Chủ tịch Hòa Phát là ông Trần Đình Long hay nói: “Với doanh nghiệp, đứng lại là chết mà đi chậm cũng chết, phải tăng tốc thôi!”
Đầu tháng 2.2017, Hòa Phát chính thức nhận giấy phép đầu tư dự án Khu liên hợp Sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất (viết tắt: dự án Dung Quất) ở Quảng Ngãi. Ngay cả khi kế hoạch huy động tổng lực vốn khiến giá cổ phiếu của Hòa Phát giảm mạnh, công ty này vẫn quyết tâm hoàn thành gấp rút dự án có vốn đầu tư lên tới 52.000 tỉ đồng (hơn 2 tỉ USD). Lực hấp dẫn nào đã hút Hòa Phát vào “siêu dự án” này?
Thời cơ ở Dung Quất
Nhà máy ở Dung Quất là dự án đầu tư lớn nhất của Hòa Phát từ trước đến nay. So về công suất, dự án Dung Quất lớn gấp đôi công suất hiện tại của Hòa Phát, đạt 4 triệu tấn/năm. Ngay Khu liên hợp Sản xuất gang thép Hòa Phát ở Hải Dương, một dự án đã đưa Hòa Phát lên vị trí nhà sản xuất thép lớn nhất Việt Nam, cũng chỉ tốn của Hòa Phát khoảng 440 triệu USD. Doanh thu dự kiến của dự án Dung Quất sau khi hoàn thành là khoảng 2 tỉ USD và tạo công ăn việc làm cho 8.000 lao động.
Con số này cho thấy quy mô của dự án Dung Quất, cũng như tham vọng của Hòa Phát gửi gắm trong đó. Dự kiến một nửa công suất ở khu liên hợp này sẽ sản xuất thép dài, tức thép xây dựng quen thuộc, là thế mạnh và chủ lực lâu nay của Hòa Phát. Một nửa công suất còn lại sẽ dành sản xuất thép cuộn cán nóng (HRC, một bán thành phẩm dùng làm nguyên liệu cho sản xuất tôn mạ, ống thép).
HRC là thị trường chưa có doanh nghiệp Việt Nam nào dấn bước. Tháng 6.2016, mới chỉ nhà máy Formosa sản xuất thử nghiệm và cung cấp ra thị trường Việt Nam những tấn thép HRC đầu tiên. Lâu nay, các công ty sản xuất tôn mạ, ống thép đều phải nhập toàn bộ nguyên liệu HRC từ nước ngoài, chịu thuế phí, rủi ro tỉ giá và thời gian nhận hàng. Khi nguồn HRC có sẵn trong nước, những lo âu của các đơn vị sản xuất thép tại Việt Nam ít nhiều giảm đi. Tuy nhiên, sẽ có nhiều rủi ro nếu chỉ mình Formosa làm thép HRC và không có sự góp mặt của công ty trong nước. Đây là lý do để Hòa Phát quyết tâm làm dự án Dung Quất và cũng được tạo điều kiện để làm.
Sau hơn 10 năm đắp chiếu, dự án Dung Quất (tên ban đầu là nhà máy thép Guang Lian Dung Quất) đã được chuyển giao cho Hòa Phát. Chưa thấy dự án nào mà Hòa Phát lại khẩn trương đến vậy. Hòa Phát bắt tay vào xây dựng giai đoạn 1 của dự án ngay sau khi có giấy phép (tháng 2.2017) và dự định sẽ thực hiện luôn giai đoạn 2 của dự án chỉ sau đó nửa năm (tháng 8.2017). Nghĩa là Hòa Phát sẽ gần như thực hiện song song hai giai đoạn. Quyết định này đã có sự thay đổi đáng kể vì trước đó, dự kiến đợi một năm sau khi xây giai đoạn 1, Hòa Phát mới làm giai đoạn 2. “Mục đích thay đổi là để sớm chớp lấy thời cơ”, ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hòa Phát, cho biết.
