Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Chính sách tài chính cho phát triển vùng kinh tế

 Phát triển vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) là đặc biệt cần thiết đối với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam hiện nay.

Thu NSNN trên địa bàn các vùng KTTĐ giai đoạn 2010-2015 chiếm 84% tổng thu
cả nước, cao hơn nhiều so với tỷ lệ 70,3% của giai đoạn 1998-2010. Ảnh: ST.

Thời gian qua, nhiều ưu đãi theo khu vực, địa bàn, đối tượng,… được chủ động ban hành, song về cơ bản vẫn chưa cụ thể, rõ ràng. Đưa ra một hệ thống chính sách tài chính thống nhất, toàn điện để thúc đẩy phát triển các vùng KTTĐ là một trong những nhiệm vụ cần được chú trọng trong giai đoạn tới.

Ưu đãi đặc thù

Ở nước ta, 4 vùng KTTĐ gồm Bắc Bộ, miền Trung, phía Nam và Đồng bằng sông Cửu Long, có tổng diện tích chiến 27,42% diện tích cả nước, dân số chiếm 51,27% cả nước. Thời gian qua, các vùng KTTĐ đã có những đóng góp đáng kể. Tỷ trọng GDP của các vùng KTTĐ so với cả nước đã tăng từ 51% năm 2003 lên khoảng 70% GDP giai đoạn 2010-2015. Đóng góp vào NSNN năm 2015 gấp 1,37 lần năm 2010. Thu NSNN trên địa bàn các vùng KTTĐ giai đoạn 2010-2015 chiếm 84% tổng thu cả nước, cao hơn nhiều so với tỷ lệ 70,3% của giai đoạn 1998-2010. Tốc độ tăng thu NSNN của các vùng cũng cao hơn trung bình cả nước 2-3%. Sự phát triển đó của các vùng KTTĐ có sự hỗ trợ không nhỏ từ các cơ chế, chính sách tài chính.

Theo TS. Nguyễn Viết Lợi - Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính, Bộ Tài chính, nhiều cơ chế, chính sách tài chính được ban hành nhằm phát triển các vùng kinh tế thông qua những ưu đãi theo khu vực, địa bàn, đối tượng,… mà các tỉnh thuộc vùng hoặc vùng KTTĐ đạt tiêu chí và được hưởng các chính sách đó.

Đầu tiên là các chính sách ưu đãi thuế, trong đó các khu kinh tế, các dự án thuộc địa bàn kinh tế- xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, các dự án thuộc một số lĩnh vực ưu tiên phát triển được áp dụng mức ưu đãi cao hơn so với các dự án bên ngoài khu kinh tế và ngoài địa bàn, khó khăn và đặc biệt khó khăn. Có thể kể đến như: Giảm 50% thuế TNCN cho người Việt Nam và người nước ngoài làm việc tại khu kinh tế, không áp thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ sản xuất, tiêu thụ trong khu phi thuế quan thuộc khu kinh tế, hàng hóa, dịch vụ NK từ nước ngoài vào khu phi thuế quan thuộc khu kinh tế; các loại hàng hóa được sản xuất, tiêu thụ trong khu phi thuế quan (trừ ô tô dưới 24 chỗ) thuộc khu kinh tế không phải chịu thuế TTĐB; miễn thuế XNK cho hàng hóa từ khu phi thuế quan thuộc khu kinh tế XK ra nước ngoài hoặc NK từ nước ngoài vào khu phi thuế quan thuộc khu kinh tế và chỉ sử dụng trong khu phi thuế quan, hàng hóa đưa từ khu phi thuế quan này sang khu phi thuế quan khác,…

Về phân bổ NSNN, bên cạnh những cơ chế, chính sách áp dụng chung cho tất cả các địa phương, đã có một số chế độ đặc thù được ban hành áp dụng riêng cho một số vùng kinh tế và cũng có những cơ chế, chính sách tài chính áp dụng riêng cho một số địa phương trong các vùng KTTĐ nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đẩy mạnh phát triển các ngành chủ lực, là thế mạnh phát triển của vùng. Ngoài ra, còn có chính sách riêng cho các thành phố, trực thuộc Trung ương; hệ thống các cơ chế riêng cho từng địa phương tập trung vào mức bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương, thưởng vượt thu;…

Các phương thức huy động các nguồn vốn cho đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật khá đa dạng. Nguồn vốn được huy động từ ngân sách địa phương, vốn hỗ trợ có mục tiêu của ngân sách Trung ương, phát hành trái phiếu công trình, vốn ODA, tín dụng ưu đãi, thu hút hợp tác theo hình thức công-tư,…

Chưa đủ động lực

Thực tế, tuy các cơ chế, chính sách tài chính cho phát triển kinh tế vùng đạt được một số thành tựu quan trọng song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, còn thiếu hợp lý, mang tính “dàn đều” hoặc chưa đủ mạnh để tạo lợi thế cạnh tranh cho vùng kinh tế.

