Trong điều kiện khó khăn của nền kinh tế, lẽ ra chính sách tài khóa phải chịu một phần trách nhiệm, nhưng ngân sách vẫn cứ chi tiêu rất thoải mái.
Mặc dù có nhiều ý kiến tranh luận chung quanh chính sách tiền tệ của Việt Nam nhưng dù sao chính sách tiền tệ cũng rõ ràng về thông tin. Chính sách tài khóa không những thiếu vắng thông tin mà còn thiếu cả sự phối hợp với chính sách tiền tệ nữa.
Chính sách tiền tệ nhất quán
Trong phiên họp tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội cách đây 2 tuần, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Giàu chỉnh lại tăng trưởng tín dụng tháng 9 mà Ủy ban Kinh tế cho rằng đã lên mức 4,5%, tức là rất cao so với mức trung bình 2,78% của 5 tháng trước đó.
Thống đốc cho biết, con số đó chỉ là 2,48% đồng thời rất lưu ý con số 4,5% này vì sợ phát ra tín hiệu sai về mở rộng tín dụng, gây phản ứng trên thị trường”.
Cho đến hiện tại, NHNN vẫn xác định mục tiêu của chính xách tiền tệ từ cuối năm ngoái là thắt chặt nhằm ổn định kinh tế vĩ mô. Đó cũng là những khuyến nghị mà các tổ chức tài chính quốc tế đưa ra cho Việt Nam.
Việc ban hành Thông tư 13 cho dù gây nhiều tranh cãi, nhưng có mục tiêu đúng đắn là làm lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng thương mại của Việt Nam. Hệ thống ngân hàng đã bùng nổ, đặc biệt kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO, dẫn tới sự kém bền vữn về tình trạng vốn, năng lực quản lý rủi ro và chất lượng danh mục cho vay của một số ngân hàng.
Ngay cả khi có Nghị quyết 23 của Chính phủ nhằm hạ lãi suất huy động xuống khoảng 10% và lãi suất cho vay khoảng 12%, NHNN vẫn giữ mục tiêu thắt chặt chính sách tiền tệ.
Ngân hàng Nhà nước không thể can thiệp vào thị trường lãi suất hiện nay bằng mệnh lệnh hành chính, Thống đốc nói.
Chính sách tài khóa lại thiếu đồng bộ
Chính sách tài khóa vẫn không ngừng mở rộng. Hai khoản chi lớn nhất là chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển tăng tương ứng ở mức gần 7% và 43% so với dự toán năm 2010. Đó là một mức tăng kép rất cao, theo báo cáo của Chính phủ và đánh giá của Quốc hội.
Đồng thời, trong năm nay Chính phủ tăng cường bán trái phiếu, trị giá tới 68 nghìn tỉ đồng, vừa hút hết nguồn vốn của xã hội và doanh nghiệp, vừa không cách nào hạ lãi suất như chính Chính phủ mong muốn.
Nhưng đó mới chỉ là phần nổi của chính sách tài khóa, tức chi tiêu công.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho biết, chi tiêu công hiện nay không chỉ gói gọn trong cân đối ngân sách. Có nhiều cách nhau được sử dụng như sử dụng các loại chính sách, trái phiếu chính phủ và các nguồn lực khác ngoài ngân sách nhà nước.
Liên quan đến sự phối hợp giữa chính sách tài khóa và tiền tệ, Viện trưởng Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên nhận xét: “Trong mấy năm vừa rồi chỉ mỗi chính sách tiền tệ là vất vả, trong khi chính sách tài khóa lại rất ổn định trong mức chi. Trong điều kiện khó khăn của nền kinh tế, lẽ ra chính sách tài khóa phải chịu một phần trách nhiệm, nhưng ngân sách vẫn cứ chi tiêu rất thoải mái".
Nguồn: TBKTSG