Nếu đi vào hoạt động (dự kiến cuối năm 2019), khu liên hợp này sẽ mang lại những ích lợi to lớn cho Hòa Phát. Đầu tiên, Hòa Phát sẽ nhảy vào sân chơi sản xuất và cung cấp HRC cho Việt Nam. Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, những năm trở lại đây, Việt Nam đều nhập hàng triệu tấn thép HRC. Mức độ nhập HRC luôn tăng, đạt 3,5 triệu tấn vào năm 2016 (tăng trên 25%). Sắp tới, theo dự báo từ Công ty Chứng khoán FPT (FPTS), nhu cầu HRC sẽ còn tăng cao do hàng loạt công ty đầu ngành tôn mạ như Hoa Sen, Nam Kim, Đông Á, Phương Nam... đều liên tục mở rộng nhà máy. Thậm chí, các tên tuổi lớn trong mảng thép dài như Hòa Phát, Pomina… cũng triển khai kế hoạch lấn sân sang tôn mạ. Chẳng hạn, tháng 4 năm ngoái, Hòa Phát xây dựng dự án tôn mạ với công suất 400.000 tấn/năm. Thời gian đi vào hoạt động của nhà máy này dự kiến sẽ từ cuối năm 2017. Pomina cũng vừa được cấp phép xây nhà máy tôn mạ ở Vũng Tàu, với tổng công suất 600.000 tấn/năm (tháng 2.2017).
Trong một thị trường sôi động như vậy, cung cấp HRC sẽ là một mảng kinh doanh nữa đối với Hòa Phát. Nhưng với chiến lược đẩy mạnh mảng ống thép lên thị phần 30% và đạt 12% thị phần tôn mạ vào năm 2020, Hòa Phát cho thấy tham vọng muốn quản trị tốt đầu vào, khép kín cả chuỗi sản xuất thép dẹt, sau khi đã thành công trong khép kín sản xuất thép dài.
Nếu triển khai khép kín chuỗi sản xuất thép dẹt, Hòa Phát có thể đạt được giá trị gia tăng cao ở nhiều công đoạn. Đối với mảng thép dài (thép xây dựng), theo đánh giá của Hiệp hội Thép Thế giới (WSA), tiềm năng thị trường vẫn lớn ở các nước đang phát triển, do nhu cầu đầu tư phát triển hạ tầng, bất động sản còn cao. Riêng Việt Nam là quốc gia tiêu thụ thép bình quân đầu người còn thấp (khoảng 180 kg/người) so với trung bình châu Á (267 kg/người) và thế giới (217 kg/người). Vì thế, tiêu thụ thép của Việt Nam hiện vẫn tăng trưởng hai con số.
Mặc dù Việt Nam trong nhiều năm qua được coi là “thừa thép”, nhưng thực tế chỉ thừa các chủng loại thép xây dựng thông thường, còn lại vẫn phải nhập siêu thép với giá trị hàng tỉ USD để phục vụ sản xuất đối với nhiều loại thép như thép hợp kim, thép cuộn cán nóng, thép tấm lá, thép không gỉ, thép chế tạo... Mới đây, Bộ Công Thương dự báo, Việt Nam sẽ thiếu hụt khoảng 17 triệu tấn thép vào năm 2020 và đến năm 2025, con số này có thể lên tới 22-25 triệu tấn. Vì vậy, Việt Nam vẫn phải đầu tư sản xuất thép, nhưng cân nhắc đầu tư quy mô, sản phẩm và công nghệ để kiểm soát môi trường và bảo đảm tính cạnh tranh khi sản phẩm ra thị trường. Đó cũng là phép tính của những công ty đầu ngành như Hòa Phát.
Khi dự án Dung Quất hoàn thành, Hòa Phát sẽ nâng khả năng sản xuất thép dài lên thêm 2 triệu tấn/năm. FPTS nhận thấy, việc gia tăng quy mô thép dài sẽ giúp Hòa Phát duy trì đà tăng trưởng cao. Bởi Khu liên hợp Sản xuất gang thép Hòa Phát ở Hải Dương hiện đã đạt 89% công suất thiết kế. Nghĩa là dư địa cho tăng trưởng sản lượng của nhà máy gang thép Hòa Phát chỉ còn khoảng 10%. Không có nhà máy mới, Hòa Phát sẽ khó lòng phát triển theo đà tăng trưởng cũ. Công nghệ lò cao ở nhà máy Dung Quất cũng sẽ hỗ trợ cho Hòa Phát trong tiết giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, tăng năng lực cạnh tranh...
