Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Chính sách tiền tệ: "Phép thử" đã lộ diện?

Lãi suất cơ bản từ 8% tăng lên 9% và thông tin sử dụng dự trữ ngoại hối “hạ nhiệt” giá USD là tâm điểm chính sách tiền tệ trong tuần qua. Và phía sau những điều chỉnh trên, đâu là quan điểm chính sách của Chính phủ cho hai tháng cuối năm?

Cuối tuần trước, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thông báo một tin quan trọng, Chính phủ sẽ có kịch bản vĩ mô riêng để kiềm chế lạm phát những tháng cuối năm.

Cũng theo thông tin từ cuộc họp, người đại diện phát ngôn của Chính phủ cho rằng chính sách tỷ giá và lãi suất sẽ được quan tâm trong kịch bản này.

Cả hai điều chỉnh mới nhất của chính sách tiền tệ, gồm tăng lãi suất cơ bản và can thiệp thị trường ngoại hối, theo quan điểm của nhiều chuyên gia kinh tế, sẽ góp phần làm ổn định giá trị VND và làm giảm lạm phát, cũng có nghĩa là Chính phủ đã bắt đầu phát đi tín hiệu thắt chặt chính sách tiền tệ.

Phản ứng tích cực ngay sau loạt chính sách này là giá USD trên thị trường tự do đã nhanh chóng hạ nhiệt, tuy nhiên ngay sau đó lại được điều chỉnh tăng lên do các can thiệp vào thị trường ngoại hối chưa được triển khai trên thực tế.

Nhìn nhận về quan điểm đổi hướng chính sách tiền tệ lần này, đa số các chuyên gia kinh tế đều đánh giá đây là hướng đi tích cực, nhưng tính thời điểm, liều lượng và phối hợp chính sách vẫn khiến nhiều người e ngại.

Dường như Việt Nam đã phản ứng khá chậm, một chuyên gia cấp cao từ Citi Group phát biểu trong hội thảo về kinh tế Việt Nam, được tổ chức hôm 4/11. Cũng theo vị này, nếu có được những điều chỉnh sớm, khả năng sẽ chỉ cần một biên độ không lớn để ổn định thị trường, trong khi nếu chậm thì mức độ điều chỉnh phải lớn hơn.

Chia sẻ quan điểm này, TS. Vũ Đình Ánh cũng cho rằng, việc điều chỉnh lãi suất cơ bản tăng thêm 1% là hợp lý, tuy nhiên, nếu áp dụng sớm hơn thì hiệu ứng sẽ cao hơn.

Trong khi đó, vẫn còn những băn khoăn về liều lượng của đợt điều chỉnh lần này. Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, trong ngắn hạn, thị trường ngoại hối có thể sẽ ổn định trở lại, nhưng, nếu nội lực không tăng lên thì lòng tin thị trường sẽ mai một, và sẽ lại dẫn tới điều chỉnh tỷ giá.

Về phía phối hợp chính sách, các giải pháp đưa ra được đánh giá là khá đồng bộ, các điều chỉnh liên quan đến tiền tệ đi kèm với kiểm soát giá cả thi trường, cung cầu ngoại tệ, và kiềm chế nhập siêu… Tuy nhiên, chính sách tài khóa vẫn còn chưa được đề cập rõ nét trong loạt các giải pháp lần này.

Dường như, vấn đề quan trọng hiện nay vẫn là những chỉ số cơ bản về nội lực nền kinh tế. Ở giai đoạn cần có sự can thiệp hành chính, dự trữ ngoại hối trở nên hữu dụng.

Có nhiều dự báo trái chiều về mức thâm hụt/thặng dư cán cân thanh toán tổng thể trong năm nay, nhưng phía thông tin chính thức, khả năng cán cân này sẽ thâm hụt khoảng 4 tỷ USD tính đến cuối năm 2010 (vẫn thấp hơn so với 8,8 tỷ USD của năm 2009).

Những diến biến mới nhất cho thấy, có thể mức thâm hụt sẽ giảm hơn nếu tạo được niềm tin thị trường. Trên thực tế, nhập siêu hàng hóa có thể giảm xuống mức khoảng 12 tỷ USD trong năm nay, thay vì 14 tỷ USD trong các dự báo công bố mấy tháng trước; giải ngân vốn FDI, ODA có thể vượt chỉ tiêu kế hoạch…

Tuy nhiên, theo nghiên cứu của Citi Group, vấn đề của Việt Nam có lẽ nằm ở tính thanh khoản nhiều hơn, khi liên tục phải đối mặt với áp lực giảm dự trữ ngoại hối. Trong khi đó, dòng vốn đầu tư toàn cầu đang khá dồi dào nhưng khả năng hấp thụ của Việt Nam còn nhiều hạn chế.

TS. Vũ Đình Ánh cũng lưu ý rằng, dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện không phải quá ít, nhưng đa phần là giấy tờ có giá. Trong khi khả năng chuyển đổi trên thị trường thế giới hiện nay không có lợi, liệu chính sách can thiệp có đủ để hạ nhiệt thị trường ngoại hối còn phải chờ các tín hiệu trên thực tế.

Đối với việc điều chỉnh lãi suất cơ bản lên 9%, một số chuyên gia tỏ ra nghi ngờ về hiệu lực của nó đối với giảm đà tăng của lạm phát. Theo ông Bùi Kiến Thành, “không phải lưu lượng tiền tệ gây ra lạm phát mà do lãi suất cao đã đẩy lạm phát lên. Tăng lãi suất cơ bản lên cao sẽ phản tác dụng, vì nó sẽ đẩy CPI lên cao”.

Theo ông, giải pháp có thể tính đến lúc này là hạ lãi suất tái chiết khấu và lãi suất tái cấp vốn, để các ngân hàng thương mại có thanh khoản tốt hơn.

Nguồn: Vneconomy

ĐỌC THÊM