Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Chống bán phá giá thép không gỉ: Bảo vệ doanh nghiệp nào?

Không ít chuyên gia và DN lo ngại về những tác động bất lợi có thể đến từ biện pháp phòng vệ thương mại nói trên.

Cũng bởi, với mức thuế được đưa ra từ 6,45% - 30,73%, sẽ có không ít các DN sử dụng nguyên liệu thép không gỉ nhập khẩu từ các nước nói trên để sản xuất hàng hoá tại Việt Nam bị chặn đường mua nguyên liệu với mức giá cạnh tranh.

Lần đầu tiên chủ động

Sau hơn 5 tháng chính thức điều tra vụ kiện chống bán phá giá mặt hàng thép không gỉ cán nguội có xuất xứ từ Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và Đài Loan, do Công ty TNHH Posco VST và Công ty Inox Hoà Bình khởi kiện, ngày 3/12/2013, Cục Quản lý cạnh tranh (VCA - Bộ Công Thương) đã công bố báo cáo sơ bộ về vụ việc này.


Chống bán phá giá nên nhìn lợi ích đa chiều

Theo đó, VCA kết luận có hiện tượng bán phá giá vào thị trường Việt Nam của các DN đến từ 4 nước/vùng lãnh thổ thuộc diện điều tra nói trên, với các biên độ phá giá được xác định cụ thể, gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất sản phẩm này ở trong nước.

Cơ quan điều tra cũng kiến nghị áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời trong vòng 120 ngày đối với các nhà sản xuất/xuất khẩu nước ngoài nói trên. Cụ thể, với các DN Trung Quốc, Công ty FSSS sẽ bị áp mức thuế chống bán phá giá 6,45%, Lisco 6,99% và các công ty khác 6,68%; Công ty Jindal và các công ty khác của Indonesia có mức thuế 12,03%; Công ty Bahru và các công ty khác của Malaysia là 14,38%; Đài Loan với Công ty Ylss là 30,73%, Công ty Yusco và các công ty khác là 13,23%.

Theo TS. Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hội đồng tư vấn phòng vệ thương mại, Trung tâm WTO (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI), trong bối cảnh xu hướng sử dụng công cụ phòng vệ thương mại ngày càng gia tăng ở các nước thì việc DN Việt Nam đề xuất khởi kiện điều tra chống bán phá giá là một tín hiệu đáng mừng, cho thấy nhà sản xuất nội địa đã chủ động tận dụng những công cụ phòng vệ chính đáng để bảo vệ hàng hoá trong nước trước sức ép cạnh tranh với hàng hoá ngoại nhập.

Thay vì chỉ lo đi đối phó với các vụ kiện từ nước ngoài, DN Việt Nam đã chủ động đề xuất khởi xướng điều tra, các cơ quan chức năng liên quan mà đặc biệt là Cục Quản lý cạnh tranh đã khá tích cực trong hoạt động điều tra, lấy ý kiến của các bên liên quan, đưa ra những đánh giá, phân tích để điều tra vụ việc.

Điều này cho thấy các cơ quan chức năng đã biết tận dụng những công cụ chính đáng và vận dụng nghiệp vụ theo đúng quy định của thương mại quốc tế để bảo vệ hàng hoá nội địa. Kết quả của vụ việc này sẽ là động lực giúp các DN nội địa ở nhiều ngành chủ động sử dụng công cụ này để bảo vệ hàng hoá của mình.

Còn lo ngại về lợi ích toàn cục

Song, cũng có không ít chuyên gia và DN lo ngại về những tác động bất lợi có thể đến từ biện pháp phòng vệ thương mại nói trên. Cũng bởi, với mức thuế được đưa ra từ 6,45% - 30,73%, sẽ có không ít các DN sử dụng nguyên liệu thép không gỉ nhập khẩu từ các nước nói trên để sản xuất hàng hoá tại Việt Nam bị chặn đường mua nguyên liệu với mức giá cạnh tranh. Họ chỉ còn con đường duy nhất là quay về mua sản phẩm từ chính các công ty khởi kiện, mức giá cao hơn từ 10% - 20% so với thị trường quốc tế.

Với CTCP Tập đoàn Sơn Hà, một trong những DN chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ việc áp thuế, Phó tổng giám đốc Đàm Quang Hùng cho biết, ngay từ khi vụ kiện chính thức được khởi xướng điều tra, Sơn Hà đã không dám mua hàng từ đối tác cũ tại các nước trên, mà phải chuyển sang nhà cung cấp Posco VST để tránh gặp những rủi ro về thuế. Đối với một số dòng sản phẩm mà Posco không cung cấp được, công ty này thậm chí là dừng nhập, khiến cho hoạt động sản xuất của một số sản phẩm bị gián đoạn.

Với mức thuế chống bán phá giá từ 6,45% - 30,73%, tạm áp dụng trong vòng 120 ngày, Sơn Hà tính rằng sẽ phải chịu thiệt hại hàng triệu USD. Về lâu dài, sản lượng hàng xuất khẩu của công ty có thể giảm từ 30% - 40% so với trước đây và với mức giá thành tăng tương ứng, DN này thậm chí sẽ không còn cơ hội để xuất khẩu.

Viễn cảnh cắt giảm nhân sự, thu hẹp quy mô lao động và sản xuất do doanh thu và lợi nhuận giảm được vẽ ra như một mối đe dọa chực chờ với Sơn Hà. Đó cũng là vấn đề mà nhiều nhà sản xuất khác như DN này cũng sẽ phải đối mặt.

Quyết định chính thức cuối cùng dù chưa được đưa ra, song một vụ việc được xem là kỳ vọng của giới chuyên gia và các DN về sự chủ động trong sử dụng công cụ phòng vệ, xem ra lại đang bộc lộ sự thiếu cân bằng lợi ích của các bên liên quan. Bởi vậy, ngay sau khi bản kết luận điều tra sơ bộ nói trên được công bố, 18 DN là đại diện của các nhà sản xuất sử dụng nguyên liệu thép không gỉ tại Việt Nam đã đồng loạt gửi phản đối và kiến nghị lên VCA, Bộ trưởng Bộ Công Thương.

Tại cuộc họp cũng liên quan đến vấn đề này diễn ra mới đây, bà Trần Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO cho rằng, đối với một vụ kiện điều tra chống bán phá giá, sẽ không xem xét động cơ đằng sau vụ việc. Tuy nhiên, theo quy định thì khi đưa ra mức áp thuế, cần xem xét quyết định đó có phù hợp lợi ích cộng đồng, lợi ích kinh tế - xã hội và quyền lợi của các bên liên quan hay không. Vấn đề này đang được nhiều DN nêu, cũng là thực tế hoạt động kinh tế hiện nay.

Nguồn: NDH

ĐỌC THÊM