Chiều nay (20/10), Quốc hội Khoá XII, Kỳ họp thứ 6 tiếp tục làm việc tại Hội trường, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên điều khiển phiên họp.
Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh báo cáo về tình hình thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước năm 2009; dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2010.
Năm 2009 Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, lũ lụt và tác động của suy thoái kinh tế thế giới, xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, giá dầu thô diễn biến bất thường sau 7 tháng kinh tế bị suy giảm. Đến tháng 2/2009, nền kinh tế Việt Nam đã chạm đáy và có xu thế phục hồi, tăng trưởng kinh tế quý sau cao hơn quý trước, dự kiến cả năm có thể đạt ở mức trên 5%, vốn đầu tư toàn xã hội đạt 42,6% GDP; chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 7%; tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 390.650 tỷ đồng, bằng 100,2% dự toán (vượt 750 tỷ đồng); chi ngân sách Nhà nước ước đạt 533.005 tỷ đồng, tăng 8,5% so với dự toán.
Đạt được kết quả trên là sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, song phải kể đến sự thực thi chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ khá linh hoạt của Chính phủ đã được Quốc hội thông qua nhằm chống suy giảm, phục hồi sự tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội. Bao trùm nhất của chính sách tài khóa năm 2009 là tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp bằng chính sách miễn, giảm, giãn thuế và hoàn thuế, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, đồng thời Chính phủ đã sử dụng một lượng tiền khá lớn từ Quỹ dự trữ ngoại hối Nhà nước để hỗ trợ lãi suất cho sản xuất kinh doanh nhằm tháo gỡ khó khăn, hạ giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường; Tăng mức chi tiêu của Chính phủ cho đầu tư XDCB, nhằm góp phần kích hoạt nền kinh tế; Chính sách tài khóa cũng hướng vào kích cầu tiêu dùng trong dân cư thông qua tăng lương và tăng chi cho các chương trình an sinh xã hội.
Cùng với chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ cũng được thực hiện nới lỏng có mục tiêu, có kiểm soát, khống chế mức tăng trưởng tín dụng hợp lý, tăng cường quản lý ngoại hối, giữ vững ổn định tỷ giá hối đoái trong biên độ cho phép, sử dụng công cụ lãi suất khá linh hoạt, phối hợp khá tích cực với chính sách tài khóa tạo nên sự đồng bộ giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.
Chính sách tài chính - tiền tệ năm 2009 đã tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế và thực hiện dự toán thu, chi ngân sách. Mặc dù trong điều kiện kinh tế còn khó khăn nhưng số thu ngân sách Nhà nước vẫn đạt và vượt dự toán. Việc thực hiện chính sách miễn, giảm, giãn thuế, tuy có làm giảm số thu ngân sách trên địa bàn nhiều địa phương nhưng Chính phủ đã tích cực chỉ đạo triển khai thực hiện nhiều biện pháp, kiên quyết chỉ đạo và đôn đốc thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước.
Sau khi nghe báo cáo do Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh trình bày, Quốc hội đã nghe Báo cáo thẩm tra tình hình thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước năm 2009; dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2010 do Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban tài chính, ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày.
Báo cáo thẩm tra cơ bản nhất trí với đánh giá của Chính phủ về những kết quả của chính sách tài chính - tiền tệ năm 2009 đã đạt được. Tuy nhiên, theo Uỷ ban tài chính - Ngân sách, chính sách tài chính - tiền tệ năm 2009 vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, đó là chưa tận dụng được cơ hội và tạo đòn bẩy để bước đầu chuyển đổi và cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng tích cực; gói kích thích kinh tế của Chính phủ còn mang tính bình quân và dàn đều, chưa xác định rõ trật tự ưu tiên, triển khai nhiều mục tiêu nhưng giải ngân còn chậm; tình trạng khó tiếp cận với chính sách của một số đối tượng ở khu vực nông nghiệp, nông thôn và nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đã phần nào làm giảm hiệu quả của chính sách tài chính năm 2009. Một thực tế là lượng vốn lớn được đưa vào nền kinh tế nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa cao, làm cho hệ số ICOR tăng lên; chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ cùng được nới lỏng sẽ làm tăng nguy cơ tiềm ẩn của lạm phát trong giai đoạn tới.