Chứng minh cho điều này, TS. Cao Ngọc Lân - Trưởng ban Phát triển vùng, Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phân tích: Số lượng các tỉnh, thành phố nộp ngân sách Trung ương còn thấp, hiện nay chỉ có 13 địa phương trong khi các địa phương phụ thuộc vào ngân sách Trung ương lại quá lớn, chiếm tới 80-90% ngân sách địa phương. Bên cạnh đó, các chính sách tài chính cụ thể cho từng vùng vẫn thiếu. Hiện nay, các chính sách ưu đãi thuế, phí, lệ phí chưa phân biệt theo vùng, chưa gắn với việc phát huy tiềm năng thế mạnh và khắc phục giảm thiểu khó khăn mà các vùng đang phải đối mặt. Ở khía cạnh khác, cơ cấu chi NSNN còn chưa thực sự hợp lý để tạo thành động lực phát triển vùng. Các chính sách ưu đãi cho các vùng KTTĐ, khu kinh tế, tam giác phát triển, hành lang kinh tế,… có nhưng chưa vượt trội so với các vùng khác để tạo sự kích thích, đột phá trong thu hút đầu tư hay thu hút sự tham gia của các đối tác chiến lược nước ngoài từ đó tạo ra động lực phát triển mạnh hơn cho vùng.

Thiếu vắng một hệ thống chính sách riêng cho vùng kinh tế; chưa xây dựng được hệ thống chính sách tài chính để huy động nguồn lực theo kiểu liên kết vùng nhằm tập trung đầu tư hệ thống hạ tầng kết nối các địa phương trong vùng và giữa vùng KTTĐ với các vùng lân cận. Ngoài ra, chính sách ưu tiên cấp ngân sách cho các địa phương trong vùng kinh tế cũng như vùng KTTĐ chưa thực sự trở thành nguồn tài chính đủ mạnh để thực hiện các dự án có tính chất liên vùng, làm giảm tính chủ động ngân sách của các địa phương trong vùng.

Nguyên nhân có thể do định hướng phát triển các vùng KTTĐ chưa rõ ràng dẫn đến việc khó ban hành chính sách tài chính riêng cho các vùng. Bất cập trong chính sách phân bổ ngân sách đối với các vùng, các chính sách ưu đãi về đất đai, chính sách thu hồi công nghệ, chính sách phát triển nguồn nhân lực,… tại các vùng KTTĐ chưa tạo ra được động lực thu hút nguồn lực vào các lĩnh vực cần tạo ra sự đột phá. Để giải quyết cần có những giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách, trong đó có chính sách tài chính nhằm tạo động lực thúc đẩy các vùng phát triển, từ đó tạo động lực lan tỏa để lôi kéo các vùng khác cùng phát triển.

Để có thể xây dựng và triển khai hiệu quả các giải pháp khuyến khích phát triển vùng KTTĐ, việc hình thành một hệ thống chính sách tài chính toàn diện là cần thiết. Đặc biệt, các cơ chế, chính sách, giải pháp tài chính được đưa ra phải đảm bảo tính ổn định, phù hợp với từng giai đoạn phát triển chiến lược của đất nước; cắt giảm tối đa các quy định phiền hà; phân cấp, phân quyền rõ ràng, minh bạch,…

Đưa ra gợi ý, PGS.TS. Đặng Văn Thanh - Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam cho rằng: Cần thành lập Ban Chỉ đạo phát triển vùng với nhiệm vụ kết hợp, hướng dẫn, điều phối, yểm trợ, giám sát các công tác thực hiện quy hoạch và kế hoạch phát triển vùng dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Cùng với đó là thành lập Quỹ Phát triển kinh tế vùng có như một định chế phát triển đầu tư tín dụng, có tư cách pháp nhân, hạch toán kinh tế độc lập, có sự thỏa thuận và giám sát về mặt chính sách, chế độ của Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước. Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành liên quan cùng các địa phương trong từng vùng tiến hành rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch phát triển. Từ đó xây dựng và vận hành hệ thống chính sách tài chính toàn diện, tạo đòn bẩy cũng như động lực lan tỏa giữa các địa phương trong vùng kinh tế.

Phân bổ ngân sách phải theo trọng điểm, đột phá

Đứng từ phương diện “người trong cuộc”, TS. Nguyễn Viết Lợi cho rằng, giai đoạn tới, các cơ chế tài chính, nhất là các chính sách ưu đãi về thuế, đất đai,… cần hướng vào các khu kinh tế, đẩy mạnh sự phát triển của các vùng KTTĐ. Việc hoàn thiện cơ chế để khuyến khích các thành phần kinh tế, kể cả nguồn lực ngoài nước tham gia đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông liên kết vùng,… cần được triển khai. Một giải pháp đặc biệt quan trọng là chính sách ưu tiên phân bổ NSNN phải mang tính trọng điểm, đột phá hơn để tạo thêm nguồn lực đầu tư cho dự án hạ tầng kinh tế- xã hội của địa phương. Để làm được, các vùng KTTĐ phải có định hướng phát triển rõ ràng, có chiến lược làm cơ sở hoạch định chính sách phù hợp. Phần quy hoạch này phải có sự quyết liệt từ Trung ương để làm định hướng cho các vùng, các địa phương nắm bắt, xây dựng đảm bảo hài hòa lợi ích chung, tránh phân tán, cục bộ.

Nguồn tin: Hải quan

ĐỌC THÊM