Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) bình quân 9 tháng đầu năm trên địa bàn Nghệ An tăng 10,81% so với cùng kỳ.
Tôn thép - một trong những sản phẩm công nghiệp về đích sớm trong năm 2017. Ảnh: Thu Huyền
Tôn thép, ván thanh… về đích sớm
Những sản phẩm chủ lực có tốc độ tăng trưởng khá so với cùng kỳ và khả năng hoàn thành mục tiêu kế hoạch ở Nghệ Angồm điện, bia, tôn thép, ván thanh…
Về đích sớm nhất phải kể đến các sản phẩm tôn Hoa Sen sản xuất tại Khu công nghiệp Đông Hồi (thị xã Hoàng Mai). Bắt đầu ổn định sản xuất từ tháng 6/2017, bình quân mỗi tháng đạt 50.000 tấn, lũy kế 8 tháng năm 2017, sản lượng tôn, thép Hoa Sen các loại đạt 265.000 tấn, hai nhà máy đạt công suất tối đa. Dự kiến cả năm 2017 đạt 465.000 tấn, vượt nhiều lần mục tiêu kế hoạch đề ra, tăng 481% (kế hoạch năm 2017 dự kiến 80.000 tấn thép hợp kim), xuất khẩu hàng tháng đạt từ 10.000 - 15.000 tấn, đi các thị trường Mỹ và các nước EU.
Ván ghép thanh và MDF của Nhà máy gỗ ván ghép thanh và ván MDF Nghĩa Đàn cũng cho sản lượng khá. Các dây chuyền thiết bị đã phát huy hiệu quả, sản lượng sản xuất đạt 392 m3/ngày,đêm; xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Ấn Độ, đưa sản lượng dự kiến trong năm 2017 đạt khoảng 110.000 m3.
Đối với sản phẩm bia, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng cơ bản vẫn giữ được thị phần và phát huy tốt công suất thiết bị. Kế hoạch năm 2017, sản xuất bia ở Nghệ An đạt 200 triệu lít, 8 tháng đã sản xuất được 130,4 triệu lít, tăng 2,76% so với cùng kỳ, đạt 65% kế hoạch (trong đó bia Sài Gòn - Sông Lam đạt 61,8 triệu lít, bia Sài Gòn - Nghệ Tĩnh đạt 34,2 triệu lít, bia Hà Nội - Nghệ An đạt 34,4 triệu lít).
Từ tháng 8/2017, Nhà máy bia Sài Gòn - Sông Lam thay đổi cơ cấu sản xuất, tăng lượng bia lon, giảm lượng bia chai nên sản lượng bia có thể giảm nhưng doanh số vẫn tăng và thuế nộp ngân sách cũng tăng lên. Như vậy, nếu duy trì tốt các hoạt động xúc tiến bán hàng và quảng bá, tiếp thị sản phẩm trong dịp Tết tới thì sản phẩm bia khả năng vượt kế hoạch.
Sản phẩm gỗ thanh xuất khẩu của Công ty CP Lâm nghiệp Tháng Năm. Ảnh: Thu Huyền
Nhiều sản phẩm thất thu do thiếu nguyên liệu
Qua rà soát, hiện có khoảng 12 sản phẩm khó đạt kế hoạch đề ra. Ví như sản phẩm sữa chế biến: Công suất thiết kế hai nhà máy đạt 236 triệu lít/năm, tuy nhiên, tổng sản lượng sữa chế biến các loại 8 tháng mới chỉ đạt 111,3 triệu lít, ước thực hiện cả năm 2017 chỉ đạt 166,5 triệu lít, trong khi mục tiêu kế hoạch là 200 triệu lít. Nguyên nhân chính là do lượng sữa tươi nguyên liệu không đủ để cung cấp cho nhà máy, mặc dù khâu thị trường tiêu thụ hiện nay rất tốt.
Hay sản phẩm đường kính, sản lượng 8 tháng của 3 nhà máy đạt 74,37 nghìn tấn, giảm 25,5% so với cùng kỳ, vụ ép năm nay kết thúc sớm hơn 1 tháng do thiếu nguyên liệu đầu vào. Điều đáng lo ngại là diện tích trồng mía ngày càng thu hẹp, sản lượng mía giảm, độ đường thấp.
Quần áo dệt kim, 8 tháng năm 2017 mới đạt khoảng 10,7 triệu sản phẩm/KH 17 triệu sản phẩm. Nguyên nhân do ngoài những yếu tố khách quan tác động như nền kinh tế của một số nước nhập khẩu dệt may của Việt Nam đang gặp khó khăn.
Đối với xi măng, Nghệ An là một trong những trọng điểm sản xuất xi măng của cả nước, kế hoạch năm 2017 đặt mục tiêu đạt 3,5 triệu tấn xi măng sau khi đưa vào vận hành Nhà máy Xi măng Sông Lam và Trạm nghiền xi măng Nghi Thiết. Tuy nhiên đến tháng 8/2017, sản lượng xi măng của 3 nhà máy trên địa bàn mới đạt 1,568 triệu tấn.
Các sản phẩm khác như: thiếc tinh luyện, bao bì, hộp bia lon, nước mắm, phân bón, thuốc lá điếu, bật lửa ga… đạt thấp và khó hoàn thành kế hoạch
.
Năm nay, các sản phẩm dệt may gặp nhiều khó khăn về đầu ra. Ảnh: Thu Huyền
Cần các giải pháp đồng bộ
Lĩnh vực công nghiệp năm 2017 đặt mục tiêu giá trị sản xuất tăng trưởng 15% so với năm 2016 (giá trị tăng thêm tăng khoảng 12%), giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp theo chỉ tiêu giao là 44.435 tỷ đồng (Quyết định số 6587/QĐ-UBND ngày 22/12/2016 của UBND tỉnh).
Đến nay, theo Sở Công Thương, có 7 sản phẩm dự kiến hoàn thành vượt kế hoạch, giá trị vượt là 9.468 tỷ đồng. Nguyên nhân giá trị sản xuất mới bổ sung tăng cao như trên chủ yếu là do sản phẩm tôn, thép Hoa Sen đạt sản lượng với giá trị sản xuất cao trong khi kế hoạch năm 2017 của tỉnh xây dựng thấp, nên chênh lệch giá trị sản xuất tăng thêm là rất lớn (khoảng 6.352 tỷ đồng). Tuy nhiên, sản phẩm này đóng góp vào giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) không đáng kể do chủ yếu là gia công.
Để thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017 theo tinh thần Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 02/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ, ngành Công Thương phối hợp với các ngành, địa phương, thường xuyên đối thoại để giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, phát huy tối đa năng lực của máy móc thiết bị đã đầu tư. Tuy nhiên, về lâu dài, cần tập trung hỗ trợ khởi nghiệp, ưu tiên nguồn vốn tín dụng,… để đẩy mạnh phát triển kinh tế khu vực doanh nghiệp tư nhân.
Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng cho các dự án trọng điểm hạ tầng giao thông, công nghiệp, dịch vụ. Hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng thị trường, hội nhập quốc tế thông qua hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu… để kích cầu các sản phẩm công nghiệp của tỉnh.
Nguồn tin: Baonghean