Phải tăng tốc!
Trong dự án Dung Quất, về phương án sản xuất HRC, Hòa Phát ước dành 50% sản lượng HRC phục vụ sản xuất ống thép và tôn mạ của Hòa Phát; còn 1 triệu tấn HRC sẽ được bán ra thị trường. Vấn đề là giá HRC của Hòa Phát có đủ khả năng cạnh tranh với giá HRC nhập khẩu và giá HRC của Formosa không? Theo Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), lò cao của Formosa có dung tích lên tới 4.350m3, vượt xa dung tích lò cao nhất của Hòa Phát (700m3). Điều này giúp chi phí sản xuất HRC, phôi của Formosa thấp đáng kể so với các lò cao nội địa. Cũng cần biết, Formosa xây khu liên hợp gang thép ở Việt Nam từ năm 2008 mà giai đoạn 1 của dự án đã cần đến 10 tỉ USD và nếu hoàn thành trọn vẹn 2 giai đoạn, tổng công suất nhà máy Formosa có thể đạt tới 22,5 triệu tấn/năm. Nhưng điều trấn an cho Hòa Phát là Formosa tuyên bố chỉ xuất khẩu chứ không bán thép ở Việt Nam. Ngoài ra, còn rất nhiều trở ngại khác đối với Formosa trước khi hoàn thiện dự án.
Trên thực tế, giá rẻ hơn là lý do để thép ngoại ồ ạt tràn vào Việt Nam, trong cả những sản phẩm thép mà các nhà máy thép Việt Nam đủ khả năng đáp ứng thị trường. Từ năm 2015, theo số liệu từ WSA, Việt Nam đã trở thành quốc gia nhập siêu về thép, đứng thứ 2 thế giới, sau Mỹ. Điều này tạo ra sức ép cạnh tranh gay gắt cho thép nội địa, đồng thời phát sinh tình trạng thừa cung trong mảng thép dài (thép xây dựng) và phôi thép.
Trước tình trạng đó, để hỗ trợ ngành thép trong nước, từ năm 2016 Bộ Công Thương đã áp dụng biện pháp tự vệ đối với các loại thép nhập khẩu, như áp thuế 21,3% lên phôi thép, 13,9% với thép dài. Mới đây, từ tháng 3.2017, Việt Nam áp thuế cho thép dẹt nhập khẩu từ 3,17-38,34%. Chính sách bảo hộ này dự kiến sẽ kéo dài ít nhất 5 năm, mục đích để các doanh nghiệp thép Việt Nam có thời gian củng cố nội lực. Với chính sách bảo hộ từ Chính phủ, không riêng Hòa Phát mà nhiều doanh nghiệp thép Việt Nam đã có năm 2016 đầy ấn tượng. Chẳng hạn, Hoa Sen vượt kế hoạch doanh thu tới 25%, còn lợi nhuận tăng 130% so với niên độ trước đó. Thép Việt Ý, Thép Dana - Ý đều báo lãi đột biến.
Nhưng với lộ trình cam kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký, rào cản bảo hộ này sẽ phải dần xóa bỏ. Chẳng hạn, theo FTA giữa Việt Nam và Liên minh Á - Âu (VN-EAEU FTA) tối đa 7-10 năm tới, Việt Nam phải xóa bỏ hết các thuế về thép. Như vậy, doanh nghiệp Việt Nam gồm cả Hòa Phát chỉ có khoảng 10 năm để cải thiện năng lực cạnh tranh. Hòa Phát tuyên bố dồn mọi nguồn lực vào dự án Dung Quất và xem đây như động lực tăng trưởng sắp tới, gia tăng năng lực cạnh tranh. Đáng lưu ý, 50% vốn cố định của dự án là từ vốn tự có. Tại Đại hội đồng cổ đông, Hòa Phát đã nêu kế hoạch không chia cổ tức bằng tiền mặt để dùng tiền đầu tư dự án thép Dung Quất. Trên thực tế, không chỉ Hòa Phát, một số công ty lớn cũng đang dự tính nhiều phương án sản xuất thép. Chẳng hạn, Nghi Sơn từ năm 2008 đã được cấp phép đầu tư dự án Khu liên hợp Sản xuất gang thép Nghi Sơn (Thanh Hóa); còn Hoa Sen kỳ vọng ở dự án Cà Ná (Bình Thuận). Cả 2 dự án đều nằm ở khu vực đắc địa thuộc cảng nước sâu, trên hàng trăm hecta, đều cần hàng tỉ USD vốn đầu tư và có tổng công suất rất lớn. Như dự án Nghi Sơn có tổng công suất 7 triệu tấn/năm; Cà Ná 16 triệu tấn/năm. Chỉ khác là trong khi dự án Nghi Sơn trong tình trạng gần như dậm chân và Cà Ná bị tạm dừng, thì dự án Dung Quất của Hòa Phát lại tăng tốc với lộ trình hoàn thành sớm (chỉ sau 2 năm đầu tư).
