Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định số 3993/QĐ-BCT ngày 5/10/2016 về việc tiến hành điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép hình chữ H.
Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định số 3993/QĐ-BCT ngày 5/10/2016 về việc tiến hành điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép hình chữ H nhập khẩu vào Việt Nam có xuất xứ từ Trung Quốc (bao gồm cả Hồng Kông).
Trước đó, ngày 7/7/2016, Cục Quản lý Cạnh tranh (Cơ quan điều tra) nhận được hồ yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép hình chữ H, có mã HS 7216.33.00, 7228.70.10 và 7228.70.90 có xuất xứ từ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, bao gồm cả Hồng Kông nhập khẩu vào Việt Nam, với cáo buộc hàng hóa nhập khẩu cản trở đáng kể sự hình thành của ngành sản xuất trong nước.
Theo quy định, tại khoản 4 Điều 10 Pháp lệnh 20: “Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ có đầy đủ nội dung quy định tại Điều 9 của Pháp lệnh này, Bộ trưởng Bộ Công Thương ra quyết định điều tra; trường hợp đặc biệt, thời hạn ra quyết định điều tra có thể được gia hạn nhưng không quá 30 ngày”.
Để có thêm thời gian xem xét hồ sơ vụ việc và các thông tin liên quan, ngày 5/9/2016, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 3599/QĐ-BCT về việc gia hạn thời hạn ra quyết định điều tra thêm 30 ngày đối với hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá sản phẩm thép hình chữ H, có mã HS 7216.33.00, 7228.70.10 và 7228.70.90, nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam. Vì vậy, thời hạn ra quyết định điều tra đối với vụ việc này được gia hạn đến ngày 5/10/2016.
Theo Cục Quản lý Cạnh tranh, bên yêu cầu điều tra là Công ty TNHH Posco SS Vina và giai đoạn điều tra hành vi bán phá giá (POI) từ ngày 1/4/2015 đến 31/3/2016. Cùng đó, giai đoạn điều tra thiệt hại của ngành sản xuất trong nước từ ngày 1/4/2013 đến đến 31/3/2016.
Mặt hàng bị điều tra là loại thép hình chữ H có cấu trúc một thân bụng thẳng ở giữa cùng với hai cánh nằm ngang ở trên và dưới, còn được biết đến như là “dầm thép H”, “dầm thép W” hoặc thép dầm cánh rộng; được phân loại theo mã HS/AHTN 7216.33.00, 7228.70.10 và 7228.70.90.
Cũng theo Cục này, trường hợp muốn tiếp cận thông tin lưu hành công khai về vụ việc nêu trên, các tổ chức, cá nhân phải gửi đơn đăng ký làm bên liên quan đến Cơ quan điều tra muộn nhất vào 17h00 ngày 10 tháng 11 năm 2016.
Cơ quan điều tra khuyến nghị tất cả các tổ chức, cá nhân đang xuất nhập khẩu, phân phối, kinh doanh, sử dụng hàng hóa bị điều tra đăng ký làm bên liên quan để đảm bảo quyền và lợi ích của chính mình theo quy định của pháp luật.
Đối với thuế chống bán phá giá tạm thời, theo quy định tại Điều 20 Pháp lệnh chống bán phá giá, Bộ trưởng Bộ Công Thương có thể ra quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời đối với hàng hóa bị điều tra căn cứ vào kết luận sơ bộ của Cơ quan điều tra.
Riêng với việc áp dụng thuế chống bán phá giá có hiệu lực trở về trước thì theo quy định tại điều 23 của Pháp lệnh Chống bán phá giá, căn cứ kết luận cuối cùng của Cơ quan điều tra, Bộ Công Thương có thể áp dụng thuế chống bán phá giá có hiệu lực trở về trước đối với hàng hóa bị áp thuế trong thời hạn 90 ngày trước khi thuế chống bán phá giá tạm thời có hiệu lực.
Vì vậy, Cơ quan điều tra khuyến cáo các tổ chức, cá nhân trong quá trình ký kết hợp đồng nhập khẩu, phân phối, kinh doanh, sử dụng hàng hóa bị điều tra cần lưu ý về khả năng áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời và thuế chống bán phá giá có hiệu lực trở về trước./.
Nguồn tin: Bnews