Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Chỉ số tăng trưởng công nghiệp 10 tháng năm 2017 tăng mạnh 8,7%

 Theo thông tin vừa công bố của Bộ Công thương, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành (IIP) 10 tháng đầu năm 2017 tiếp tục xu hướng tăng trưởng khá, tháng sau cao hơn tháng trước.

Công nghiệp chế tạo vẫn là động lực chính

Đặc biệt, trong tháng 10 có sự tăng trưởng vượt trội với mức tăng 8% so với tháng 9 và tăng 19,5% so với cùng kỳ năm 2016.

Qua đó, góp phần giúp chỉ số IIP 10 tháng tăng cao, đạt mức tăng 8,7%, cho thấy tăng trưởng sản xuất công nghiệp ngày càng được cải thiện rõ rệt.

Mức tăng trưởng của sản xuất công nghiệp 10 tháng đầu năm nay cao hơn 1,5 điểm phần trăm so với mức tăng cùng kỳ năm trước và cao hơn 0,8 điểm phần trăm so với 9 tháng năm 2017.

Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục tăng trưởng cao với mức 13,6%, cao hơn 2,9 điểm phần trăm so với mức tăng của cùng kỳ năm 2016 và là động lực tăng trưởng chính của toàn ngành, phù hợp với định hướng tái cơ cấu mô hình tăng trưởng ngành (phát triển giảm dần sự phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, thiên nhiên).

Kết quả này tiếp tục phản ánh những giải pháp thúc đẩy và hỗ trợ sản xuất trong thời gian qua đã phát huy tác dụng.

Trong khi đó, một số ngành sản xuất công nghiệp chủ lực khác như ngành thép, phân bón hóa chất, ô tô còn gặp nhiều khó khăn.

Với ngành thép, hiệu quả sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trong ngành còn hạn chế do khác với những năm trước, tiêu thụ thép xây dựng năm nay có sự sụt giảm dần trong những tháng gần đây. Tuy nhiên, sản xuất của ngành vẫn đạt mức tăng trưởng khá.

Đối với ngành phân bón, hóa chất, do chưa vào vụ sản xuất nông nghiệp, nên nhu cầu phân bón ở mức thấp, giao dịch chủ yếu khối lượng nhỏ. Trong khi đó, lượng phân bón nhập khẩu tăng cao 15,6% về số lượng và 12,1% về giá trị so với cùng kỳ, khiến cho ngành vẫn còn khó khăn.

Số liệu thống kê của Bộ Công thương cho thấy, 10 tháng đầu năm 2017, sản lượng sản xuất phân đạm urê ước tăng 17,5% so với cùng kỳ; phân NPK tăng 9,9%; trong đó, riêng sản lượng phân lân của Tập đoàn Hóa chất giảm 5,2% so với cùng kỳ.

Lĩnh vực sản xuất ô tô, kết quả tăng trưởng chỉ bằng 91,7% so với cùng kỳ do phải cạnh tranh với ô tô nhập khẩu, nhu cầu tiêu thụ giảm do tâm lý đợi đến năm 2018 thuế nhập khẩu ô tô bằng 0% (theo hiệp định thương mại tự do AFTA), dẫn đến các nhà máy cũng phải điều chỉnh sản xuất.

Tiêu thụ công nghiệp và tồn kho tăng

Về tình hình tiêu thụ, Bộ Công thương cho biết, chỉ số tiêu thụ của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 10 tháng năm 2017 tăng 12,8%, cao hơn mức tăng 8,2% của cùng kỳ năm 2016.

10 tháng đầu năm, tiêu thụ của ngành thuận lợi và có xu hướng tăng dần về cuối năm. Hầu hết các ngành thuộc nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo có mức tăng trưởng tiêu thụ cao hơn so với cùng kỳ ở mức từ 5,6% đến trên dưới 30%, nhiều ngành đạt tăng trưởng ở mức 2 con số, điển hình như sản xuất đồ uống, dệt, sản xuất trang phục, sản xuất da và các sản phẩm có liên quan, sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy, sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu, sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic, sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác, sản xuất kim loại, sản xuất sản phẩm điện tử, mát vi tính và sản phẩm quang học, sản xuất giường tủ, bàn ghế...

Một số ngành gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ trong những tháng đầu năm nay cũng đã được cải thiện như sản xuất đồ uống, sản xuất sản phẩm thuốc lá...

Liên quan tình hình tồn kho, chỉ số tồn kho tại thời điểm 01/10/2017 tăng 8,8% so với năm 2016 (cùng kỳ năm 2016 tăng 8,9%). Theo Bộ Công thương, xét từng ngành thuộc nhóm cho thấy, đây là mức tăng tồn kho hợp lý, phù hợp với tình hình sản xuất, tiêu thụ của ngành và là mức tồn kho theo kế hoạch.

Nguồn tin: ĐTCK

ĐỌC THÊM