Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Chính quyền và doanh nghiệp

 
Vụ trưởng vụ Pháp chế bộ Công thương Trương Quang Hoài Nam thỉnh thoảng lại phải “đối đầu” với năm người em, vốn là chủ các doanh nghiệp tư nhân nhỏ về cách mà ông và đồng nghiệp soạn thảo các văn bản pháp luật mà đối tượng là họ. Những người em ruột này, ông kể, cứ có dịp sum họp gia đình, lại cùng đứng về một phe đả kích anh trai: “chính sách của ngành công thương của anh cứ lung tung phèng lên, chả ra sao cả”. Ông kể: “Các em tôi phê tôi lắm”. Nhưng khi ông hỏi ngược lại, sao các chú không góp ý, thì tất cả đều trả lời: “Thời gian đâu mà góp ý với anh”. Là các chủ doanh nghiệp nhỏ, các em ông đều làm tất cả mọi việc, từ quản lý, đàm phán hợp đồng, thủ quỹ, và kể cả bán hàng, tức là rất bận. Về phần mình, với vị trí là quan chức chủ chốt chắp bút cho nhiều chính sách liên quan đến doanh nghiệp ở một bộ kinh tế lớn nhất và ảnh hưởng nhất Việt Nam, bản thân ông Nam cũng rất bận rộn. Ông Nam và các em đều hiểu tình thế của nhau, nhưng những cuộc tranh luận kiểu như vậy vẫn luôn kéo dài khi họ có cơ hội gặp mặt gia đình.
 
Câu chuyện của ông Nam là một ví dụ rất điển hình về việc thiếu hợp tác giữa các cơ quan nhà nước, và cộng đồng doanh nghiệp trong việc xây dựng các văn bản pháp luật kinh doanh. Nhiều cơ quan nhà nước ban hành các chính sách liên quan đến vận mệnh của hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn doanh nghiệp mà không hề hỏi ý kiến của họ. Về phần mình, nhiều doanh nghiệp lại không có ý thức tham gia phản biện lại các chính sách đó trong quá trình soạn thảo. Kết cục là, trong không ít trường hợp, văn bản pháp luật đã không giữ được tinh thần chính của nó khi đi vào cuộc sống, ảnh hưởng đến cả Nhà nước và doanh nghiệp.
 
Mối quan hệ nhân quả của tình trạng này cũng gần với tình trạng “con gà và quả trứng”. Nhưng dù sao, người thiệt nhất vẫn là cộng đồng doanh nghiệp: họ không biết đến những văn bản mà họ là đối tượng áp dụng. Một khảo sát của viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) công bố đầu năm nay cho thấy, tới 80 – 90% trong gần 2.500 doanh nghiệp được hỏi không hiểu biết gì về các luật đầu tư, bảo hiểm, hải quan, hợp tác xã, môi trường, đất đai,… một tỷ lệ rất cao. Viện trưởng CIEM Đinh Văn Ân nhận xét: “Hiểu biết của doanh nghiệp về các luật và quy định của Nhà nước là rất khiêm tốn. Đáng lo là hiểu biết đó đang mất dần đi theo thời gian”.
 
Nhưng doanh nghiệp làm sao góp ý cho hết khi Nhà nước ban hành quá nhiều các văn bản pháp luật, mà theo thống kê của ông Trần Hữu Huỳnh, trưởng ban Pháp chế phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), tổng cộng lên tới gần 20.000. Chỉ riêng các văn bản liên quan đến các hoạt động kinh doanh có điều kiện cũng đã có tới khoảng 400. Giơ tay cao hết cỡ lên trên, ông nói: “Các văn bản đó chồng lên nhau đã cao quá đầu một ông doanh nghiệp. Thế thì làm sao họ có thời gian để đọc mà góp ý”.
 
Trong khi đó, vụ trưởng vụ Pháp luật văn phòng Chính phủ Phạm Tuấn Khải lại đổ lỗi cho doanh nghiệp: “Thái độ của các doanh nghiệp với các văn bản pháp luật là như thế nào? Họ cần thông tin từ Nhà nước, nhưng lại chưa cởi mở với với Nhà nước vì một số làm ăn chưa minh bạch và công khai. Họ sợ các chính sách”. Tuy vậy, ông Khải khẳng định tinh thần chung của Chính phủ là chính sách phải tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp.
 
Theo tinh thần này, Chính phủ đã cố gắng đưa ra can thiệp nhiều hơn nhằm tháo gỡ những vướng mắc cho doanh nghiệp. Theo thống kê của văn phòng Chính phủ, đã có tới 17.247 văn bản các loại, trong đó có 35 chỉ thị, 2.034 quyết định của Thủ tướng được ban hành chỉ riêng trong năm ngoái nhằm điều hành các hoạt động kinh tế, xã hội của đất nước. Các chuyên gia kinh tế của VCCI ghi nhận, nay thì cứ có chuyện gì liên quan đến pháp luật không giải quyết được ở cấp dưới, thì nhiều hiệp hội doanh nghiệp lại gửi ý kiến trực tiếp lên Thủ tướng.
 
Sau nhiều thăng trầm của lịch sử trong các thập niên trước, ngày nay Việt Nam có khoảng 270 ngàn doanh nghiệp tư nhân trong đó khoảng 96% là vừa và nhỏ. Làm sao tiếng nói của họ được tôn trọng trong quá trình các cơ quan nhà nước soạn thảo và ban hành các văn bản đến họ là điều rất đáng để nói. Nhưng những gì trên thực tế là gây quan ngại. Theo các nghiên cứu của VCCI phối hợp với một dự án do Mỹ tài trợ, chỉ có gần 9% doanh nghiệp dân doanh cho biết chính quyền tỉnh có tham vấn ý kiến của họ về những thay đổi về chính sách và pháp luật, trong khi có tới gần 63% tiết lộ phải có “quan hệ” để có được các tài liệu của tỉnh. Đây là vấn đề lớn trong bối cảnh các cấp chính quyền ở địa phương vẫn được quyền ban hành các văn bản pháp luật, song song với các bộ ngành Trung ương.
 
Về phần mình, những cuộc tranh luận về chính sách và cuộc sống của ông Nam với các em vẫn có thể chưa dừng lại. Đó là khía cạnh gia đình. Còn ở góc độ lớn hơn, ông hiểu cần phải làm gì. Ông nói: “Tôi thực sự mong muốn có tranh luận về các dự thảo chính sách pháp luật để tìm ra cách thức cho doanh nghiệp, nhưng thú thực khi soạn thảo các văn bản, tôi cũng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là về kinh phí (để phổ biến chúng). Về phần mình, các doanh nghiệp rất ít khi đưa ra tiếng nói của mình. Đó là lý do mà nhiều chính sách đưa ra đi ngược lại với mong muốn”.
 
(SGTT)

ĐỌC THÊM