Từ cuối tháng 10/2020, giá thép toàn cầu tăng mạnh (gồm thép nguyên liệu đến thép bán thành phẩm và thép thành phẩm) do mất cân đối về cung cầu, buộc nhiều nhà sản xuất thép thế giới không thể ngồi yên. Từ Nhật Bản tới Trung Quốc, SNG, Nga, Ấn Độ, Ai Cập… đều phải điều chỉnh giá bán sản phẩm của mình. Vậy chính sách giá thép của họ sẽ như thế nào khi bước sang năm mới 2021 này?
Tại Nhật Bản
Cuối năm 2020, hãng sản xuất thép lò điện hồ quang hàng đầu Nhật Bản, Tokyo Steel, đã thông báo rằng từ tháng 1/2021 họ sẽ nâng giá tất cả các sản phẩm thép của mình thêm 10.000 JPY (97 USD)/tấn. Giá thép cây sẽ tăng 16% lên 73.000 JPY/tấn, thép cọc ván hình chữ U tăng 11% lên 105.000 JPY/tấn, thép dầm hình chữ H tăng 12% lên 93.000 JPY/tấn.
Nguồn cung thế giới thiếu hụt khiến giá các sản phẩm thép ở nước ngoài tăng mạnh, trong khi giá nguyên liệu sản xuất thép cũng đi lên buộc các nhà sản xuất thép phải tăng giá, theo Tokyo Steel. Tại thị trường nội địa Nhật Bản, nguồn cung sản phẩm thép cũng khan hiếm trong khi hoạt động xây dựng được cải thiện và đã giảm bớt lượng thép tấm dự trữ.
Tại Trung Quốc
Để phù hợp với xu hướng giá thép HRC tại các nơi trên thế giới gần đây đều tăng nhanh, Baoshan Iron & Steel Co (Baoshan Steel) thuộc Tập đoàn thép Baowu (Trung Quốc) đã nâng giá tất cả các sản phẩm thép chủ chốt của mình kể từ tháng 1/2021, với mức tăng từ 300 đến 800 CNY/tấn. Đây là lần thứ 2 liên tiếp thông báo tăng giá niêm yết đối với thép HRC thêm 400 CNY (61 USD)/tấn đối với các đơn hàng giao dịch kể từ tháng 1/2021.
Tại Trung Quốc, nhu cầu các sản phẩm thép (gồm HRC) rất mạnh trong khi tồn trữ thép HRC lại rất thấp. Tính đến tháng cuối cùng của năm 2020, tồn trữ loại thép này ở các kho hàng của 33 thành phố Trung Quốc giảm 522.000 tấn so với một tháng trước đó, chỉ còn 2,2 triệu tấn, mặc dù con số đó vẫn cao hơn 422.000 tấn so với cùng kỳ năm trước, theo số liệu của Mysteel.
Tại Ấn Độ
Trên thị trường Ấn Độ, giá thép HRC đã tăng lên 52.000 rupee/tấn vào tháng 11/2020 so với mức 37.400 rupee/tấn hồi tháng 7/2020; thép cây dùng trong lĩnh vực xây dựng cũng đã lên tới 50.000 rupee/tấn.
Cuối tháng 12/2020, Hiệp hội thép Ấn Độ đã gửi thư tới Thủ tướng Narendra Modi, đề nghị Chính phủ cấm xuất khẩu quặng sắt trong vòng 6 tháng và giải thích rằng, sự thiếu hụt thép tạm thời sau giai đoạn gián đoạn hoạt động vì Covid-19 khiến giá thép quốc tế tăng lên hơn 750 USD/tấn từ mức đáy 397 USD/tấn hồi đầu năm 2020. Ấn Độ là nền kinh tế mở nên giá thép cũng phải tăng theo giá của thế giới. Bên cạnh đó, giá thép trên thị trường trong nước tăng còn do chi phí nguyên liệu tăng cao, theo ông Bhaskar Chatterjee, Tổng thư ký Hiệp hội thép Ấn Độ.
Ông Bhaskar Chatterjee cũng đề cập giá quặng sắt đã tăng hơn gấp đôi từ 1.960 rupee/tấn lên 4.160 rupee/tấn từ tháng 6 - tháng 12/2020. Còn từ tháng 4 – tháng 10/2020, sản lượng quặng sắt Ấn Độ đã đạt 92,08 triệu tấn, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2019; xuất khẩu mặt hàng này còn tăng mạnh hơn, với mức tăng 70,3% lên 29,2 triệu tấn trong nửa đầu tài khóa hiện tại.
Nguồn tin: Vinanet