Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Chính sách tiền tệ - công cụ hữu hiệu kiểm soát phục hồi kinh tế

Trong khi Ấn Độ, Australia, Malaysia, Na Uy, Brazil... thắt chặt chính sách tiền tệ do lo ngại lạm phát, thì Mỹ, Nhật Bản và khu vực đồng Euro lại chưa thể làm như vậy

Cho đến nay một số ngân hàng trung ương ở châu Á đã bắt đầu ngừng sử dụng chính sách nới lỏng tiền tệ trong bối cảnh nền kinh tế ở các nước này đã phục hồi và các rủi ro lạm phát đang ngày càng tăng. Mới đây, Malaysia và Ấn Độ đã tăng tỷ lệ lãi suất chính sách lần đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Trong khi đó, Australia đã tăng lãi suất 4 lần liên tiếp.

Trong số các nước châu Á, Ấn Độ là nước đi đầu trong việc thắt chặt tiền tệ để đối phó với nguy cơ lạm phát. Hôm 19/3, Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) cho biết RBI sẽ tăng lãi suất tái chiết khấu từ 4,75% lên 5%. Quyết định này có hiệu lực ngay lập tức kể từ ngày công bố.

Đây là lần đầu tiên Ngân hàng Trung ương Ấn Độ tăng lãi suất tái chiết khấu kể từ tháng 7/2008. Vào tháng 10/2008, RBI đã phải giảm lãi suất để đối phó với tình trạng suy thoái kinh tế do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Kể từ tháng 10/2008 cho đến tháng 4/2009, RBI đã cắt giảm lãi suất này nhiều lần, với mức cắt giảm tổng cộng lên tới 4,25%. Sau đó, lãi suất này đã được giữ ổn định ở mức 4,75%.

Ở Ấn Độ, do nhu cầu nội địa lớn và do tình trạng hạn hán hồi năm ngoái, giá cả lương thực và một số mặt hàng khác đã tăng và làm tăng nguy cơ lạm phát. Trong bối cảnh này, RBI đã chuyển sang thắt chặt chính sách tiền tệ.

Trong một thông báo phát hành cùng ngày, RBI lý giải việc tăng lãi suất như sau: “Sự tăng giá nhanh chóng của các mặt hàng không phải là lương thực cũng như các mặt hàng nhiên liệu trong những tháng gần đây đã trở thành một mối lo ngại thực sự”.

Quyết định tăng lãi suất tái chiết khấu được đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế đã đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 6% trong quý IV/2009 và trong tháng 2/2010, chỉ số giá bán buôn (chỉ số giá chủ chốt ở nước này) tăng 9,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trước đó, vào đầu năm 2010, cả Ấn Độ và Trung Quốc đều tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Tuy nhiên, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc vẫn chưa tăng lãi suất cơ bản.

Sau Ấn Độ, ngày 4/3, tại phiên họp của Ủy ban Chính sách Tiền tệ, Ngân hàng Trung ương Malaysia (BNM) đã quyết định tăng lãi suất chính sách qua đêm từ 2% lên mức 2,25%.

Đây là lần đầu tiên BNM tăng lãi suất này trong vòng 4 năm qua. Điều này thể hiện sự thay đổi quan điểm từ chính sách tiền tệ nới lỏng sang chính sách tiền tệ thắt chặt hơn của ngân hàng trung ương nước này trong bối cảnh kinh tế Malaysia đang phục hồi.

Malaysia là nước thứ 2 ở Đông Nam Á tăng lãi suất sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Trước đó, vào tháng 12/2009, Việt Nam đã tăng lãi suất cơ bản.

Vào tháng 11/2008, Malaysia đã phải giảm lãi suất do những tác động mạnh của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Sau đó, BNM đã 2 lần giảm lãi suất vào các tháng 1 và 2/2009, với mức cắt giảm tổng cộng lên tới 1,5 %. BNM đã giữ nguyên mức lãi suất thấp 2% kể từ tháng 2/2009.