Bài toán tài chính đã cản trở Nghi Sơn và lo ngại ô nhiễm môi trường là lý do để dự án Cà Ná tạm dừng bước. Ngay sự hiện diện của Formosa hiện vẫn đang bị phản đối kịch liệt cũng vì câu chuyện môi trường. Dự án Dung Quất liệu có vấp phải rủi ro môi trường hay không là vấn đề mà nhà đầu tư rất quan tâm. Đại diện Hòa Phát cho biết sẽ dành 20-30% chi phí của dự án cho xử lý nước và không khí. Đồng thời, kinh nghiệm điều hành nhà máy ở Hải Dương cũng là cơ sở để Hòa Phát thuyết phục cổ đông về vấn đề môi trường.
Ảnh: Hòa Phát
Một thách thức khác cho Hòa Phát là rủi ro nguyên liệu (quặng sắt, than, thép phế...). Hòa Phát tuy có lợi thế về chủ động được nguồn phôi nhưng vẫn phải nhập khẩu 90% thép phế, 100% than mỡ, 80% quặng sắt. Điều này đặt ra rủi ro tỉ giá và biến động giá nguyên liệu. Trong tương lai, khi dự án Dung Quất hoàn thành, sẽ tạo thách thức cho Hòa Phát trong việc tìm kiếm và đảm bảo ổn định nguồn nguyên liệu. Trong điều kiện của Việt Nam, lượng than không đạt chất lượng để luyện kim, thép phế không có.
Quặng sắt tuy đạt trữ lượng 1,3 tỉ tấn (nhiều nhất ở mỏ Thạch Khê, Quý Xa…), nhưng vì quy mô ngành thép còn nhỏ nên việc khai thác quặng sắt trở nên kém hiệu quả, đắt đỏ. Theo Hòa Phát, nhập khẩu nguyên liệu trong bối cảnh này lại ích lợi và ổn định hơn. Công ty cũng đã mua bảo hiểm khi nhập nguyên liệu để giảm các rủi ro tác động. Năm ngoái, Hòa Phát đã phải trả lại 2 mỏ quặng sắt ở Hà Giang vì nguyên nhân này. Đối với mỏ Thạch Khê, ông Trần Đình Long cho biết, Hòa Phát có đặt vấn đề khai thác quặng sắt tại đây nhưng chưa có kế hoạch tham gia góp vốn. Quan điểm của Hòa Phát là không cần thiết phải sở hữu hay chi phối, chỉ cần có nguồn cung cấp quặng sắt là được.
Hòa Phát dấn bước vào dự án Dung Quất còn có rủi ro tiềm ẩn về thương hiệu bị nguy hại nếu có trục trặc xảy ra. Đây là lý do gần đây tóc ông chủ của Hòa Phát bạc đi nhiều. Phép tính của Hòa Phát trong trung và dài hạn có như ý hay không cũng tùy thuộc vào tác động của những rủi ro nêu trên. Nhưng như ông Long hay nói: “Với doanh nghiệp, đứng lại là chết mà đi chậm cũng chết, phải tăng tốc thôi!”. Hòa Phát chỉ còn con đường tăng tốc và băng qua mọi rủi ro như một chiếc xe lu.
Nguồn tin: NCĐT