Nỗi lo phải đóng máy do không còn nguyên liệu sản xuất của nhiều doanh nghiệp ngành thép không gỉ đã có thể kết thúc.
Bộ Khoa học và Công nghệ vừa chính thức báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc sẽ tiếp tục cho phép lưu thông thép không gỉ đã sản xuất trong nước, nhập khẩu sau ngày 1/6/2020 đến ngày 31/12/2021.
Covid-19 đã không chặn được nỗ lực của các bộ, ngành và Chính phủ nhằm rà soát, xử lý những quy định đang làm khó doanh nghiệp. Có lẽ, đây chính là thời điểm để các nhà hoạch định chính sách có sự đồng cảm, chia sẻ với những đề nghị cải cách, cắt giảm quy định, điều kiện kinh doanh, kiến nghị hỗ trợ... từ giới đầu tư, kinh doanh.
Có một thực tế không thể né tránh, là ngay cả khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt nhất, thì năm nay, sẽ có không ít doanh nghiệp phải ngậm ngùi đóng cửa, giải thể, rút khỏi thị trường. Đó là sự sàng lọc tự nhiên và khắc nghiệt hơn khi có những tác động bất thường từ bên ngoài mà bất kỳ doanh nhân nào khi bước vào thương trường cũng buộc phải xác định và chấp nhận.
Thậm chí, các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đang được Chính phủ bàn thảo tới đây dù mạnh hơn, ngân sách sẽ chi nhiều hơn... nhưng cũng không thể dành cho tất cả doanh nghiệp. Với nguồn lực có hạn, các chính sách sẽ tập trung hỗ trợ những doanh nghiệp thực sự có năng lực cạnh tranh, có tính lan tỏa, doanh nghiệp có tiềm năng đang gặp khó khăn tạm thời do dịch bệnh.
Như vậy, trong lúc này, giải pháp duy nhất có thể hỗ trợ, hậu thuẫn cả cộng đồng kinh doanh, cho cả doanh nghiệp lớn, nhỏ vẫn là sự cởi mở, thuận lợi của cơ chế chính sách, của môi trường kinh doanh. Quyết định tạm dừng hiệu lực với những quy định làm khó doanh nghiệp của Bộ Khoa học và Công nghệ để xem xét, đánh giá là một ví dụ. Các doanh nghiệp sản xuất thép không gỉ sẽ có thêm thời gian nghiên cứu thị trường, tìm kiếm cơ hội, đơn hàng mới thay vì phải mất công sức đối phó với những rào cản từ một số văn bản, quy định quản lý nhà nước...
Tuy vậy, động thái của Bộ Khoa học và Công nghệ không phải là phổ biến. Ngay trong lĩnh vực của bộ này, các doanh nghiệp chế biến hải sản, thực phẩm... đang đau đáu chờ đợi việc sửa đổi quy định liên quan đến quản lý mã số, mã vạch với hàng xuất khẩu hiện chỉ được áp dụng tại Việt Nam.
Mới đây, Tổ công tác của Thủ tướng Chỉnh phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật đã tiếp nhận 109 văn bản của các hiệp hội, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong toàn quốc gửi đến với 4.162 nội dung kiến nghị, phản ánh, hạn chế của quy định pháp luật gây khó khăn, kìm hãm sự phát triển. Riêng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã tổng hợp, tìm được hàng trăm quy định ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực cần phải sửa đổi. Đó là chưa kể danh sách những điều kiện, quy định dù được sửa đổi, thậm chí cắt bỏ trên văn bản, nhưng doanh nghiệp không cảm nhận được. Lý do được phát hiện là nhiều hoạt động rà soát, cắt bỏ quy định của nhiều bộ, ngành mới đặt mục tiêu tuân thủ số lượng, tỷ lệ theo yêu cầu, chứ chưa coi trọng hiệu quả thực tiễn, chưa coi trọng những tác động tới doanh nghiệp.
Cũng phải nhắc lại, theo kế hoạch được Chính phủ ghi rõ tại Nghị quyết 02/NQ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020, Việt Nam sẽ tăng 10 bậc trên Bảng xếp hạng Môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB), tăng 5 bậc về năng lực cạnh tranh theo Xếp hạng GCI 4.0 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), tăng 3-4 bậc về đổi mới sáng tạo theo Xếp hạng GII của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO)... Có nghĩa, từ nay tới cuối năm, công việc mà các bộ, ngành, địa phương phải tuân thủ để thực hiện được nhiệm vụ trên sẽ còn nhiều.
Với yêu cầu quyết liệt của Chính phủ, có thể mọi công việc đều đang chạy nhanh. Nhưng giới kinh doanh mong muốn cảm nhận được sức nóng về tốc độ, trách nhiệm, thực tiễn từ các công việc cụ thể của các bộ, ngành. Những hành động này sẽ mở ra không gian phát triển mới để doanh nghiệp có thể tận dụng mọi cơ hội nhằm phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh, dù đó là cơ hội nhỏ nhất.
Nguồn tin: Baodautu