Việc tăng cường kiểm tra chặt chẽ đối với một số mặt hàng thép nhập khẩu chính là biện pháp phi thuế quan nhằm hạn chế nhập khẩu, bảo hộ sản xuất trong nước khi mức thuế nhập khẩu giảm theo lộ trình còn 0% theo các cam kết đã ký. Đó là khẳng định của Bộ Tài chính khi nói về việc thực hiện chính sách và thủ tục thông quan đối với mặt hàng thép nhập khẩu hiện nay.
Vừa qua, tại buổi đối thoại giữa lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh với các nhà đầu tư nước ngoài (các ngày 16, 17/3/2016), một số tờ báo đăng ý kiến doanh nghiệp phản ánh việc thực hiện công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu (mặt hàng thép nhập khẩu) thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành Tài chính. Nhằm làm rõ thông tin về nội dung liên quan đến vấn đề này, Bộ Tài chính vừa có công văn gửi Bí thư Thành uỷ TP. Hồ Chí Minh, đồng thời phát đi thông tin tới các cơ quan thông tấn, báo chí để phản hồi và làm rõ về nội dung liên quan.
Theo Bộ Tài chính, do mức thuế quy định tại Biểu thuế ưu đãi (MFN) và các Biểu thuế ưu đãi đặc biệt (FTAs) có sự chênh lệch về mức thuế nên phát sinh gian lận về xuất xứ và khai báo mã HS.
Theo kiến nghị của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) tháng 10/2015, trong 9 tháng đầu năm 2015, các doanh nghiệp Trung Quốc đã gian lận nhằm trốn thuế, đưa gần 1 triệu tấn phôi thép Trung Quốc “đội lốt” hợp kim vào Việt nam và đề nghị tăng cường kiểm tra, quản lý đối với mặt hàng phôi thép NK từ Trung Quốc.
Xuất phát từ lý do trên, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành kiểm soát việc nhập khẩu thép theo quy định tại Thông tư liên tịch 44/2013/TTLT-BCT-BKHCN, kiểm tra kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm hành vi nhập khẩu, sử dụng không đúng mục tiêu đã đăng ký và không đảm bảo chất lượng khi đưa vào các công trình xây dựng, đề xuất các giải pháp trước mắt và lâu dài (về hàng rào kỹ thuật, hành chính) để quản lý chặt chẽ, ngăn ngừa các hành vi gian lận trong việc nhập khẩu thép và phôi thép.
Theo Bộ Tài chính, thủ tục hải quan đối với mặt hàng thép nhập khẩu hiện nay được thực hiện theo các quy định sau:
(i). Quy định về thủ tục hải quan tại Luật Hải quan, Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/1/2015 của Chính phủ, Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính về hồ sơ hải quan và khai báo hàng hóa; đồng thời:
(ii). Các thủ tục hành chính về quản lý chuyên ngành nêu tại: Thông tư liên tịch số 44/2013/TTLT-BCT-BKHCN ngày 31/12/2013, Thông tư số 12/2015/TT-BCT ngày 12/6/2015 của Bộ Công Thương và các văn bản hướng dẫn liên quan của Bộ quản lý chuyên ngành.Theo đó:
- Căn cứ Phụ lục I ban hành kèm Thông tư liên tịch số 44 quy định Danh mục các mặt hàng thép nhập khẩu phải thực hiện kiểm tra đánh giá sự phù hợp về chất lượng trước khi làm thủ tục thông quan.
- Khoản 3 Điều 6 Thông tư liên tịch số 44 quy định: Việc kiểm tra chất lượng thép nhập khẩu tại nguồn do Bộ Công Thương chủ trì, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp, “cơ quan Hải quan căn cứ quyết định miễn, giảm kiểm tra chất lượng thép của Bộ Công Thương để làm thủ tục thông quan”. Theo đó, việc lấy mẫu thép (cắt thép) để giám định chất lượng là cần thiết nhằm đảm bảo tiêu chuẩn thép nhập khẩu theo quy định của Liên Bộ.
- Khoản 4 Điều 6 Thông tư liên tịch số 44 quy định: Việc kiểm tra chất lượng thép nhập khẩu theo lô hàng tại các tổ chức giám định do Bộ Công Thương chỉ định.; “cơ quan Hải quan căn cứ vào chứng thư giám định hoặc giấy chứng nhận lô hàng để làm thủ tục thông quan”.
(iii). Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ (ý kiến của Phó thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc nhập khẩu mặt hàng thép tại Thông báo số 348/TB-VPCP ngày 29/10/2015, công văn số 190/VPCP-KTTH ngày 01/02/2016, công văn số 406/VPCP-KTTH ngày 10/03/2016 của Văn phòng Chính phủ) về việc quản lý mặt hàng thép, chống gian lận thương mại, chống phá giá, áp dụng biện pháp tự vệ khẩn cấp tạm thời, bảo hộ sản xuất trong nước, bảo đảm đáp ứng yêu cầu thực tiễn của ngành sản xuất thép trong nước, các Bộ đã thực hiện:
- Bộ Công thương:
Ngày 07/03/2016, Bộ Công thương đã ban hành Quyết định số 862/QĐ-BCT về việc áp dụng thuế tự vệ tạm thời đối với mặt hàng phôi thép và thép dài với mức thuế là 23,3% đối với phôi thép dưới dạng thuế nhập khẩu bổ sung và 14,2% đối với thép dài dưới dạng thuế nhập khẩu bổ sung, áp dụng với nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau.
Trước đó, Bộ Công thương cũng đã ban hành Quyết định 7896/QĐ-BCT ngày 05/09/2014 áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép không gỉ cán nguội dạng cuộn hoặc tấm từ Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Đài Loan.
- Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) áp dụng phân luồng kiểm tra đối với mặt hàng thép như sau:
(i) Kiểm tra chi tiết hồ sơ đối với các mặt hàng thép thuộc diện quản lý chuyên ngành và quản lý thuế như kiểm tra chất lượng theo Thông tư 44/2013/TTLT-BKHCN-BCT; giấy phép nhập khẩu tự động theo Thông tư 12/2015/TT-BCT; thép làm cốt bê tông kiểm tra chất lượng theo Quy chuẩn Việt Nam tại Thông tư 21/2011/TT-BKHCN, mặt hàng thép có form C/O thuộc diện hưởng thuế ưu đãi ...;
(ii) Kiểm tra thực tế hàng hóa (100%) đối với các mặt hàng xuất xứ Trung Quốc thuộc diện trong nước đã sản xuất được;
(iii) Kiểm tra thực tế hàng hóa 100% và lấy mẫu phân tích đối với các mặt hàng thép Trung Quốc (trong nước chưa sản xuất được) để xác định đúng bản chất hàng hóa xác định mã số chính xác, mặt hàng thuộc diện áp dụng biện pháp chống phá giá và mặt hàng thép hợp kim chứa Bo (Boron) có nguy cơ gian lận cao.
Bộ Tài chính khẳng định, như vậy, việc tăng cường kiểm tra chặt chẽ đối với một số mặt hàng thép nhập khẩu chính là biện pháp phi thuế quan nhằm hạn chế nhập khẩu, bảo hộ sản xuất trong nước khi mức thuế nhập khẩu giảm theo lộ trình còn 0% theo các cam kết đã ký.
Nguồn tin: Tài chính