Như vậy, sau những nỗ lực kiến nghị của các doanh nghiệp (DN) cũng như của Hiệp hội Thép Việt Nam, Bộ Công thương đã đồng ý kiến nghị và Bộ Tài chính đồng ý giảm thuế suất xuất khẩu thép và phôi thép từ 20% xuống còn 10%.
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc giảm thuế lần này là việc không thể khác được vì giá phôi thép thế giới đang liên tục “rớt giá”. Cách đây 2-3 tháng, giá phôi thép còn ngất ngưởng từ 1.300-1.500 USD/tấn thì hiện chỉ còn khoảng 650 USD/tấn. Giá phôi thép giảm khiến giá thép trong nước cũng giảm mạnh từ 22 triệu đồng/tấn thép cuộn xuống còn khoảng 16 triệu đồng/tấn. Các DN đang tồn đọng khoảng 500.000 tấn phôi, 400.000 tấn thép thành phẩm, dư thừa cho nhu cầu trong nước đến hết quý 1-2009. Như vậy từ nay đến quý 2-2009, các DN thép sẽ sản xuất gì?
Việc giá cả lên xuống trong thời buổi kinh tế thị trường là lẽ thường, DN nào dự báo thị trường không chính xác sẽ phải trả giá. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là nhiều DN thép đã phải chấp nhận “thua” không phải do chiến lược kinh doanh, khả năng dự báo thị trường của mình kém… mà do sự thay đổi thiếu hợp lý, có khoảng cách quá xa so với thực tế của các “chính sách lớn”.
Cụ thể, vào thời điểm khi giá thép thế giới tăng cao, giá phôi thép lên đến 1.200-1.300USD/tấn, các DN đã tập trung sản xuất phôi để xuất khẩu nhằm thu lợi nhuận bù vào những lúc ế ẩm. Tuy nhiên, trong lúc các DN đang háo hức thì Bộ Công thương kiến nghị và được Bộ Tài chính chấp thuận quyết định nâng mức thuế suất xuất khẩu phôi thép lên 20% (tăng 10% so với trước đó) với mục đích ngăn chặn tình trạng xuất khẩu phôi thép.
Theo giải thích của một quan chức Bộ Công thương khi đó “Chúng tôi dự báo khả năng Việt Nam sẽ có nguy cơ thiếu phôi thép cho sản xuất trong nước... do đó cần nâng thuế để hạn chế xuất khẩu”. “Hiệu quả” của quyết định này là từ con số thép xuất khẩu được trong tháng 5-2008 khoảng 67.000 tấn, tháng 6 xuất hơn 300.000 tấn thì sang tháng 7 chỉ còn 12.000 tấn. Và hiện trong nước đang tồn gần 1 triệu tấn phôi và thép thành phẩm mà dù có bán với giá rẻ cũng không ai mua.
Ngay khi thuế suất xuất khẩu thép vừa giảm xuống còn 10%, Hiệp hội Thép lại tiếp tục có văn bản kiến nghị giảm thuế suất xuất khẩu xuống còn 2% với lý do, giúp các DN giải quyết khó khăn về vốn. Lãnh đạo một DN thép thuộc hàng top 5 của Việt Nam cho biết “cho dù giảm thuế suất xuất khẩu còn 2%, DN cũng không thể có lời vì giá phôi thép thế giới hiện quá thấp. Tuy nhiên, với mức giá này DN có thể xuất được, giải quyết hàng tồn đọng và thu hồi vốn tái đầu tư cho sản xuất…”. Theo các chuyên gia kinh tế, chính sách thuế xuất khẩu thép thời gian qua đã gây thất thu khá lớn cho các DN xuất khẩu trong nước và đây chính là hệ quả của công tác dự báo kém của các cơ quan quản lý nhà nước.
Không biết kiến nghị lần này của Hiệp hội Thép có được các cơ quan chức năng quan tâm hay không, nhưng những gì đã và đang diễn ra cho thấy, nhiều chính sách của nhà nước mà cụ thể ở đây là chính sách thuế xuất khẩu thép đã đi sau thực tế quá xa. Cuối cùng DN nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung chịu thiệt, còn những cá nhân, cơ quan ban hành chính sách thì vẫn “vô can”.
SGGP