Theo Báo cáo của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2017 tăng 0,41% so với tháng 9/2017, tăng 2,98% so với cùng kỳ năm 2016 và tăng 2,25% so với tháng 12/2016. CPI bình quân 10 tháng đầu năm 2017 tăng 3,71% so với cùng kỳ năm 2016.
Cụ thể, Báo cáo số 263/BC-TCTK ngày 27/10/2017 của Tổng cụ Thống kê cho thấy, trong tháng 10/2017 tất cả 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ đều tăng giá, trong đó nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng mạnh nhất với mức tăng 2,14% (riêng dịch vụ y tế tăng 2,79%) do trong tháng có 9 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế. Việc giá thuốc và dịch vụ y tế tăng tác động làm CPI tháng 10 tăng khoảng 0,11%.
Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,63%; Giao thông tăng 0,61%; Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,31%; Giáo dục tăng 0,19%; May mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,17%; Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,10%; Văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,06%; Đồ uống và thuốc lá và bưu chính viễn thông cùng tăng 0,01%; Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,12%; Bưu chính – viễn thông tăng nhẹ 0,01%.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 năm 2017 tăng 0,41%.
Nguyên nhân làm tăng CPI tháng 10/2017 là do ảnh hưởng của mưa bão và lũ quét ở các tỉnh miền núi phía Bắc và miền Trung, cùng với nhu cầu tiêu dùng thực phẩm tăng vào mùa cưới nên giá thực phẩm tươi sống ở một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cao, làm cho chỉ số giá nhóm lương thực tăng 0,57%, thực phẩm tăng 0,37%.
Chỉ số giá nhóm vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,84%. Nguyên nhân chủ yếu là do tăng ở mặt hàng sắt thép, với giá thép trong nước và thế giới liên tục tăng trong thời gian gần đây do giá nguyên liệu đầu vào như phôi thép, than điện cực chì tăng mạnh từ tháng 7/2017.
Bên cạnh đó, giá xăng, dầu còn ảnh hưởng từ đợt tăng giá ngày 20/9/2017 (mặc dù giá xăng dầu được điều chỉnh giảm vào ngày 05/10/2017 và ngày 20/10/2017, giá xăng giảm 240 đồng/lít, giá dầu diesel giảm 30 đồng/lít) đã tác động làm chỉ số giá nhóm nhiên liệu bình quân tháng 10 tăng 1,44% so với tháng 9/2017…
Tuy nhiên, trong tháng 10/2017 cũng có một số mặt hàng giảm nhẹ, như giá thịt lợn giảm 0,95% do tâm lý e ngại của người dân sau sự việc gần 4.000 con lợn bị tiêm thuốc an thần trước khi đưa vào giết mổ, nên người dân ít sử dụng thịt lợn.
Cũng trong tháng 10/2017, thời tiết mưa, bão dẫn đến nhu cầu tiêu dùng điện giảm làm cho giá điện giảm 0,24%. Giá cát tiếp tục giảm mạnh từ 5% đến 15% chủ yếu giảm ở các tỉnh phía Nam do một số địa phương đã cho phép khai thác trở lại, hơn nữa một số địa phương đang trong mùa mưa nên nhu cầu xây dựng giảm. Do tháng 10 đã qua mùa du lịch nên giá tour du lịch trong nước giảm 0,16%...
Theo Báo cáo, lạm phát cơ bản tháng 10/2017 tăng 0,06% so với tháng 9/2017 và tăng 1,32% so với cùng kỳ năm 2016. Lạm phát cơ bản bình quân 10 tháng năm 2017 tăng 1,44% so với bình quân cùng kỳ năm 2016.
Chỉ số giá vàng tháng 10/2017 giảm 0,88% so với tháng 9/2017 tăng 5,18% so với tháng 12/2016 và tăng 1,39% so với cùng kỳ năm 2016. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 10/2017 giảm 0,03% so với tháng 9/2017 giảm 0,07% so với tháng 12/2016 và tăng 1,67% so với cùng kỳ năm 2016./.
Nguồn tin: Doanh nghiệp việt nam