Tác động của việc Mỹ áp thuế với mặt hàng thép Trung Quốc và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tới ngành thép Việt Nam là không lớn do đặc thù ngành này đã có sẵn hàng rào thuế nhập khẩu và tự vệ thương mại được dựng lên từ các năm trước.
Có mặt tại thị trường Trung Quốc trong những ngày giữa tháng 7 vừa qua, ông Nguyễn Thanh Nghĩa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đại Thiên Lộc cho biết, chính sách của Trung Quốc nhằm đóng cửa các nhà máy thép tư nhân quy mô nhỏ có công nghệ lạc hậu đã phát huy tác dụng.
Để giảm ô nhiễm, Trung Quốc cắt tín dụng khiến hàng loạt nhà máy thép tư nhân có công nghệ lạc hậu buộc phải đóng cửa. Tuy nhiên, tỷ suất lợi nhuận của khâu sản xuất thượng nguồn, tức sản xuất phôi, thép cán nóng vẫn cao do nhu cầu của thị trường dồn vào các công ty sản xuất quy mô lớn, công nghệ hiện đại của nhà nước. Vì thế, theo ông Nghĩa, lo ngại về việc thép Trung Quốc bị ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tràn sang Việt Nam là thiếu cơ sở.
Theo báo cáo của Công ty Chứng khoản Bảo Việt, lượng thép sụt giảm từ các nước xuất khẩu khác vào Mỹ sẽ ít có khả năng chuyển hướng sang Việt Nam. Trung Quốc là đối thủ đáng lo ngại nhất, bởi đây là nước sản xuất thép lớn, có vị trí liền kề Việt Nam và hiện có khoảng 36% lượng thép nhập khẩu vào Việt Nam xuất xứ từ Trung Quốc. Mặc dù vậy, số lượng thép “chuyển hướng”, nếu có, dự báo không nhiều.
Lượng thép xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ hiện chỉ chiếm 2% sản lượng nhập khẩu của Mỹ và 1% sản lượng xuất khẩu của Trung Quốc. Lý do là từ sau năm 2014, Mỹ đã áp dụng 28 biện pháp thương mại để hạn chế thép Trung Quốc vào Mỹ.
Trong các thị trường nhập khẩu thép chính của Việt Nam thì Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan xuất khẩu thép chính vào Mỹ, bị ảnh hưởng bởi chính sách hạn chế nhập thép vào Mỹ. Nhưng tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ chỉ chiếm 5 - 12% trong cơ cấu xuất khẩu của các nền kinh tế này nên tác động cũng ở mức khiêm tốn.
Mặt khác, xuất khẩu thép của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan sang Việt Nam chủ yếu là các sản phẩm trong nước chưa có khả năng sản xuất, hoặc không đủ cung cấp (thép hợp kim, thép tấm lá, thép cuộn cán nóng…).
Trong khi đó, Việt Nam đã kịp xây dựng hàng rào thuế quan để ngăn chặn làn sóng thép nhập khẩu, trước tiên là từ Trung Quốc, trong hai năm qua.
Sản lượng xuất khẩu thép của Việt Nam vào Mỹ năm 2017 là 679.092 tấn, chiếm 2% tỷ trọng nhập khẩu thép của Mỹ. Về phía Việt Nam, xuất khẩu chiếm tỷ trọng 18% trong tổng sản lượng thép, trong đó xuất khẩu sang Mỹ chỉ chiếm 2% sản lượng sản xuất thép của Việt Nam.
Như vậy, có thể nói, tác động của việc Mỹ áp hàng rào thuế với mặt hàng thép Trung Quốc và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tới ngành thép Việt Nam là không lớn, do đặc thù ngành này đã có sẵn hàng rào thuế nhập khẩu và tự vệ thương mại được dựng lên từ các năm trước.
Với doanh nghiệp niêm yết như Hòa Phát và các doanh nghiệp thép xây dựng, mức độ ảnh hưởng trực tiếp là không đáng kể. Theo Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC), lượng xuất khẩu của Hòa Phát chiếm tỷ trọng rất thấp và doanh nghiệp này có vị thế đứng đầu ở sản phẩm thép dài.
Tuy nhiên, ảnh hưởng gián tiếp của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã nhìn thấy ngay khi tiêu thụ thép xây dựng, tôn thép trong nước đều chậm lại.
“Tâm lý người mua lo ngại không mua, còn bên bán thì muốn bán nhanh thu tiền về trước những rủi ro, vì thế giá giảm, nhu cầu cầu giảm”, ông Nghĩa nhận xét về tình hình thị trường thép tại Việt Nam trong hai tháng qua.
HSC trong bản tin ngày 16/7 cho biết, tháng 6 năm nay, sản lượng tiêu thụ thép của Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát, công ty chiếm thị phần thép xây dựng lớn nhất cả nước, giảm so với cùng kỳ năm ngoái cũng như tháng liền trước, chỉ đạt 148.822 tấn.
Ngoài lý do tính chu kỳ (tháng 6 mưa nhiều nên nhu cầu thép xây dựng giảm) thì giá bán giảm từ giữa tháng ảnh hưởng đến nhu cầu với sản phẩm thép do các đại lý chờ giá thép tăng trở lại trước khi mua hàng tồn kho.
HSC cho rằng, đây chỉ là thách thức trong ngắn hạn. Giá cổ phiếu HPG của Hòa Phát đã giảm khoảng 25% từ đỉnh 47.360 đồng/cổ phiếu vào đầu tháng 3, trong khi VN-Index giảm 25% trong cùng thời gian. HPG giảm mạnh còn do tác động của tranh chấp thương mại và lo ngại này theo HSC là hơi thái quá.
Theo HSC, dự án Dung Quất là động lực tăng trưởng chính của Hòa Phát. Dự kiến, nhà máy cán thép giai đoạn 1 sẽ đi vào hoạt động trong quý III/2018, tăng công suất thép xây dựng thêm 600.000 tấn (tăng 25%), giúp Công ty tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm và năm sau. Hiện tại, các nhà máy của Công ty đã hoạt động hết công suất.
Nguồn tin: Đầu tư chứng khoán