Các doanh nghiệp thép như “ngồi trên đống lửa” trước diễn biến căng thẳng của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Nguy cơ liên đới với thép Trung Quốc
Trong các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu, thép là sản phẩm bị kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp nhiều nhất, chiếm 37/78 vụ kiện chống bán phá giá và chiếm 3/4 vụ kiện điều tra chống trợ cấp.
Đây là thông tin được bà Nguyễn Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh trong một chương trình cập nhật thông tin về phòng vệ thương mại mới đây cho doanh nghiệp Việt.
Riêng từ đầu năm 2018 đến nay, Việt Nam có 3 vụ việc bị điều tra chống bán phá giá tại các thị trường Canada, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ. Trong đó, sản phẩm thép cuộn cán nguội của Việt Nam xuất sang Canada bị kiện đúp chống bán phá giá và chống trợ cấp, thời gian khởi kiện từ 25/5/2018.
Tại sao thép lại bị kiện nhiều và thường bị kiện đúp? Trả lời câu hỏi này, ông James Maeder, Quyền Vụ phó về thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp, Vụ Thực thi và Tuân thủ, Bộ Thương mại Mỹ cho rằng, vấn đề không nằm ở số lượng, mà “ở những vấn đề đằng sau đó”.
“Vấn đề đằng sau” mà đại diện Bộ Thương mại Mỹ nhắc đến chính là sự liên đới giữa hàng hóa Việt Nam và hàng hóa Trung Quốc. Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập, VCCI đã nhấn mạnh, tại thị trường nào sản phẩm của Trung Quốc bị kiện chống bán phá giá nhiều, sản phẩm của Việt Nam ít nhiều có sự liên đới.
TS. Cấn Văn Lực đã thẳng thắn chỉ ra một thực tế, sản phẩm thép của Trung Quốc hiện đang bị Mỹ đánh thuế rất cao, nên thay vì xuất khẩu sang Mỹ thì Trung Quốc đã xuất sang Việt Nam và từ đây “đội lốt” hàng Việt để xuất khẩu sang Mỹ.
Mỹ đã tiến hành điều tra và áp thuế đối với một số trường hợp thuộc dạng này, nên Việt Nam cần phải cẩn trọng. Cụ thể, cuối tháng 5/2018, Bộ Thương mại Mỹ đã ra lệnh áp thuế chống bán phá hơn 199% và thuế chống trợ cấp hơn 256% với thép cuộn cán nguội được sản xuất tại Việt Nam có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Chiến tranh thương mại: Ngành thép chịu tác động nhiều nhất
Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh thép Việt trở thành mục tiêu của các vụ điều tra lẩn tránh thuế, kèm theo đó, thép Trung Quốc đang bị nhiều nước áp thuế chống bán phá giá, thép Việt Nam có thể bị mang tiếng là thép Trung Quốc gia công qua loa rồi xuất khẩu sang các nước khác.
Hiệp hội Thép đã lên tiếng kiến nghị không cấp phép cho dự án sản xuất thép không gỉ cán nguội của Công ty Yong Jin Metal (Trung Quốc) tại Việt Nam với nguy cơ có thể làm gia tăng tình trạng này.
Theo ông Sưa, việc sử dụng công cụ bảo hộ thương mại sẽ tạo ra hàng rào thuế quan cản trở việc xuất khẩu thép của Việt Nam sang các nước, gây khó khăn cho việc xuất khẩu. Ngành thép sẽ phải đóng thêm một khoản chi phí, khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp thép sẽ giảm đi.
Để đảm bảo đà tăng trưởng tích cực của ngành thép (dự kiến 20 - 25% trong năm 2018), đại diện Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng, Nhà nước cần có những chính sách, biện pháp kiểm soát chặt nguồn thép nhập khẩu để bảo vệ các doanh nghiệp trong nước; tiếp tục thúc đẩy các chính sách phát triển kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô song song với ổn định lãi suất ngân hàng, tạo niềm tin cho doanh nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh khẳng định, chiến tranh thương mại Mỹ- Trung sẽ ảnh hưởng nhiều đến hàng hóa Việt Nam, đồng thời cảnh báo về nguy cơ hàng Trung Quốc tràn về Việt Nam.
Trong thời gian này, cần lưu ý vấn đề phòng vệ thương mại với hàng Trung Quốc, quan tâm hơn nữa đến quản lý nhà nước về xuất nhập khẩu, chính sách tạm nhập tái xuất của Việt Nam. Thép là một trong những sản phẩm có nguy cơ bị tác động nhiều nhất và bối cảnh này đòi hỏi sự quan tâm đồng bộ của nhiều bộ, ngành, không chỉ Bộ Công thương, mà còn cơ quan thuế, hải quan…
Trên thị trường chứng khoán, các nhà đầu tư cũng đã có phản ứng tức thì với diễn biến bất lợi của ngành thép. Giá cổ phiếu HPG (của Thép Hòa Phát) đã sụt giảm mạnh từ mức 60.600 đồng/cổ phiếu ngày 11/6 về giá 35.700 đồng/cổ phiếu ngày 9/7, tương đương mức giảm 41%.
Cùng thời gian này, cổ phiếu HSG (của CTCP Hoa Sen) rơi từ 13.300 đồng/cổ phiếu về gần bằng mệnh giá là 10.450 đồng/cổ phiếu, giảm 21,4%; cổ phiếu NKG (Thép Nam Kim) giảm từ 18.000 đồng/cổ phiếu về 13.900 đồng/cổ phiếu, tương đương mức giảm 22,7%...
Nguồn tin: Đầu tư chứng khoán