Báo cáo thẩm tra cũng chỉ ra một số hạn chế trong công tác lập dự toán như thu nội địa vẫn tồn tại tình trạng chưa sát với thực tế và tiềm năng kinh tế của từng địa phương…
Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị xây dựng dự toán cần dựa trên một số điều chỉnh trong chính sách tài khóa, theo đó, việc tiếp tục thực hiện một số chính sách kích thích kinh tế trong giai đoạn phục hồi kinh tế là cần thiết, song cần điều chỉnh theo hướng: Không thực hiện kích thích kinh tế mang tính dàn đều, bình quân như hiện nay mà nên chuyển sang kích thích có trọng tâm, trọng điểm, tập trung nguồn lực để cơ cấu lại nền kinh tế; đưa nền kinh tế phát triển theo chiều sâu và bền vững hơn. Tiếp tục cơ cấu lại chi ngân sách Nhà nước theo hướng tập trung đầu tư cho con người, đảm bảo an sinh xã hội, an ninh quốc phòng, chú trọng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn…
Luật Thuế tài nguyên giúp nâng cao nhận thức về nguồn tài nguyên quốc gia
Cũng trong chiều 20/10, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh, thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình dự án Luật Thuế tài nguyên.
Dự án Luật Thuế tài nguyên do Chính phủ soạn thảo gồm 4 chương, 12 điều quy định đối tượng chịu thuế; người nộp thuế; căn cứ tính thuế; kê khai, nộp thuế; miễn, giảm thuế tài nguyên.
Luật Thuế tài nguyên được soạn thảo trình Quốc hội thông qua lần này nhằm thay thế Pháp lệnh thuế tài nguyên (sửa đổi) được Uỷ ban thường vụ Quốc hội ban hành năm 2008) và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung Điều 6 Pháp lệnh Thuế tài nguyên (năm 2008), qua hơn 10 năm thực hiện, một số quy định trong Pháp lệnh không còn phù hợp với tình hình thực tiễn.
Theo Tờ trình của Chính phủ, việc ban hành Luật Thuế tài nguyên sẽ góp phần hoàn thiện và đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật về thuế; đồng thời thể hiện vai trò sở hữu của Nhà nước đối với tài nguyên. Việc ban hành Luật Thuế tài nguyên cũng xuất pháp từ yêu cầu quản lý kinh tế - xã hội của Nhà nước. Theo đó, Nhà nước phải có chính sách quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển bền vững kinh tế - xã hội. Việc tăng cường công tác quản lý, thu thuế tài nguyên cũng sẽ góp phần tăng thu cho ngân sách để có nguồn kinh phí cho việc cải tạo môi trường; xây dựng, sửa chữa hạ tầng quanh khu vực khai thác, nâng cao nhận thức xã hội về vai trò của nguồn tài nguyên quốc gia.
Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cũng đồng tình với quan điểm của Chính phủ về việc cần ban hành Luật Thuế tài nguyên thay thế Pháp lệnh hiện hành. Tuy nhiên, theo Uỷ ban Tài chính - Ngân sách, đối chiếu với mục tiêu, yêu cầu đặt ra thì Dự thảo luật vẫn cần tiếp tục hoàn chỉnh một số điểm như: Thứ nhất, quy mô sửa đổi, bổ sung cần được mở rộng hơn để thực sự đáp ứng yêu cầu nâng pháp lệnh thành luật; Thứ hai, nội dung của Dự thảo luật chưa bảo đảm tính cụ thể, cần sửa đổi theo hướng chi tiết, rõ ràng hơn.
Ủy ban Tài chính - Ngân sách tán thành với thời điểm Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2010. Việc sớm ban hành và đưa vào thực thi Luật Thuế tài nguyên sẽ góp phần quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả, hợp lý nguồn tài nguyên, tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.
Dự án Luật Thuế tài nguyên dự kiến sẽ được Quốc hội khoá XII thông qua tại Kỳ họp lần này.
Ngày mai (21/10), buổi sáng các đại biểu sẽ thảo luận ở tổ về dự án Luật Thuế tài nguyên. Buổi chiều, Quốc hội làm việc tại Hội trường, nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và thảo luận về dự thảo Luật Người cao tuổi và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật người cao tuổi../.
VOV