéo dài. Tuy nhiên, mọi thứ được dự báo sẽ khó khăn hơn khi mức giá chạm đến ngưỡng mà khách hàng không còn đủ khả năng chi trả.

Theo các chuyên gia, so với các công ty ở Đức hay Pháp, các doanh nghiệp sản xuất thép tại Anh phải đối mặt với giá điện cao hơn khoảng 50 - 60%, do tác động từ chính sách môi trường, mức độ phụ thuộc vào khí đốt và chi phí mua bán hạn ngạch khí thải đắt đỏ hơn. Chính phủ Anh hiện cũng đã thừa nhận vấn đề này và cho biết sẽ mở rộng chương trình hỗ trợ trong vòng 3 năm tới để giúp ngành thép giảm bớt khó khăn từ sự chênh lệch giá điện.

Nguồn tin: VTV

ĐỌC THÊM