Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Chịu trăm vụ kiện, kiện thắng một vụ

Sau hơn 8 tháng chuẩn bị và hơn 12 tháng điều tra, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định về việc áp dụng thuế chống bán phá giá đối với thép nhập khẩu không gỉ nhập khẩu từ 4 quốc gia và vùng lãnh thổ: Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia và Indonesia. Đằng sau tiền lệ đã được tạo ra này, là rất nhiều bài học cho doanh nghiệp.

Chịu 100 vụ kiện, kiện lại một vụ

“Từ khi công cụ phòng vệ thương mại là Pháp lệnh chống bán phá ra đời (2004) đến nay, công cụ trên giấy này mới phát huy tác dụng”, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) nói như vậy về kết luận điều tra, áp thuế chống bán phá giá một số sản phẩm thép không gỉ cán nguội nhập khẩu có nguồn gốc từ 4 quốc gia và vùng lãnh thổ nêu trên. Nhận định được đưa ra tại cuộc hội thảo về vụ điều tra chống bán phá giá đầu tiên ở Việt Nam do VCCI tổ chức hôm 18/9 tại Hà Nội.

Còn theo thống kê của bà Phạm Châu Giang, Trưởng phòng điều tra các vụ kiện phòng vệ thương mại của doanh nghiệp trong nước (Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương), trong 10 năm qua, Việt Nam phải chịu 100 vụ kiện phòng vệ thương mại thì có 50 vụ là điều tra chống bán phá giá. Tuy nhiên, Việt Nam chưa làm được điều ngược lại này, trong những trường hợp tự vệ cần thiết, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp/ngành nghề mình kinh doanh.

Cho đến khi Công ty TNHH Posco VST (Hàn Quốc) và sau đó là Công ty cổ phần inox Hòa Bình nộp đơn và hồ sơ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá của một số công ty sản xuất thép không gỉ cán nguội (6/2013). Sau đơn này, Bộ Công Thương đã làm đúng các quy trình, thủ tục cần thiết, tiến hành khởi xướng điều tra, áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời đến khi ra kết luận vụ việc.

Trong 11 tháng tiến hành điều tra và ra kết luận, Cục Quản lý cạnh tranh đã có rất nhiều cuộc thẩm tra, đối chứng, xác định biên độ chống bán phá giá và biên độ thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước. Đến ngày 5/9 vừa qua, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định áp thuế chống bán phá giá, với mức cao nhất cho một doanh nghiệp YLSS (Đài Loan) là 30,73% và thấp nhất cho công ty FSSS của Trung Quốc (6,45%). Mức thuế này sẽ được duy trì trong 5 năm.

Nhiều kinh nghiệm quý

Bà Châu Giang nói rằng, sau vụ việc kết thúc, có rất nhiều điều mà doanh nghiệp Việt Nam có thể rút ra cho các vụ việc có tính chất tương tự lần sau.

Thứ nhất là việc chuẩn bị hồ sơ nộp đơn đề nghị điều tra vụ việc. Cục Quản lý cạnh tranh đã ngỡ ngàng khi Posco nộp hồ sơ rất dày về việc này. “Điều đầu tiên là nếu doanh nghiệp khởi kiện, phải chuẩn bị hồ sơ rất kỹ”, bà Giang nói. Theo bà, như trường hợp Posco, họ đã chịu nhiều cuộc điều tra tương tự nên kinh nghiệm của họ còn nhiều hơn kinh nghiệm của Cục Quản lý cạnh tranh ở lĩnh vực này. Bởi chính bản thân các nguyên đơn cũng sẽ bị thẩm tra vì tính chính xác của các thông tin cung cấp.

Điều thứ hai, trong quá trình trực tiếp điều tra vụ việc, bà Giang nói rằng tất cả các bên doanh nghiệp liên quan đến vụ việc, nhất là các bị đơn nên hợp tác chặt chẽ, minh bạch, đầy đủ với cơ quan điều tra để chứng minh sự thiện chí và đảm bảo quyền lợi hợp pháp của mình. Việc không hợp tác hay hợp tác không đầy đủ đều có thể dẫn đến những kết cục không mong muốn. Như cùng một vụ việc song nếu bất hợp tác có thể bị đánh thuế cao hơn nhiều mức thuế mà doanh nghiệp hợp tác tích cực không bị.

Mặt khác, đối với doanh nghiệp là bị đơn trong các vụ kiện, thì không đồng nghĩa với việc cả 5 năm sẽ bị ấn định mức thuế chống bán phá giá không thay đổi. Sau một năm, hoặc hai năm, nếu doanh nghiệp thấy thuế bị áp cao quá, có thể yêu cầu rà soát lại và chứng minh việc đã không còn bán phá giá như trước. Phía nguyên đơn cũng có thể yêu cầu tăng thuế nếu thấy dấu hiệu bán phá giá tiếp tục gia tăng.

Về phía các nhà quản lý, việc tiến hành điều tra vụ việc đầu tiên cũng để lại những kinh nghiệm quý. Ví dụ như cách thức chọn mẫu điều tra thế nào, nhất là trong điều kiện các doanh nghiệp bán phá giá vào Việt Nam là các công ty thương mại, không phải nhà sản xuất nên có điều tra họ cũng không mang lại lợi ích gì. Hoặc Trung Quốc có hơn 100 công ty thép sản xuất mặt hàng này, việc chọn doanh nghiệp để điều tra cũng phải tính toán kỹ. Sau đó mới tính đến mức độ hợp tác của họ.

Nếu doanh nghiệp có hợp tác thì dễ, còn nếu bất hợp tác, thì tính thuế cho họ thế nào. Bà Giang chia sẻ rằng: “Ban đầu chúng tôi có gặp lúng túng khi áp thuế chống bán phá giá sơ bộ. Và phải tham khảo các chuyên gia quốc tế trong lĩnh vực này để đưa ra các mức thuế phù hợp”. Ví dụ như doanh nghiệp hợp tác giai đoạn đầu, sau không hợp tác thì thuế bị áp bao nhiêu? Sau khi tham khảo thì mức thuế được đưa ra là bình quân gia quyền của các mức thuế áp cho các doanh nghiệp hợp tác đầy đủ cộng thêm mức điều chỉnh tăng nhất định (theo quy định của WTO).

Tuy nhiên, bà Giang cũng nhận định rằng việc ra quyết định áp thuế chống bán phá giá chỉ là một phần của chặng đường dài. Sau khi áp rồi thì thực thi quyết định này thế nào? Làm sao áp đúng đối tượng, đúng mã sản phẩm cũng là một câu chuyện khác. Như trong ngành thép không gỉ cán nguội, không phải cả chín mã hàng hóa đều bị áp thuế mà chỉ một số mã trong các danh mục này bị áp. Phân biệt được nó cũng là một câu chuyện. Ví như chỉ áp thuế cho các sản phẩm có độ dày dưới 3,5ml. Các sản phẩm có độ dày trên mức này không bị áp. “Vấn đề đặt ra là phải tăng cường kiểm tra Hải quan”, bà Giang nói.

Sau vụ việc mang tính tiền lệ này, Cục Quản lý cạnh tranh sẽ phối hợp với cộng đồng doanh nghiệp tích cực điều tra ở các vụ việc khác nếu đủ yếu tố cấu thành các hàng rào kỹ thuật, thương mại hợp pháp. Trên cơ sở đó kiến nghị sửa Luật Cạnh tranh cho phù hợp với tình hình thương mại phức tạp hiện nay.

Nguồn tin: KTSG

ĐỌC THÊM