Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Chính phủ đủ khả năng ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát

 Dù chỉ số giá tiêu dùng tháng 5/2018 tăng cao nhất trong 6 năm trở lại đây, nhưng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đủ khả năng và điều kiện kiểm soát kinh tế vĩ mô, tăng trưởng phấn đấu đạt 6,7%, lạm phát không vượt quá 4% như Nghị quyết Quốc hội đã giao.

Giá dịch vụ ăn uống tăng 0,88% trong tháng 5.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Người phát ngôn của Chính phủ, khẳng định điều này tại cuộc họp báo mới đây.

Thông báo về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2018, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết Chính phủ đánh giá kinh tế - xã hội nước ta tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2018 tiếp tục chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực. Đáng chú ý, nhiều địa phương đã năng nổ, chủ động tìm ra nhiều giải pháp, cách làm hay; có thể nói đã hình thành một không khí thi đua tăng trưởng, phát triển mới trên cả nước.

Tuy nhiên, tình hình kinh tế-xã hội vẫn còn không ít hạn chế yếu kém và khó khăn thách thức, cần tập trung giải quyết; thảo luận, bàn kỹ để đưa ra biện pháp, đối sách cụ thể.

Trong đó, dù nền kinh tế nhìn chung có dấu hiệu khởi sắc, phục hồi nhưng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 tăng 0,55% so với tháng trước, mức tăng cao nhất trong 6 năm trở lại đây (do tăng giá giao thông 1,72%, dịch vụ ăn uống 0,88%), tăng 3,86% so với cùng kỳ năm trước, tăng 1,61% so với tháng 12 năm trước.

Đây là mức tăng cao trong khi mục tiêu quan trọng của năm nay là ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đủ khả năng điều hành và kiểm soát lạm phát như mục tiêu.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cũng cho biết, quan điểm của Chính phủ là mục tiêu tăng trưởng có thể đạt được nhưng chúng ta vẫn phải bảo đảm giữ ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Chúng ta không được chủ quan, cần phải nỗ lực quyết tâm cao, cùng với những giải pháp đã đề ra, phấn đấu tăng trưởng kinh tế trên 6,7% nhưng phải bảo đảm kiểm soát lạm phát.

“Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu điều hành để làm sao lạm phát dưới 4% phải được quán triệt ở mọi cấp, mọi ngành, mọi địa phương. Tinh thần là không tăng giá điện trong năm nay; chỉ điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục, y tế nếu điều kiện cho phép, thời điểm phù hợp”, Người phát ngôn của Chính phủ cho biết.

Thủ tướng cũng yêu cầu điều tiết lượng cung tiền và chính sách tài khóa phù hợp, không để gây sức ép tăng giá lớn. Theo dõi sát diễn biến thị trường các mặt hàng nông sản, cân đối cung cấp các mặt hàng thiết yếu cho tiêu dùng như lúa gạo, thịt lợn, đường, muối... nhằm ổn định thị trường.

Cùng với đó, điều hành giá xăng dầu trong nước theo quy định sử dụng hợp lý quỹ bình ổn giá với liều lượng thích hợp giúp kiểm soát mặt bằng giá chung; theo dõi diễn biến vật liệu xây dựng và thị trường bất động sản, đặc biệt chú trọng tới quản lý giá thép, đảm bảo nguồn cung khi nhu cầu vật liệu cho xây dựng tăng cao; tiếp tục rà soát các dự án BOT, hoàn tất đàm phán với các nhà đầu tư và ngân hàng để điều chỉnh giảm phí BOT tại các trạm đã quyết toán theo nguyên tắc ưu tiên giảm giá hơn giảm thời gian hoàn vốn.

Trong điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định và tăng trưởng tích cực, cần tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, thúc đẩy tăng năng suất lao động, cải cách thể chế, cải cách doanh nghiệp (đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước), phát triển doanh nghiệp tư nhân, khởi nghiệp, cơ cấu lại nợ công... tiếp tục phấn đấu để đến năm 2020 có ít nhất một triệu doanh nghiệp như Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII đã đề ra.

Người phát ngôn của Chính phủ cũng cho biết thêm, trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô, Tổ chức đánh giá tín dụng Fitch dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,7% trong năm 2018, nhờ dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục tăng, sản xuất tiếp tục khởi sắc và tiêu dùng cá nhân tăng mạnh.

Fitch đánh giá Việt Nam sẽ tiếp tục là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương và trong số các nước có cùng mức xếp hạng “BB”. Fitch cải thiện xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam chủ yếu là do Chính phủ Việt Nam đã thực hiện tốt cam kết kiềm chế nợ công và cải cách doanh nghiệp nhà nước.

Cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ

Trước đó, việc chỉ số giá tiêu dùng tháng 5/2018 tăng cao nhất trong 6 năm trở lại đây, khiến không ít chuyên gia lo ngại. Để kiểm soát lạm phát ở mức 4%, nhiều chuyên gia tài chính cho rằng, những mặt hàng do Nhà nước định giá phải giãn hoặc lùi thời gian điều chỉnh để tránh tác động trực tiếp lên mặt bằng giá cả.

Theo Tổng cục Thống kê, CPI đầu năm tăng báo hiệu diễn biến khó lường của lạm phát năm 2018. Trong khi đó, những tháng còn lại của năm 2018 còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ có thể khiến lạm phát tăng cao.

Trước tình hình này, nhiều chuyên gia thương mại chia sẻ: Nếu muốn giữ mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức 4% năm 2018, thì từ nay tới cuối năm, dư địa tăng CPI không còn nhiều là một sức ép, là khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, có thể thấy những giải pháp mà Chính phủ đã xác định cũng rất phù hợp với khuyến nghị từ các chuyên gia.

“Cơ quan chức năng cần theo dõi tình hình lạm phát chặt chẽ để có biện pháp thích hợp, đặc biệt là về cung tiền. Nếu thời gian tới, lạm phát tiếp tục có xu hướng tăng thì cung tiền phải được giới hạn lại.”, TS.Nguyễn Trí Hiếu đề xuất.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam đề nghị: Cơ quan quản lý phải tính toán để giãn lùi thời gian điều chỉnh lộ trình giá thị trường đối với một số giá hàng hóa, dịch vụ Nhà nước còn định giá vào các thời điểm thích hợp để tránh cộng hưởng lan tỏa tăng giá gây ra.

“Trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải đảm bảo cân bằng cung - cầu hàng hóa; kiểm soát mức độ tăng của tổng phương tiện thanh toán. Nếu lạm phát có xu hướng quay trở lại sẽ khiến việc giảm lãi suất trở nên khó khăn hơn. Cùng với đó, ảnh hưởng tới sự ổn định của tỷ giá gây khó khăn cho sự điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa”, đại diện Hội Thẩm định giá Việt Nam nói.

Ngoài ra, Chính phủ cần có biện pháp mang tính quyết định, đó là vai trò hỗ trợ của Nhà nước để doanh nghiệp giảm chi phí, giá thành, làm giảm áp lực tăng giá thông qua việc tiếp tục cải cách hành chính, cắt bỏ điều kiện kinh doanh không hợp lý, rà soát các khoản thu không hợp lý để giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Nguồn tin: Chính phủ

ĐỌC THÊM