Chúng ta đã biết người Mỹ rất giỏi trong lĩnh vực tiền tệ, trong phần lớn các đợt khủng hoảng kinh tế thế giới và chiến tranh tiền tệ thì phần thắng thường thuộc về người Mỹ.
Cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997 xuất phát từ Thái Lan rồi lan sang các nước Châu Á khác mà điển hình của những vụ tấn công tiền tệ của giới đầu cơ Mỹ đã để lại hậu quả nặng nề và bài học kinh nghiệm cho nhiều nước Châu Á. Trong cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ gần đây, với việc phát minh ra một sản phẩm tài chính phái sinh mới và bán tài sản này với giá cao cho các nước khác trên thế giới, cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đã làm cho người dân và các tổ chức nước ngoài đã phải ngậm ngùi vì mua phải tài sản giá đắt mà họ cũng không thể tới Mỹ để “siết nợ” được. Hiện nay, với chiêu bài phản đối chính sách “ neo tỷ giá “ của đồng nhân dân tệ thì người Mỹ lại vô tình tạo ra một cuộc chiến tranh tiền tệ mà khả năng chiến thắng lại thuộc về người Mỹ.
Từ thế kỷ trước bằng trí thông minh và một chiến lược bài bản họ đã loại bỏ được chế độ bản vị vàng và đưa đồng đô la Mỹ trở thành đồng tiền chủ yếu trong giao dịch thương mại thế giới. Với thời hiện đại thì việc bóc lột và khai thác tài nguyên nước khác không nhất thiết phải dùng súng đạn, người Trung Quốc đã phải sản xuất hàng hóa với giá lao động rẻ, chịu hậu quả của ô nhiễm môi trường, và phải khai thác ngày càng nhiều tài nguyên của nước mình để bán cho nước Mỹ, thì với người Mỹ chỉ cần “in tiền” ra để mua số hàng hóa này mà không cần phải làm gì cả, cũng có khả năng những chiêu bài của Mỹ phàn nàn về thâm hụt thương mại, tình trạng thất nghiệp và phản đối chính sách tỷ giá của Trung Quốc chỉ là một màn kịch để người Mỹ có điều kiện in nhiều tiền hơn. Khi họ có được lý do hợp lý để in tiền thì người Mỹ lại có tiền để mang đi mua tài sản trên khắp thế giới.
Những đồng tiền có khả năng cạnh tranh với đô la Mỹ là EUR và đồng Yên Nhật thì cũng đã có những thời gian điêu đứng vì các chính sách tiền tệ khác nhau của người Mỹ nhằm tạo ra những thế bất lợi cho các đồng tiền này. Nhật Bản cũng đã bị rơi vào thập kỷ mất mát khi đồng Yên mạnh lên còn Châu Âu thì lại rơi vào khủng hoảng nợ công với điểm yếu cơ bản là sự khó thống nhất trong quan điểm điều hành tài chính tiền tệ chung của các nước khác nhau trong khối.
Các nước cũng đã nhận ra những sự bất lợi trong việc sử dụng đồng đô la Mỹ làm trong giao dịch thanh toán thương mại trên thế giới. Nhiều quốc gia đã đa dạng hóa kho dự trữ ngoại tệ của nước mình và một phần chuyển sang dự trữ bằng vàng. Trung Quốc là nước thiệt hại nhất đối với chính sách in thêm tiền của Mỹ, đồng nhân dân tệ tăng giá sẽ hạn chế sự tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc và kho dự trữ ngoại tệ USD khổng lồ của họ chưa kịp mang đi để chuyển hóa thành các dạng tài sản khác như vàng, tài nguyên khoáng sản thì nó đã bị mất giá.
Chắc chắn người Mỹ sẽ hiểu sự phản ứng của thế giới trước việc họ bơm thêm tiền vào nền kinh tế và có khả năng thời gian bơm tiền sẽ đẩy nhanh hơn dự kiến và sau đó là một thời gian để người Mỹ lấy lại lòng tin của các nước khác về một đồng USD mạnh, bởi hiện nay việc thay thế đồng tiền khác với USD làm đồng tiền chung của thanh toán thế giới khá bất tiện và không dễ dàng.
Việt Nam có thể là một trong số những nước bị ảnh hướng lớn nhất khi chiến tranh tiền tệ xảy ra. Trong khi đồng USD đang giảm mạnh trên thế giới thì đồng tiền VND lại mất giá so với USD nên VND lại càng trở nên mất giá hơn nữa so với các đồng tiền nước khác trên thế giới và đặt biệ là EUR và Nhân dân tệ, Yên Nhật. Hậu quả là chúng ta phải nhập khẩu hàng hóa với giá đắt hơn trước và gây ra lạm phát. Đồng thời với việc giảm giá đồng USD có hai mặt hàng rất quan trọng là vàng và dầu hỏa sẽ tăng giá.
Xăng dầu tăng giá sẽ dẫn tới nhiều mặt hàng khác tăng giá theo và việc tăng giá của vàng cũng gây thêm bất ổn tâm lý của người dân trong nước vốn có thói quen cất trữ vàng đề phòng sự mất giá của VND. Kết cục là lạm phát tăng và chính phủ lại phải siết chặt chính sách tiền tệ, trong khi nguồn vốn cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh vẫn đang thiếu và gây ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Người dân Việt Nam để bảo toàn tài sản của mình lại đổ xô đi mua vàng và USD và việc găm giữ các tài sản này không có lợi cho sản xuất kinh doanh vì đồng tiền không được đưa vào kinh doanh, hơn nữa người có nhu cầu cần USD để thanh toán xuất nhập khẩu thì lại không mua được và phải mua với giá ngày càng cao vì tâm lý chung là USD và vàng sẽ lên giá nên người mua thì nhiều và người bán thì ít. Một điều nữa cần đáng chú ý là phải hết sức cảnh giác với dòng tiền đầu tư từ nước ngoài, bởi họ có thể mang ngoại tệ vào đất nước chúng ta để mua tài sản và mua các doanh nghiệp cổ phần của chúng ta một cách dễ dàng và rẻ mạt khi mà chính sách cổ phần hóa ngày càng thông thoáng và quyền in tiền nằm trong tay họ.
Việt Nam cần có nghiên cứu cụ thể để có chính sách tiền tệ hợp lý, nhanh chóng đưa vàng và USD vào quản lý trong thị trường chính thức tuân theo quy luật cung cầu giống như các hàng hóa thông thường khác ( không nên để tồn tại chợ đen và các cơ sở khó kiểm soát) đa dạng hóa các loại ngoại tệ và cần xem xét một cách cẩn thận chính sách thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp của nước ngoài.
Nguồn: Vinacorp