Malaysia đã tăng lãi suất trong bối cảnh nhu cầu nội địa ở nước này đã tăng nhờ các biện pháp kích thích kinh tế của Chính phủ và kim ngạch xuất khẩu hồi phục.

Trong quý IV/2009, GDP thực tế của nước này đã tăng 4,5%. Đây là lần đầu tiên chỉ số này tăng trong vòng 1 năm qua. Mặc dù trong tháng 1/2010, chỉ số giá tiêu dùng của Malaysia chỉ tăng 1,3% so với cùng kỳ năm trước nhưng những diễn biến mới trên buộc BNM phải thay đổi chính sách tiền tệ.

Tuy nhiên, ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Australia mới là nước đầu tiên bắt đầu thực thi chiến lược lối thoát nhằm chuyển hướng chính sách tiền tệ, dù Ấn Độ là nước đi đầu châu Á trong việc thắt chặt tiền tệ .

Ngày 2/3, Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA) đã quyết định tăng lãi suất chính sách lên 4%. Đây là lần thứ 3 kể từ tháng 10/2009, RBA tăng lãi suất này.

Cho đến khi RBA cắt giảm lãi suất chính sách lần đầu tiên vào tháng 9/2008 trước khi ngân hàng đầu tư Lehman Brothers của Mỹ sụp đổ, lãi suất này vẫn đứng ở mức 7,25%. Sau đó, lãi suất này tiếp tục được cắt giảm cho đến mức 3% vào tháng 4/2009.

Tuy nhiên, khi nền kinh tế nước này bắt đầu hồi phục, Ngân hàng Trung ương Australia đã nhanh chóng chuyển hướng chính sách tiền tệ. Thống đốc RBA Glenn Stevens cho biết ban lãnh đạo RBA đã quyết định rằng do nền kinh tế Australia đã phục hồi trở lại, cần tăng lãi suất lên gần mức trung bình. Quan điểm chủ đạo trên thị trường hiện nay là lãi suất chính sách cần được tăng lên hơn 5% trong thời gian từ nay tới quý I/2011.

Sau khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bùng nổ vào mùa Thu năm 2008, nhiều nước đã đưa ra các gói kích cầu khổng lồ và bơm các khoản tiền lớn vào thị trường và thực thi chính sách tiền tệ nới lỏng.

Nay, trong bối cảnh một số nền kinh tế bắt đầu phục hồi, các biện pháp nới lỏng tiền tệ đã gây ra quan ngại về những ảnh hưởng tiêu cực như hiện tượng “bong bóng” bất động sản.

Giống như Australia, Na Uy là một trong những nước đầu tiên chuyển sang chính sách tiền tệ thắt chặt khi tăng lãi suất vào tháng 10/2009. Tương tự, vào đầu năm nay, Brazil cũng tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng thương mại.

Tuy nhiên, các nền kinh tế công nghiệp phát triển chủ chốt vẫn chưa phục hồi hoàn toàn, và vì vậy, chưa thực thi chiến lược lối thoát. Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Ben Bernanke gần đây cho biết tình hình kinh tế hiện nay có thể là lý do khiến FED tiếp tục giữ nguyên lãi suất liên bang ở mức cực thấp trong một thời gian nhất định.

Các nền kinh tế khu vực đồng Euro không thể bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ trong tương lai gần do cuộc khủng hoảng tài chính ở Hy Lạp và các nhân tố khác.

Trong khi đó, đối với Nhật Bản - nước vẫn đang lâm vào tình trạng thiểu phát, trong phiên họp Hội đồng Chính sách ngày 17/3, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã quyết định tiếp tục biện pháp nới lỏng tiền tệ hơn nữa.

Như vậy, tuy chưa nhiều, nhưng đã có một số nước thực thi chiến lược siết chặt chính sách tiền tệ để quá trình phục hồi kinh tế được kiểm soát. Tùy hoàn cảnh mà chiến lược hậu khủng hoảng của từng nước có khác nhau, song có thể thấy, ở đâu chính sách tiền tệ cũng là một công cụ hữu hiệu trong việc kiểm soát này.

stockbiz

ĐỌC THÊM